Quảng Nam là địa phương duy nhất của cả nước có hai di sản thế giới, đặc biệt là cùng được UNESCO xét công nhận vào một thời điểm và đều là di sản văn hóa.
Một điểm đến - hai di sản nhưng có đến hàng tá quan điểm khác nhau và bảo tồn, trùng tu và khai thác. Chẳng phải vì "Quảng Nam hay cãi" nên sinh ra nhiều ý kiến trái chiều mà là do bản thân hai di sản này có nhiều điểm rất khác nhau về hoàn cảnh lịch sử, niên đại, văn hóa, kiến trúc, hiện trạng, tiềm năng và không gian địa hình. Hội An thuận lợi về nhiều mặt còn Mỹ Sơn rất chật vật, không những từng hứng lãnh bom đạn chiến tranh nên càng thêm đổ nát mà thậm chí có thời điểm số phận của nó ngàn cân treo sợi tóc khi vào những năm 1978-1979, tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ) có kế hoạch xây hồ Khe Thẻ phục vụ thủy lợi, đồng nghĩa rằng Mỹ Sơn sẽ nằm dưới lòng hồ nếu công trình được triển khai!
Sự khác biệt lớn nhất chính là hiệu quả kinh tế. Nhìn vào Hội An với 5 triệu lượt khách đến trong năm 2018, doanh thu chỉ riêng từ vé tham quan đã là 266 tỉ đồng trong khi Mỹ Sơn cùng năm đón 400.000 lượt, doanh thu hơn 62,1 tỉ đồng, người ta thường sốt ruột cho khu đền tháp. Tuy nhiên, nếu so với 20 năm trước, trong khi Hội An mỗi năm đã đón 100.000 lượt khách còn Mỹ Sơn chỉ có vài trăm lượt thì rất dễ thấy rằng sự phát triển (về mặt thương mại) của Mỹ Sơn như hiện nay là vượt bậc.
Nhưng đối với di sản, nhất là di sản thế giới, thì tiền không phải là tất cả; mà di sản chính là tiền, tiền chính là di sản, với điều kiện công tác bảo tồn phải thật tốt. Thực tế cho thấy luôn có sự xung đột giữa thương mại hóa và bảo tồn. Không giải quyết hài hòa được mối quan hệ này thì không chỉ đối diện nguy cơ mất di sản mà tiền cũng không thu được. Di sản phai màu, kém văn hóa... thì khách nào còn tới nữa!
Thế rồi thực tiễn đã chứng minh. Giữ gìn di sản tốt bao nhiêu thì nguồn lợi đem lại từ di sản nhiều bấy nhiêu. Tỉnh Quảng Nam hai thập kỷ qua giữa bao "rung lắc" của các luồng quan điểm vẫn giữ vững chủ trương bảo tồn nguyên trạng, phục hồi tối đa các cấu kiện nguyên bản và phát huy giá trị tiềm ẩn của nó. Không chỉ được bạn bè quốc tế hỗ trợ, trong trách nhiệm chung ấy có sự tham gia tích cực của cộng đồng địa phương. Đây là những yếu tố được UNESCO đánh giá rất cao.
Ra Huế, đến lầu Tứ phương vô sự thưởng thức nghệ thuật trong không gian diễn xướng nằm giữa lòng di sản (cố đô Huế là Di sản văn hóa thế giới), vào cung Trường Sanh thưởng trà hoàng tộc, thấy thanh tao làm sao! Về Hội An, nghe hát bài chòi dưới những mái nhà cổ vào đêm trăng rằm, mộc mạc và thú vị nào bằng! Giá trị tinh thần mới là thứ đáng tìm kiếm và lưu giữ, trân quý chứ không phải đồng tiền.
Vậy nên, dứt khoát không thương mại hóa di sản bằng mọi giá. Phải chấn chỉnh những hành vi kinh doanh chụp giật trên vịnh Hạ Long (Di sản thiên nhiên thế giới); phải dẹp ngay trò "ném tiền bo, cho tiền tip" lộ liễu, phản cảm trong những buổi diễn xướng quan họ hay đờn ca tài tử Nam Bộ - đều là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại...
Bình luận (0)