Chưa đầy một năm trước, địa phương này của TP Hà Nội đã rầm rộ ra quân nhằm "xóa sổ" các xóm cà phê đường tàu. Khi ấy, sở dĩ có đợt ra quân này là do Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) đã liên tiếp có văn bản kiến nghị UBND TP Hà Nội và Cục Đường sắt Việt Nam xử lý dứt điểm tình trạng buôn bán, chụp ảnh tại các tụ điểm cà phê đường tàu (thuộc 2 quận Hoàn Kiếm và Ba Đình) gây ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông đường sắt.
Trên thực tế lúc đó, dọc hai tuyến đường sắt từ ga Hà Nội đi về hướng Bắc "mọc lên" rất nhiều hàng quán, trong đó chủ yếu là các quán cà phê với khách hàng chủ yếu là người nước ngoài, khách du lịch. Du khách cả trong và ngoài nước muốn đến đây để check-in một trong những điểm đến dù không có trong bất kỳ giới thiệu chính thức nào của thủ đô, song lại được lan truyền nhiều trên các diễn đàn, hội nhóm du lịch và sách hướng dẫn du lịch ở nước ngoài. Du khách đến ăn uống sôi động hẳn lên, ùa ra chụp ảnh, quay clip, selfie… một cách háo hức, thích thú mỗi khi có đoàn tàu chạy qua như sát sàn sạt họ.
Những hoạt động tự phát trên đều nằm trong khu vực hành lang an toàn giao thông đường sắt, tiềm ẩn rủi ro, nguy cơ tai nạn khá cao. Thực tế, đã có du khách nước ngoài bị thương do mải quay, chụp nên bị tàu chạy qua va phải, rất may là chấn thương không nặng.
Chính vì thế, chính quyền nơi có tuyến đường sắt đi qua ở 2 quận Ba Đình và Hoàn Kiếm yêu cầu lực lượng công an và lực lượng chức năng khác lập rào chắn, đặt biển cảnh báo và tổ chức lực lượng chốt trực không để khách du lịch đi vào ăn uống, quay phim, chụp ảnh... trong phạm vi hành lang an toàn đường sắt. Đồng thời, lập hồ sơ, xử lý nghiêm các hộ kinh doanh vi phạm.
Biện pháp mạnh tay, liên tục giai đoạn đó đã cơ bản lập lại trật tự, trả lại hành lang an toàn đường sắt. Thế nhưng, một thời gian sau khi dư luận yên ắng, xóm cà phê đường tàu lại dần "hồi sinh".
Cũng đã có những ý kiến khác nhau về việc có nên cho phép tồn tại xóm cà phê đường tàu. Có không ít ý kiến ủng hộ, dẫn ra thực tế nước ngày nước kia cho phép, coi đó như là một điểm đến hấp dẫn với du khách.
Song có nhiều ý kiến không đồng tình, cho rằng như vậy là vi phạm hành lang an toàn đường sắt, tiềm ẩn nguy cơ cao xảy ra tai nạn. Điều quan trọng nhất, theo họ là phải thượng tôn pháp luật, đã có quy định rõ ràng về hành lang an toàn đường sắt thì phải chấp hành, ngộ nhỡ xảy ra tai nạn thì ai chịu trách nhiệm? Liệu những người lên tiếng ủng hộ có chịu trách nhiệm không?
Thế nên, việc xóa bỏ xóm cà phê đường tàu là việc phải làm theo quy định pháp luật. Và để luật pháp được thực thi, lực lượng chức năng sở tại phải làm hết trách nhiệm một cách thường xuyên, liên tục, không chỉ ra quân thì rầm rộ rồi lại lơi tay để tái diễn tình trạng "bắt cóc bỏ đĩa".
Bình luận (0)