Ông Phụng cho biết sau gần 1 năm nhập ngũ, tháng 3-1988, ông cùng đồng đội nhận được lệnh ra xây dựng, bảo vệ đảo chìm Gạc Ma thuộc cụm đảo Sinh Tồn của quần đảo Trường Sa. Khi ra đến Gạc Ma, ông được giao nhiệm vụ ở trên tàu, di chuyển xi-măng, sắt thép từ tàu HQ604 cho đồng đội đưa lên đảo.
Sáng sớm 14-3-1988, sau khi ông Phụng và đồng đội vận chuyển được 2 chuyến vật liệu xây dựng thì quân địch tiến đến cắt dây nối từ Gạc Ma tới tàu rồi đổ bộ lên đảo - nơi lá cờ Tổ quốc của ta đang tung bay. "Trước sự tấn công của quân địch, tàu HQ604 bị trúng đạn, chìm dần nhưng tôi vẫn nghe rõ lời của đồng đội: Phải bảo vệ Tổ quốc đến hơi thở cuối cùng!" - ông Phụng thuật lại.
Theo ông Trần Xuân Bình, khoảng 5 giờ sáng 14-3-1988, sau khi được lệnh lên Gạc Ma cắm cờ Tổ quốc, ông cùng 3 đồng đội nhảy từ trên tàu xuống biển và bơi vào đảo. Khoảng cách từ tàu đến khu vực đảo chìm Gạc Ma khoảng 200 m. "Ba đồng đội cầm cán cờ, xà beng, còn tôi cột lá cờ Tổ quốc vào cổ rồi bơi vào đảo. Đây là lá cờ thứ 2 các chiến sĩ công binh của ta cắm trên đảo Gạc Ma" - ông cho biết.
Khi phát hiện các chiến sĩ công binh đã cắm cờ Tổ quốc trên đảo Gạc Ma, quân địch bắt đầu đổ bộ lên đảo, áp sát họ và yêu cầu hạ cờ. "Anh em trên đảo không hề nao núng mà đoàn kết, sát cánh bên nhau. Tôi nhớ mãi lời thiếu úy Trần Văn Phương dõng dạc ngay trước họng súng quân địch: Các đồng chí đừng sợ, đừng nao núng, quyết giữ cờ Tổ quốc" - ông Bình xúc động.
Cựu binh Lê Hữu Thảo (ngụ tỉnh Hà Tĩnh), Trưởng Ban liên lạc cựu binh Gạc Ma - tàu HQ604, hồi tưởng: "Trong trận hải chiến Gạc Ma, tôi cùng đồng đội hô to: "Thà hy sinh đến giọt máu cuối cùng chứ không thể mất cờ, mất đảo. Hãy để cho máu của mình tô thắm lá cờ Tổ quốc thiêng liêng!".
Bình luận (0)