Ít nhất từ năm 2008, điều 60 Luật Giao thông đường bộ cấm người dưới 16 tuổi điều khiển xe máy, từ đủ 18 tuổi mới được sử dụng phương tiện có dung tích xi-lanh trên 50 cm3. Tuy nhiên, việc thực thi từ nhiều phía chưa nghiêm dẫn tới nhiều hệ lụy đáng tiếc.
Mới đây, trong bài viết "Học sinh chạy xe máy: Những rủi ro lớn" đăng trên Báo Người Lao Động, hình ảnh học sinh tại nhiều trường THPT ở TP HCM điềm nhiên chạy đủ loại xe máy đến mức báo động. Nhiều phụ huynh khi giao xe cho con đã gián tiếp thúc đẩy một rủi ro ra đối đầu với rủi ro lớn hơn.
Nhiều phụ huynh chủ quan khi giao xe cho con - Ảnh MINH DIỄM
Thông tin từ Phòng CSGT TP HCM cho thấy dù liên tục ra quân nhưng tình hình "chưa hạ nhiệt rõ rệt". Chỉ từ ngày 15-12-2022 đến 6-11-2023, CSGT toàn thành phố đã lập hơn 3.700 biên bản xử lý học sinh với lỗi phổ biến là chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện. Nếu tính ở các tỉnh, thành khác, con số chắc chắn rất lớn.
Thực tế, nhiều tai nạn không đáng có từ việc thiếu niên chạy xe máy đã xảy ra. Chẳng hạn gần đây, ngày 23-11, 2 thiếu niên thương vong khi chở nhau trên xe máy trên đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ. Với tai nạn này cũng như nhiều tình huống thương tâm khác, bên cạnh việc làm rõ trách nhiệm các bên tham gia giao thông thì cần sự nhận thức sâu sắc, hành động dứt khoát hơn nữa ở tầm vĩ mô, cụ thể là việc thực thi luật pháp.
Công an các địa phương không nên coi trẻ được giao xe là nguy cơ nữa vì đó đã là thực tế hiển hiện rất đáng lo.
Thực tế ấy không chỉ gây xấu tình hình trật tự, an toàn giao thông, mang nỗi đau tới nhiều gia đình, gây tổn thương xã hội mà còn gián tiếp tạo thói "nhờn luật", hình thành nhân cách thiếu trọn vẹn trong những người trẻ. Vì thế, phải ráo riết xử lý.
Luật đã có từ 15 năm trước, các nghị định, thông tư cũng đầy đủ. Vấn đề còn lại nằm ở người thực hiện. Không nên lơ đãng trong thực thi nữa!
Bình luận (0)