Giữa muôn vàn khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra, những chuyến xe chở đầy ắp nhu yếu phẩm, vật tư y tế của Báo Người Lao Động vẫn đều đặn đến với lực lượng tuyến đầu
Để có được các chuyến xe ấy, tập thể Báo Người Lao Động luôn khắc ghi những chia sẻ chí tình từ bạn đọc, doanh nghiệp, những tấm lòng vàng đã đồng hành với chương trình "Tổ quốc cần, cả nước chung tay", "Thực phẩm miễn phí cùng cả nước chống dịch" do báo phát động, thực hiện.
Chí tình chí nghĩa
Khi đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát tại TP HCM, Ban Biên tập Báo Người Lao Động đã nhanh chóng phát động, thực hiện các chương trình "Tổ quốc cần, cả nước chung tay", "Thực phẩm miễn phí cùng cả nước chống dịch". "Hai chương trình như những lời hiệu triệu mà ở đó mỗi cá nhân đều được chung tay, thể hiện trách nhiệm đối với quê hương, đất nước" - ông Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động, nói trong lần trao tặng tiền và vật tư y tế với tổng giá trị 500 triệu đồng cho Ủy ban MTTQ TP HCM vào cuối tháng 5-2021.
Bác sĩ Diệp Bảo Tuấn - Phó Giám đốc Bệnh viện Ung Bướu TP HCM (trái), tiếp nhận hỗ trợ từ chương trình “Tổ quốc cần, cả nước chung tay” của Báo Người Lao Động .Ảnh: QUỐC THẮNG
Nhờ những đóng góp, san sẻ từ cộng đồng, Báo Người Lao Động đã thực hiện được hàng trăm chuyến xe mang nhu yếu phẩm, vật tư y tế đến với người dân và lực lượng tuyến đầu đang căng mình chống dịch suốt nhiều tháng liền với tổng trị giá hơn 6,4 tỉ đồng. Cũng qua cách cộng đồng hưởng ứng, càng thấy rõ hơn nghĩa tình đồng bào sẵn sàng đùm bọc, sẻ chia để "không ai bị bỏ lại phía sau".
Báo Người Lao Động trao tặng thực phẩm thiết yếu cho Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM .Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Trước hoàn cảnh khó khăn của lực lượng tuyến đầu đang ngày đêm chiến đấu vì sức khỏe, tính mạng nhân dân, chứng kiến không ít người rơi vào cảnh thiếu ăn, đứt bữa vì thất nghiệp do bệnh dịch hoành hành thì không ai có thể làm ngơ. Vì vậy, có doanh nghiệp dù đang chật vật xoay xở cho chính sự sống còn của đơn vị mình vẫn chắt chiu, mang tặng người dân các khu vực đang bị cách ly, phong tỏa 2 tấn gạo ngon ST25, cùng 500 chai dung dịch sát khuẩn thông qua chương trình "Thực phẩm miễn phí cùng cả nước chống dịch". Những ngày dịch bệnh căng thẳng, tìm phương tiện vận chuyển khó khăn, ông chủ Công ty TNHH TMDV Tom Nguyễn một mình chạy xe máy, chở 300 kg gạo đến trụ sở Báo Người Lao Động với lời nhắn gửi: "Chúng tôi còn gắng gượng được, mong bà con đón nhận món quà cũng là tấm lòng của cả tập thể công ty".
Thấy người dân TP HCM chịu thiệt hại nặng nề do dịch bệnh, chính quyền, nhân dân tỉnh Lâm Đồng đã chuyển 80 tấn rau củ quả, tin tưởng nhờ chương trình "Thực phẩm miễn phí cùng cả nước chống dịch" trao tận tay người dân thành phố. Một trường hợp khác làm chúng tôi không sao quên là câu chuyện người phụ nữ ngập ngừng bước vào Phòng Tiếp bạn đọc Báo Người Lao Động, cẩn thận trao cọc tiền 10 triệu đồng cho chương trình "Tổ quốc cần, cả nước chung tay". Khi chúng tôi ngỏ ý xin tên và địa chỉ để gửi lời tri ân lên mặt báo, chị nhẹ nhàng từ chối: "Tôi chỉ đại diện gia đình chia sẻ cùng bà con mùa dịch thôi mà!". Là giáo viên mầm non, chị cũng chịu cảnh thất nghiệp do dịch bệnh trong thời gian dài nhưng trước khó khăn chung của đồng bào, gia đình chị vẫn đóng góp với tất cả tấm lòng .
Những sẻ chia chí tình còn được chúng tôi ghi nhận từ đông đảo bạn đọc Báo Người Lao Động cùng hàng loạt đơn vị, doanh nghiệp là: Quỹ Trái tim Hùng Hậu, Công ty CP Acecook Việt Nam, Công ty CP Vinamit, Công ty CP Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt, Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk), Công ty Thiên An… "Kết quả này cho thấy việc làm của Báo Người Lao Động đã "chạm vào con tim mọi tầng lớp nhân dân, các đơn vị, doanh nghiệp và nhận được sự hưởng ứng sôi nổi chỉ trong thời gian ngắn" - nhà báo Trần Trọng Dũng - Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà báo TP HCM - nhận xét.
