Nội dung nói trên được người đứng đầu chính quyền TP HCM nêu ra tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP HCM chiều 3-12.
Hàng ngàn người phải nghỉ học, nghỉ dạy
Theo GS-TS-BS Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP HCM, đến chiều 3-12, đã xác định được 2.344 người tiếp xúc với các bệnh nhân (BN) Covid-19 vừa ghi nhận ở TP HCM, bao gồm 3 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 đã công bố (BN 1347, BN 1348, BN 1349). Trong số này đã có kết quả xét nghiệm âm tính của 852 người tiếp xúc gần (F1) và 1.341 người tiếp xúc xa (F2). Hiện đã rà soát thêm được 148 F1, đã lấy mẫu trong sáng cùng ngày và sẽ sớm có kết quả.
Ông Nguyễn Tấn Bỉnh cũng giải thích nguyên nhân có nhiều F1: Lần này, ngoài những người tiếp xúc gần dưới 2 m, ngành y tế tính luôn vào danh sách F1 những người tiếp xúc với khoảng cách trên 2 m nhưng là người tham gia các lớp học mà các BN 1342, 1347, 1349 theo học hoặc giảng dạy. Khâu truy vết vẫn tiếp tục để bảo đảm không bỏ sót người liên quan nào.
Việc truy vết, cách ly những người tiếp xúc các ca bệnh nói trên đã khiến rất nhiều học sinh, sinh viên phải nghỉ học. Theo ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM, hiện toàn TP HCM có 8.211 học sinh và 663 giáo viên bậc mẫu giáo đến THPT đang phải nghỉ học, nghỉ dạy. Với bậc đại học, có tới 160.904 sinh viên và 5.796 giảng viên nghỉ học, nghỉ dạy.
Đối với vi phạm của BN 1342, không chỉ tiếp xúc với người khác ngay trong khu cách ly mà còn tiếp xúc với 3 người khác khi cách ly tại nhà, ra khỏi nhà để đi học, đi ăn... người này còn không tự giác khai báo, không viết rõ nhật ký đi lại. Vì vậy, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong yêu cầu cơ quan điều tra xem xét, củng cố chứng cứ để khởi tố bị can đối với BN 1342 sau bước khởi tố vụ án "Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người" đã công bố trưa 2-12.
Ngoài ra, Chủ tịch UBND TP còn chỉ đạo đẩy mạnh các biện pháp phòng dịch cơ bản như cài đặt phần mềm Bluezone để góp phần truy vết, kiểm soát dịch bệnh; ra ngoài phải đeo khẩu trang; hạn chế tập trung đông người; dọn dẹp vệ sinh nhà cửa thường xuyên, thông thoáng; các cuộc họp, hội nghị phải bảo đảm phòng dịch theo đúng quy định; đẩy mạnh công tác phòng dịch tại các bệnh viện, cơ sở y tế... Các quận, huyện cần đẩy mạnh công tác rà soát, kiểm soát dịch bệnh. Xem xét trách nhiệm của địa phương ra sao nếu để người đang cách ly tại nhà rời khỏi nhà.
Một khu vực ở quận 6, TP HCM bị phong tỏa để kiểm soát dịch Covid-19. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
3 ca mắc Covid-19 mới là những người nhập cảnh
Bộ Y tế cho biết ngày 3-12, Việt Nam ghi nhận thêm 3 ca bệnh là người nhập cảnh, nâng số ca mắc Covid-19 tại Việt Nam lên 1.361 trường hợp. Trong số này, 1.209 BN đã được chữa khỏi bệnh, số ca tử vong là 35.
Cùng ngày, Bộ Y tế đã ban hành "Sổ tay Hướng dẫn thực hành truy vết người tiếp xúc với người có xét nghiệm SARS-CoV-2 dương tính". Theo hướng dẫn này, Bộ Y tế cho biết tròn 1 năm trước (3-12-2019), người có xét nghiệm SARS-CoV-2 dương tính đầu tiên (ca bệnh đầu tiên trên thế giới) được ghi nhận tại TP Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc - Trung Quốc.
Theo Bộ Y tế, việc truy vết người tiếp xúc với ca bệnh phải tiến hành thần tốc và triệt để, không được để sót. Cần xác định các "mốc dịch tễ" trước, sau đó mới truy vết đến từng người tiếp xúc. Các "mốc dịch tễ" và người tiếp xúc gần F1 cần được truy vết trong khoảng thời gian từ 3 ngày trước khi ca bệnh khởi phát cho đến khi ca bệnh được cách ly y tế.
Ngày 3-12, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, Phó trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19, đã ký công văn đề nghị tăng cường công tác phòng chống dịch Covid-19 tại các cơ sở khám chữa bệnh. Theo đó, sau 88 ngày không có dịch trong cộng đồng, TP HCM đã phát hiện một số ca bệnh Covid-19 mới. Điều đặc biệt nguy hiểm là các ca này đã lây từ người cách ly sau nhập cảnh và lan ra cộng đồng.
Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh hiện là mùa đông ở khu vực phía Bắc, cũng là thời điểm cuối năm, các đơn vị đang chuẩn bị tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo, trong đó có những sự kiện lớn, nên nguy cơ lây nhiễm rất cao. Để tránh lây lan dịch, Bộ Y tế chỉ đạo các sở y tế, cơ sở khám chữa bệnh công lập và tư nhân cần ưu tiên cao nhất cho việc tăng cường các biện pháp phòng chống dịch. Các bệnh viện rà soát, đánh giá lại toàn bộ các biện pháp phòng chống dịch tại cơ sở khám chữa bệnh. Thực hiện nghiêm khâu sàng lọc, phân luồng, cách ly và cho xét nghiệm toàn bộ các trường hợp nghi ngờ.
Lập đoàn kiểm tra các cơ sở khám chữa bệnh
Riêng đối với Sở Y tế TP HCM, Bộ Y tế đề nghị giám đốc sở quyết liệt chỉ đạo người đứng đầu các cơ sở khám chữa bệnh trực thuộc thực hiện nghiêm Bộ Tiêu chí bệnh viện và phòng khám an toàn, đặc biệt quan tâm công tác sàng lọc, phân luồng, xét nghiệm để phát hiện ngay những trường hợp nghi ngờ và ca bệnh mới nếu có. Ngoài ra, cần thành lập các đoàn đi kiểm tra các cơ sở khám chữa bệnh, nhất là các cơ sở có nguy cơ cao, có yếu tố dịch tễ liên quan đến các ca bệnh mới.
N.Dung
Bình luận (0)