Do rất đông người theo dõi vụ việc nên gây ra ùn tắc giao thông, lực lượng CSGT và công an khu vực đã kịp thời có mặt để ổn định tình hình. Sau đó, Duy Nguyễn đã đăng tải một video gửi lời xin lỗi đến vợ, người thân, bạn bè và người hâm mộ cố nghệ sĩ Chí Tài.
Vụ việc này gây ra nhiều ý kiến khác nhau, người đồng tình, kẻ không ủng hộ. Việc đám đông phản ứng với phát ngôn, hành xử của Duy Nguyễn là có lý do chính đáng, song kéo đến tận nơi tập luyện "để nói chuyện phải quấy" và gây mất trật tự lại là việc không được nhiều người đồng tình. Một số nghệ sĩ nổi tiếng cũng đã lên tiếng trên mạng xã hội về việc này với hàm ý cho những người trẻ hiểu được không nên giận dữ đến mức quá khích, "đừng để những người tốt đang thương yêu và trân trọng nghề hát này, nghĩ mình toàn là những người hung dữ. Các em, các cháu ơi!".
Trước đó, ngày 7-12, tại Bình Dương, nam thanh niên tên Lê Tấn Thành đánh, đạp dã man một nữ sinh sau vụ va quệt xe, một clip ghi lại hình ảnh vụ việc được đăng tải đã khiến dư luận phẫn nộ. Ngay sau đó, một nhóm người đã tìm tới tận nhà, xông vào đánh đấm anh này nhằm "dạy cho một bài học"...
Đành rằng hành vi của Duy Nguyễn hay Lê Tấn Thành đều không hay, nhất là Lê Tấn Thành đã rõ dấu hiệu vi phạm pháp luật nên ngay sau đó, cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương đã tạm giam anh này và khởi tố vụ án, khởi tố bị can. Tuy nhiên, việc đám đông kéo đến kiểu như "hỏi tội" và nếu có sử dụng vũ lực đến mức gây thương tích thì lại trái luật. Việc phân định đúng sai, xác định mức độ vi phạm và xử lý theo quy định của pháp luật là phần việc của cơ quan chức năng, đám đông không thể làm thay, bởi đó là hành xử cảm tính và vi phạm pháp luật.
Thời gian qua, có rất nhiều vụ đám đông tự xử với đối tượng làm sai quấy. Do những ẩn ức, bất bình dồn nén, nhất là vật nuôi bị đánh bả bắt đi, nên nhiều kẻ trộm chó bị người dân đánh nhừ tử, có trường hợp bị đánh mất mạng hoặc mang thương tích cả đời. Trên mạng xã hội, vì những lý do khác nhau hoặc riêng tư mà một số người đưa ra thông tin chưa được kiểm chứng và quy kết cho người khác những thói hư tật xấu. Một số người khác vào bình luận, suy diễn, thậm chí đẩy vụ việc đi quá xa theo hướng tiêu cực, méo mó, khiến người bị quy kết phải hứng chịu sự phẫn nộ của đám đông...
"Giữa đường thấy chuyện bất bình chẳng tha" là tinh thần trượng nghĩa của người dân Việt, nhất là trước tình huống ỷ mạnh hiếp yếu, bị hại là phụ nữ, trẻ em, thân cô thế cô... Nếu làm ngơ trước vụ việc là tiếp tay cho sự vô cảm, để cho cái xấu, cái ác hoành hành, là sự bất cập, không nên. Song nếu hành xử một cách mạnh tay, làm thay cho cơ quan thực thi luật pháp thì lại là thái quá, lấn sang lằn ranh pháp luật. Do đó, cần cân nhắc về lý và tình để ứng xử phù hợp.
Bình luận (0)