Trách nhiệm, thấu cảm
Cũng chính từ những ngày tháng không thể quên, cộng đồng còn chứng kiến những hình ảnh thật khác của người làm báo. Ngoài xông pha trên mặt trận thông tin về đại dịch, những người làm báo còn sẵn sàng lăn xả với công việc hỗ trợ người dân, lực lượng tuyến đầu.
8 giờ ngày 6-7-2021 (qua 2 tháng kể từ khi chương trình "Tổ quốc cần, cả nước chung tay" và "Thực phẩm miễn phí cùng cả nước chống dịch" thực hiện những chuyến xe hỗ trợ đầu tiên), khi những phần cơm nóng hổi từ bếp ăn do Công ty Bewina tài trợ vừa được hoàn tất cũng là lúc chuyến xe của 2 chương trình mang 400 bộ trang phục phòng dịch, 1.000 khẩu trang vải kháng khuẩn in logo Báo Người Lao Động, 1.000 chai dung dịch rửa tay sát khuẩn đạt chuẩn của Bộ Y tế, 6 tấn nhu yếu phẩm các loại cùng 850 phần cơm, bánh hot dog đến với Bệnh viện Điều trị Covid-19 tại Cần Giờ, Bệnh viện quận 6, Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch.
Từ trung tâm TP HCM, qua phà Bình Khánh, sau hơn 2 giờ, đoàn chúng tôi có mặt tại Bệnh viện Điều trị Covid-19 tại Cần Giờ. Đây là điểm hỗ trợ đầu tiên trong ngày. Thời điểm chúng tôi thực hiện chuyến đi, số ca mắc Covid-19 tại TP HCM đang tăng từng ngày, Bệnh viện Điều trị Covid-19 tại Cần Giờ phải hoạt động vượt công suất tối đa 600 giường điều trị.
Khó khăn cả về nhân lực lẫn vật lực là điều mà bác sĩ Lê Mạnh Hùng, Giám đốc Bệnh viện Điều trị Covid-19 tại Cần Giờ, đã tâm sự với chúng tôi về tình hình hoạt động của bệnh viện vào thời điểm ấy. Cũng bởi lẽ đó mà "những chuyến hàng hỗ trợ từ 2 chương trình của Báo Người Lao Động thêm phần ý nghĩa bởi sự thiết thực và kịp thời" - bác sĩ Lê Mạnh Hùng nói. Và hơn hết, vị giám đốc bệnh viện này tâm sự rằng ông cảm nhận được sự ấm áp, hạnh phúc, thể hiện sự đoàn kết, tương trợ, dìu nhau qua dịch bệnh từ các chương trình của Báo Người Lao Động. Cũng trong chuyến ghé thăm này, một bác sĩ đã hỏi vui chúng tôi: "Toàn đi đến "điểm nóng" như thế này mọi người có sợ không?", cả đoàn nhìn nhau rồi bật cười qua lớp khẩu trang. Người đời ai không sợ chết nhưng nếu ai cũng ngần ngại thì những vất vả, khó khăn lại đè nặng hơn lên đôi vai lực lượng tuyến đầu. Những phận người yếu thế đang chới với giữa một bên là dịch bệnh, một bên là cơm ăn hằng ngày sẽ ra sao khi đại dịch đã gây ra những tổn thương nghiêm trọng lên mọi mặt đời sống xã hội. Với suy nghĩ đó, đoàn chúng tôi lại miệt mài với những chuyến hàng hỗ trợ.
Dẫu những chuyến ghé thăm, tặng quà chỉ thực hiện chóng vánh qua lớp rào chắn khu phong tỏa hay ngay cổng các bệnh viện để bảo đảm các nguyên tắc phòng chống dịch nhưng cũng đủ để thể hiện tinh thần chung sức, đồng lòng và thấu cảm.
Những lời cảm ơn, chia sẻ của các bác sĩ giám đốc bệnh viện cũng chính là sự động viên thiết thực nhất để hành trình của chúng tôi kéo dài suốt nhiều tháng liền, thăm và tặng quà 101 điểm quận, huyện, TP Thủ Đức, trong đó có 31 bệnh viện, trung tâm y tế.
Kỳ tới: Bắc cầu nhân ái
Kịp thời và lan tỏa tính nhân văn
Theo ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP HCM, chính sự hoạt động liên tục, trách nhiệm, không ngại khó ngại khổ, sẵn sàng đi đến các điểm phong tỏa, khu cách ly, bệnh viện tuyến đầu ở TP HCM và nhiều tỉnh, thành, vùng biên giới của tập thể Báo Người Lao Động đã làm lan tỏa tính nhân văn, nhân rộng tinh thần tương thân tương ái. Điều này góp phần tích cực vào công tác phòng chống dịch của TP HCM nói riêng và cả nước nói chung.
Ông Lê Văn Minh - Bí thư Quận ủy quận 10, nguyên Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy TP HCM - đánh giá chương trình "Tổ quốc cần, cả nước chung tay" và "Thực phẩm miễn phí cùng cả nước chống dịch" của Báo Người Lao Động đã được triển khai kịp thời, hỗ trợ những nơi đang cần, đặc biệt là lực lượng y - bác sĩ, bộ đội biên phòng... Đây là điều đáng trân quý.
Bình luận (0)