Theo Thông tư 18/2019/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sửa đổi các quy định về cho vay tiêu dùng của công ty tài chính (CTTC) của Thông tư 43/2016 có hiệu lực từ năm 2020, CTTC không được sử dụng biện pháp đe dọa đối với khách hàng; không nhắc nợ trong khoảng thời gian từ 7 giờ đến 21 giờ và chỉ được nhắc nợ tối đa 5 lần/ngày; không nhắc nợ, đòi nợ người thân của khách hàng và phải bảo mật thông tin người vay tiền… Thế nhưng, các quy định này không được tuân thủ trong thực tế.
Dọa đốt nhà người thân
Tháng 5-2020, anh L.H.T (ngụ huyện Đắk Hà, tỉnh Kon Tum) bị thất nghiệp do dịch Covid-19 nên không đủ tiền để trả nợ hằng tháng cho khoản vay tín chấp 50 triệu đồng, lãi suất 33%/năm từ CTTC P. có trụ sở chính ở TP HCM. Lúc này, CTTC P. tiến hành nhắc nợ nhưng không liên lạc với anh L.H.T. Người nhà của anh L.H.T (cha, mẹ, dì ruột, em ruột) liên tục bị người lạ gọi điện đòi nợ dù trong hợp đồng vay vốn không ghi số điện thoại của những người này .
Đòi nợ kiểu “khủng bố” ở quán phở Hòa, đường Pasteur, TP HCM gây xôn xao dư luận một thời. Ảnh: PHẠM DŨNG
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, chị Thành (em ruột anh L.H.T) cho biết chỉ trong ngày 27-5, có đến hàng chục cuộc gọi có đầu số 094… tự xưng là nhân viên của CTTC yêu cầu trả nợ thay cho anh L.H.T với những lời lẽ nặng nề. Thế nhưng, chị Thành gọi lại các số điện thoại này thì không có tín hiệu. "Không hiểu vì sao khi tôi không nghe máy từ số lạ gọi đến thì lại có người khác liên tục nhắn tin vào địa chỉ Zalo của tôi với lời lẽ thô tục, thậm chí họ còn đe dọa đốt nhà tôi. Tôi rất sợ hãi, buộc phải chấp nhận trả nợ thay cho anh mình" - chị Thành kể lại.
Anh Minh, nhân viên của một công ty ở TP HCM, cho hay cách đây 1 tháng có một nhóm người lúc xưng là CTTC, lúc là công ty đòi nợ liên tục nhắn tin, điện thoại cả ngày lẫn đêm cho hầu hết các nhân viên, yêu cầu họ phải tìm người mắc nợ là nhân viên đã nghỉ việc khiến công ty phải kêu cứu đến cơ quan công an.
Né "khủng bố", phải nộp gần 2 triệu đồng
Không chỉ người thân của người mắc nợ các CTTC thường xuyên bị "khủng bố" bằng điện thoại, tin nhắn mà người nhà của cá nhân vay tiền qua app (ứng dụng) cũng rơi vào tình huống này.
Giữa tháng 4-2019, chị Trâm Anh (quận Thủ Đức, TP HCM) có vay qua app vaymuon 5 triệu đồng. Sau khi hết thời vay 30 ngày, chị Trâm Anh chưa có đủ tiền trả nợ. Lập tức, một số người lạ liên tục gọi đến 200 số điện thoại người thân quen của chị, gây áp lực đòi nợ; đồng thời cắt ghép các hình ảnh gia đình chị Trâm Anh đăng trên Facebook, Zalo… kèm theo nội dung bình luận thô bỉ.
Lo sợ ảnh hưởng đến người nhà, chị Trâm Anh đề nghị chủ app vaymuon gia hạn nợ, chấp nhận lãi phạt 100.000 đồng/ngày. Chủ app đồng ý nhưng yêu cầu chị Trâm Anh phải nộp phí gia hạn nợ 1,95 triệu đồng thì sẽ được tạm hoãn "làm phiền" trong vòng 1 tháng. Sau thời gian này, nếu chị Trâm Anh chưa trả được nợ thì có thể tiếp tục nộp phí gia hạn nợ cho tháng tiếp theo. "Để người nhà yên thân, tôi đã gia hạn 2 tháng, tính ra số tiền phải trả lên đến gần 10 triệu đồng" - chị Trâm Anh nói.
