Thảo luận về dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD) vào ngày 26-10, nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) băn khoăn: Mặc dù đưa ra nguyên tắc không sử dụng ngân sách nhà nước (NSNN) để xử lý các TCTD yếu kém nhưng điều 146 dự thảo luật lại cho phép các TCTD vay lãi suất ưu đãi 0%, các khoản vay đặc biệt, miễn trừ một số loại phí, thuế.
Giám sát chặt từng đồng
ĐB Nguyễn Văn Minh (Quảng Ninh) cho rằng quy định như vậy là thiếu nhất quán. "Nói là không dùng ngân sách nhưng lại đưa ra quy định ngân hàng (NH) được vay các khoản vay đặc biệt, thực chất là dùng NSNN, nếu tái cơ cấu không thành công thì chúng ta lại mất vốn" - ĐB này quan ngại.
Bà Trần Kim Yến, Chủ tịch LĐLĐ TP HCM, góp ý về Luật Các tổ chức tín dụng tại Quốc hội vào ngày 26-10 Ảnh: NGUYỄN NAM
ĐB Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) cũng cho rằng việc giải cứu NH như cho vay các khoản vay đặc biệt với mức ưu đãi lãi suất 0% hay được miễn phí bảo hiểm tiền gửi (BHTG)… tức là đã dùng ngân sách gián tiếp để cứu NH bị kiểm soát đặc biệt. Nếu NH vẫn không thể phục hồi mà phá sản, không có khả năng thanh toán các khoản vay thì ai sẽ chịu trách nhiệm, tiền ngân sách bỏ ra cho vay lấy lại thế nào?
ĐBQH Trần Kim Yến, Chủ tịch LĐLĐ TP HCM, góp ý cần mở rộng người đại diện của TCTD tương tự như quy định hiện hành về công ty cổ phần hoặc công ty TNHH là có một hay nhiều người đại điện. Việc điều chỉnh này sẽ tạo được sự chủ động hơn cho các TCTD đồng thời hạn chế sự lạm quyền của người đứng đầu TCTD.
Tiếp thu ý kiến của QH, dự thảo luật lần này đã phân chia thống nhất và rõ ràng các phương án cơ cấu lại TCTD được kiểm soát đặc biệt. Bao gồm các phương án phục hồi; sáp nhập, hợp nhất, chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp, cổ phần đối với TCTD được kiểm soát đặc biệt; giải thể; chuyển giao bắt buộc và sau khi các biện pháp này không giải quyết được mới cho phá sản.
Bất an với tiền gửi ngân hàng
Theo Luật BHTG, người gửi tiền ở bất kỳ hạn mức nào cũng chỉ được chi trả 75 triệu đồng trong trường hợp NH phá sản. Ngoài ra sẽ được chi trả vượt hạn mức cho người gửi tiền trong trường hợp NH phá sản, vấn đề này được quy định tại Luật Các TCTD.
ĐB Nguyễn Thị Lệ Thủy (Bến Tre) cho rằng việc sửa lần này vẫn mang tính chắp vá, chưa toàn diện. Luật cần xác định bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền là ưu tiên số 1, vì tiền gửi của dân cư chiếm 85% vốn huy động của NH, có thể coi là cổ đông đặc biệt của NH. Theo bà Thủy, tỉ lệ chi trả cho người gửi tiền phải tương ứng với tiền gửi thay vì gửi 100 triệu đồng cũng được bồi thường 75 triệu đồng, gửi 10 tỉ đồng cũng nhận 75 triệu đồng.
ĐB Bùi Thanh Tùng (Hải Phòng) lo ngại nhiều nước không cho phá sản TCTD để bảo đảm quyền lợi cho người gửi tiền. Dự thảo luật đưa ra phương án phá sản là phương án cuối cùng xử lý NH yếu kém nhưng lại chưa có quy định cụ thể về biện pháp hỗ trợ chi trả về hạn mức chi trả cho người gửi tiền sẽ có nguy cơ ảnh hưởng tới an toàn hệ thống, trật tự an toàn xã hội.
Thiếu cán bộ đủ năng lực cứu ngân hàng
Trình bày trước QH, Thống đốc NH Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết việc thiếu quy định cụ thể trong tái cơ cấu NH yếu kém đã ảnh hưởng tới tâm lý cán bộ thực hiện. Cán bộ được phân công tham gia tái cơ cấu không phải là công chức nhà nước nên họ từ chối khi được phân công. Còn nếu bị điều sang rồi thì xin thôi nhiệm vụ, chuyển đi nơi khác. Vì thế rất khó trưng tập được cán bộ có đủ đạo đức, năng lực để thực hiện tái cơ cấu NH yếu kém. Đây là bất cập rất lớn, nếu chờ sửa đổi Luật Hình sự, Luật Cán bộ công chức thì không kịp thời, cần đưa vào Luật Các TCTD.
Bình luận (0)