Chiều 24-5, trình bày tờ trình về Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết Chính phủ đề nghị bổ sung vào điều 84 quy định về nguyên tắc xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức (CBCC) đã nghỉ việc, nghỉ hưu theo hướng: CBCC sau khi nghỉ việc, nghỉ hưu vẫn phải chịu trách nhiệm về hành vi vi phạm của mình trong thời gian công tác, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm phải chịu một trong những hình thức kỷ luật: khiển trách, cảnh cáo, xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm tại thời điểm có hành vi vi phạm.
Chính phủ cũng đề nghị xem xét không tiếp tục quy định hình thức kỷ luật giáng chức, bởi vì việc quy định đồng thời 2 hình thức kỷ luật "giáng chức" và "cách chức" áp dụng đối với những người giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý dễ dẫn đến tình trạng nể nang, chỉ áp dụng hình thức "giáng chức" thay vì phải áp dụng hình thức "cách chức".
Thảo luận về vấn đề này, ĐB Trần Thị Phương Hoa (Hà Nội), ĐB Lâm Quang Đại (TP HCM) băn khoăn về việc bỏ hình thức kỷ luật giáng chức. "Giáng chức nặng hơn cảnh cáo nhưng nhẹ hơn cách chức. Nếu bỏ giáng chức thì sẽ không nghiêm trong thực thi, vì cách chức thường là vi phạm rất nặng. Khoảng cách từ cảnh cáo đến cách chức rất xa, nếu bỏ giáng chức thì có phù hợp không, cần tính toán" - ông Đại nói.
Từ thực tế hoạt động, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Hoàng Văn Trà cho biết việc áp dụng kỷ luật giáng chức rất ít nhưng cần thiết. Ông dẫn chứng, một người đang là cấp phó được bổ nhiệm lên cấp trưởng nhưng điều hành, năng lực không đáp ứng được có thể giáng chức xuống làm cấp phó. "Tôi nghĩ nên duy trì hình thức kỷ luật giáng chức nhưng phải có hướng dẫn cụ thể để không xảy ra tình trạng lợi dụng giáng chức để né cách chức" - ông nêu quan điểm.
ĐB Giàng Páo Mỷ (Lai Châu) chia sẻ vừa qua trên địa bàn tỉnh cũng có một loạt CBCC vi phạm, tuy nhiên họ đã nghỉ hưu, do vậy, bây giờ chỉ xử lý họ về mặt Đảng ở chi bộ nơi họ sinh sống "chứ không giải quyết được gì". Do đó, ĐB Mỷ đề nghị cần có quy định rõ hơn về xử lý, đồng thời cần có những hình thức xử phạt cụ thể để có sự răn đe cho những người sau.
Về kỷ luật cán bộ nghỉ hưu, ông Trà khẳng định hiện nay đang làm và làm rất tốt, tạo hiệu ứng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phòng chống tham nhũng. Tuy nhiên, kỷ luật cán bộ nghỉ hưu thì phải làm rõ tính pháp lý các văn bản mà người này chịu trách nhiệm. "Ví dụ, ông hiệu trưởng ký cho tôi bằng đại học, bây giờ bị cách chức hiệu trưởng, thì bằng đó như thế nào? Chúng ta cần quy định, chứ không có chuyện đổi bằng" - ông Trà nói.
ĐB Nguyễn Thị Minh Trang (Vĩnh Long) cũng nhấn mạnh việc xử lý cán bộ về hưu đã tạo được sự đồng tình của dư luận. "Việc này cho thấy CBCC hạ cánh không an toàn. Chúng ta là cán bộ với nhau thì cũng xót xa. Tuy nhiên, cần được luật hóa, thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật và bảo đảm tính đạo lý" - bà Trang nói.
Không đồng ý giảm cấp phó HĐND
Trong chiều 24-5, thảo luận ở tổ về Dự Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương, nhiều ĐB bày tỏ không đồng ý với đề xuất giảm số lượng phó chủ tịch HĐND cấp tỉnh, cấp huyện.
ĐB Nguyễn Đức Sáu và ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP HCM) cho rằng HĐND rất quan trọng, nhất là trong nhiệm vụ giám sát, đòi hỏi bộ máy phải đủ mạnh. "Không giữ thì thôi, sao lại giảm. Đề nghị có đánh giá một cách đồng bộ, không thể bằng ý chí rằng phải giảm" - bà Tâm nói.
Bình luận (0)