Tương tự, anh Minh (quận Bình Tân, TP HCM) - người vay 5 triệu đồng qua app di-dong.vip - cũng chấp nhận nộp phí gia hạn nợ 1,8 triệu đồng để người thân không bị người lạ điện thoại đòi nợ lúc nửa đêm, bêu xấu trên mạng xã hội.
Cơ quan quản lý bó tay?
Một thanh tra viên của ngành ngân hàng cho rằng nếu CTTC gọi điện cho người nhà của người vay tiền để nhắc nợ, đòi nợ là vi phạm quy định Thông tư 18/2019/TT-NHNN. Tuy nhiên, lâu nay không ít CTTC thuê các đơn vị đòi nợ thuê dùng các biện pháp mạnh để thu số vốn đã cho vay tiêu dùng, vay qua thẻ tín dụng…. "Cơ quan quản lý ngành ngân hàng có biết việc này nhưng không có cơ sở để xử lý" - vị thanh tra nói.
Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Công ty Basico, cho rằng Thông tư 18/2019/TT-NHNN chỉ có hiệu lực với các CTTC. Khi CTTC thuê công ty khác đòi nợ thì Ngân hàng Nhà nước không thể xử lý công ty đòi nợ thuê vì không quản lý những đơn vị này. Do đó, muốn giảm tình trạng "khủng bố" đòi nợ cần có những quy định chung, áp dụng cho mọi doanh nghiệp, cá nhân.
Biến tướng thành các băng nhóm "xã hội đen"
Góp ý sửa Luật Đầu tư ở cả hai kỳ họp thứ 8 và thứ 9 của Quốc hội, đại biểu (ĐB) Phan Thị Mỹ Dung (Long An) khẳng định quan điểm cần cấm đầu tư kinh doanh dịch vụ đòi nợ. ĐB Dung khẳng định thực tiễn trong thời gian qua, những đóng góp cho xã hội, cho nhà nước của loại hình kinh doanh thu hồi nợ chưa được đánh giá để thể hiện rõ kết quả tích cực. "Nhưng ngược lại, việc kinh doanh ngành nghề này nổi lên nhiều vấn đề đáng lo ngại, tiêu cực thì thể hiện rõ".
ĐB Mai Hồng Hải (Hải Phòng) cho rằng việc không xử lý được nợ không chỉ ảnh hưởng đến quyền tài sản của chủ nợ mà đôi khi mang đến hệ lụy pháp lý rất phức tạp. Ví dụ, theo Luật Doanh nghiệp, khi giải thể doanh nghiệp thì kể từ ngày có nghị quyết đại hội đồng cổ đông hoặc nghị quyết của hội đồng thành viên, hội đồng quản trị thông qua việc giải thể gọi là chủ trương giải thể thì trong vòng 180 ngày phải giải quyết các trách nhiệm về tài chính để nộp hồ sơ chính thức giải thể đến Sở Kế hoạch và Đầu tư địa phương. Nhưng do phải xử lý một khoản nợ không đòi được phải ra tòa kéo dài nhiều năm dẫn đến quá 180 ngày mà chưa nộp được hồ sơ giải thể thì không biết phải xử lý tiếp theo như thế nào. "Vì vậy, thực tế nhiều cá nhân, doanh nghiệp vẫn phải tìm đến dịch vụ đòi nợ vì tính tiện dụng và hiệu quả" - ĐB nói.
ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng không thể ngành nào nhà nước quản lý khó là cấm kinh doanh mà nên tạo điều kiện cho dân, làm sao để nhà nước quản lý theo quy định của pháp luật sẽ dễ dàng hơn. Thực tế cấm mà nhu cầu xã hội rất cần thì vẫn tồn tại và hiện nay có những trường hợp trá hình nên chúng ta rất khó quản lý. "Tuy nhiên, phải quy định điều kiện chặt chẽ hơn, ràng buộc hơn, quy trách nhiệm cho tổ chức, cá nhân có liên quan. Nếu thu hồi nợ theo kiểu xã hội đen, vi phạm pháp luật phải xử lý nghiêm minh. Có như thế, tôi tin rằng sẽ hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng kinh doanh thu hồi nợ theo kiểu xã hội đen nữa" - ông Hòa cho hay.
Bình luận (0)