Ngày 30-8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8-2018.
Sẽ có thông tin chính thức
Tại cuộc họp báo Chính phủ, ông Mai Tiến Dũng cho biết sau khi nhận được phản ánh của ông Vương Duy Bảo (cháu nội "vua Mèo" Vương Chí Sình), Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo UBND tỉnh Hà Giang rà soát, báo cáo vào ngày 31-8.
"UBND tỉnh Hà Giang đã rà soát, chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Giang thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Đồng Văn. Vụ việc rất rõ ràng, chúng ta phải tôn trọng giữ gìn di tích, khẳng định cơ quan nhà nước không trưng thu tài sản đó. Trong quá trình thực tiễn, liên quan đến trước đây có đầu tư, tu bổ, khi nhận được báo cáo cụ thể của UBND tỉnh Hà Giang, Chính phủ sẽ có thông tin chính thức" - Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.
Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng (giữa) tại cuộc họp báo Chính phủ vào chiều 30-8 Ảnh: THẾ DŨNG
Đường đua xe công thức 1: Không dùng ngân sách
Trả lời câu hỏi của báo chí về việc UBND TP Hà Nội và các bộ - ngành đang dự kiến tổ chức đua xe công thức 1 (Formula One) tại Việt Nam, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết Luật Thể dục Thể thao năm 2003 quy định thẩm quyền của Thủ tướng, còn luật mới sửa đổi, bổ sung vừa được Quốc hội thông qua (có hiệu lực từ ngày 1-2019) thì việc mở đường đua xe công thức 1 thuộc thẩm quyền chủ tịch UBND TP Hà Nội xây dựng và tổ chức.
Ông Mai Tiến Dũng giải thích: Theo quy định pháp luật, Thủ tướng giao cho Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Kế hoạch và Đầu tư, các bộ - ngành xem xét, đánh giá tác động đối với dân cư cũng như các vấn đề liên quan. Thông tin ban đầu TP Hà Nội đưa ra là nơi đua xe công thức 1 dự kiến ở vòng quanh bờ hồ Hoàn Kiếm và một số tuyến phố gần đó. Tuy nhiên, đơn vị tổ chức nước ngoài thấy khu vực này không đạt yêu cầu và chi phí lớn.
Sau đó, Hà Nội dự kiến tổ chức điểm đua xe công thức 1 ở khu vực Khu Liên hợp thể thao Mỹ Đình. "Thủ tướng đồng ý về mặt chủ trương mở đường đua xe công thức 1 nhưng quan điểm nhất quán là việc xây dựng, tổ chức phải theo phương thức xã hội hóa toàn bộ, không dùng ngân sách nhà nước" - ông Mai Tiến Dũng nói.
Theo ông Mai Tiến Dũng, tổ chức những sự kiện như vậy để quảng bá hình ảnh ra thế giới, thu hút khách du lịch trong và ngoài nước là phù hợp nhu cầu người dân. Nếu bảo đảm được an toàn tuyệt đối và từ nguồn vốn xã hội hóa, Thủ tướng đã đồng ý với đề xuất này và các bộ - ngành đều ủng hộ Hà Nội. Hiện TP Hà Nội đang tiếp cận các nhà đầu tư và đàm phán.
Kiểm tra không để ảnh hưởng đến doanh nghiệp
Chiều cùng ngày, tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đã trả lời một số thông tin liên quan đến việc Cục QLTT trong công tác chỉ đạo và kiểm tra Công ty CP Con Cưng. Theo ông Đỗ Thắng Hải, qua khiếu nại của người tiêu dùng về nhãn mác và xuất xứ sản phẩm của Con Cưng, Cục QLTT (nay là Tổng cục) thành lập đoàn kiểm tra sơ bộ để xác minh sự việc.
"Theo đúng nhiệm vụ, thẩm quyền được giao, việc kiểm tra chống các hành vi vi phạm trong sản xuất - kinh doanh hàng hóa giả mạo xuất xứ là công việc thực hiện thường xuyên, trên cả nước, tất cả loại hình doanh nghiệp, tất cả các sản phẩm. Tuy nhiên, công việc kiểm tra cần bảo đảm tính nghiêm minh, tuân thủ đúng quy trình, không được gây phiền nhiễu, không được làm ảnh hưởng đến doanh nghiệp làm ăn chân chính" - ông Hải nhấn mạnh.
Về kết quả rà soát đánh giá lại việc chấp hành pháp luật về hoạt động công vụ của cá nhân, tập thể lãnh đạo Cục QLTT trong trong vụ việc này, ông Hải cho biết Bộ Công Thương sẽ có kết luận chính thức về những vi phạm (nếu có) của các thành viên đoàn kiểm tra vào ngày 31-8.
Sắp công bố kết luận thanh tra Thủ Thiêm
Tại buổi họp báo, ông Bùi Ngọc Lam, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ (TTCP), cho biết cuộc thanh tra về công tác quản lý, sử dụng, thu hồi đất và đền bù giải phóng mặt bằng tại khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP HCM) đã hoàn thành vào ngày 11-7. Sau khi hoàn thành, TTCP đã gửi lấy ý kiến của các bộ - ngành liên quan và UBND TP HCM. "TTCP đang tiến hành các thủ tục, nửa đầu tháng 9-2018 sẽ công khai kết luận thanh tra tại Thủ Thiêm" - ông Lam nói.
Thành lập mới 87.000 doanh nghiệp
Đánh giá tình hình kinh tế - xã hội, Thủ tướng cho biết trong tháng 8-2018, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 tăng 0,45% so với tháng trước, CPI bình quân 8 tháng năm 2018 tăng 3,52% so với bình quân cùng kỳ năm 2017. Cả nước có trên 87.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 2,4% về số doanh nghiệp và tăng 6,9% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2017. Có 21.000 doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng 9,3%.
Từ các báo cáo, đánh giá sơ bộ của các bộ - ngành chức năng, Thủ tướng cho biết một điều đáng mừng là qua phân tích, 12/12 chỉ tiêu năm 2018 mà Quốc hội giao có thể đạt và vượt, trong đó 8 chỉ tiêu vượt, 4 chỉ tiêu đạt. GDP có khả năng đạt trên 6,7%, thu ngân sách vượt dự toán 3%-5%, nợ công giảm, lạm phát dưới 4%...
Bình luận (0)