Theo Sở Xây dựng TP HCM, thời gian qua, tuy TP đạt được nhiều thành tựu phát triển về kinh tế - xã hội nhưng vẫn còn nhiều vấn đề chậm giải quyết. Đó là ngoài tình trạng ngập thì hiện nay, hạ tầng giao thông, trường học, công viên,… so với thực tế và quy hoạch không gian phát triển còn những khoảng cách đáng kể.
Không thể làm đường, chống ngập theo cách cũ
Sở Xây dựng TP cho rằng vấn đề nhập cư đang tác động mạnh đến cơ sở hạ tầng, đặc biệt là nhà ở và đường sá ở TP HCM. Cụ thể, riêng quận Bình Tân có 731.000 người với tỉ lệ nhập cư chiếm 58%, từ đó xảy ra hiện tượng gia tăng dân số cơ học làm trường học bị quá tải, thiếu phòng học. Nhiều trường phải chuyển từ bán trú sang học 1 buổi; mỗi năm TP HCM xây mới 13 trường nhưng vẫn không đáp ứng kịp nhu cầu.
Kế đến là mật độ đường giao thông quá thấp, nếu tiến hành xây dựng đường giao thông ở TP HCM như 12 năm qua thì cần đến 160 năm mới đạt quy chuẩn. Chưa kể, sự phát triển của TP HCM trong tổng thể phát triển không gian vùng chưa kết nối tốt với 2 đô thị lớn, gồm TP Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) và Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương).
TP HCM sẽ bổ sung không gian công cộng, cây xanh, hạ tầng xanh và tiếp cận bờ sông, khôi phục cảnh quan sông
Ngoài ra, sự phát triển của TP đã góp phần không nhỏ vào việc phát thải khí nhà kính thông qua các hoạt động sản xuất và tiêu thụ năng lượng, hoạt động giao thông, quá trình sản xuất công nghiệp... Trong vòng 10 năm qua, TP đã giảm hơn 30.047 ha đất nông nghiệp. Điều này đồng nghĩa thu hẹp và thay đổi chức năng chứa nước tự nhiên, điều hòa lượng nước ở các vùng thấp, ao hồ, kênh rạch vùng ven đô. Quá trình bê-tông hóa làm giảm đáng kể diện tích thấm, ảnh hưởng rất lớn đến vấn đề thoát nước.
Với thực trạng này, 10 năm tới, nhiệt độ trung bình sẽ tăng 0,5-0,8 độ C. Trong khi đó, mưa sẽ tăng dần theo khu vực Tây Bắc, nhiều nhất tại huyện Củ Chi. Tuy nhiên, tại huyện Cần Giờ sẽ xảy ra hiện tượng mưa ít dần nhưng là nơi có diện tích ngập lớn nhất TP, khoảng 1.465 ha. Nếu so sánh thì vùng ngập tương đương gần 2 lần diện tích quận 1. Đến năm 2050, huyện Cần Giờ và huyện Bình Chánh vẫn là nơi chịu cảnh ngập nhiều nhất. Đáng lưu ý, tại quận 9 chịu sự chia cắt đan xen của các hệ thống kênh rạch cùng với địa hình thấp trũng chiếm 75% nên dự báo trong vòng 30 năm tới, nơi đây sẽ là vùng ngập nặng thứ 3 của TP (khoảng 750 ha).
Từ những tồn tại trên, Sở Xây dựng TP đánh giá nếu không có kịch bản với những giải pháp dài hơi thì 10 năm sau, cứ mưa to hay triều cường cao là ngập và kẹt xe trên diện rộng. Do đó, việc xây dựng kịch bản ứng phó bài bản và dài hơi là cần kíp và cấp bách.
Khôi phục cảnh quan sông, tăng liên kết vùng
Từ những lập luận trên, Sở Xây dựng đề xuất giải pháp trong 10 năm tới, để giải quyết các bài toán hiện tại, TP cần chọn lọc các vấn đề cũ và mới để đem lại kết quả tổng thể. Cụ thể, giai đoạn sắp tới phải giải phóng sức sáng tạo và cơ chế phối hợp với các khu vực có tính năng động, sáng tạo. Trong đó, chuyển đổi mô hình phát triển tích hợp giao thông đô thị, ưu tiên phát triển đường sắt đô thị, thúc đẩy mô hình phát triển định hướng giao thông công cộng cùng với quá trình cấu trúc lại không gian vùng. Trong đó, sử dụng không gian vùng hiệu quả bằng giải pháp kết nối hạ tầng với các đô thị lớn thuộc tỉnh Bình Dương, Đồng Nai để tăng thêm lực hút, giảm bớt áp lực hạ tầng, nhà ở.
Hạn chế di dân về các vùng trũng thấp và nguy cơ ngập úng gia tăng, đồng thời ngăn chặn các khu vực tập trung người nghèo có nguy cơ biến thành các khu ổ chuột; chú trọng không để xảy ra việc đua nhau làm nhà ở cửa ngõ, khu công nghiệp lẫn trung tâm TP; ưu tiên tháo gỡ các chính sách để mở rộng khả năng tiếp cận nhà ở xã hội và hạ tầng xã hội cho công nhân khu công nghiệp, điện sinh hoạt và nước máy đồng bộ đối với người nhập cư.
Kế tiếp, rà soát các nguồn lực hiện có gồm đất đai, tài nguyên và hạ tầng để đưa vào khai thác có hiệu quả đất đai phục vụ ngành dịch vụ mới. Trong đó, chuyển đổi các ngành công nghiệp truyền thống sang công nghiệp và dịch vụ có giá trị gia tăng cao. Đặc biệt, ưu tiên bổ sung không gian công cộng, cây xanh, hạ tầng xanh và tiếp cận bờ sông, khôi phục cảnh quan sông nhằm khắc phục hiện tượng phát triển da beo. Ngoài ra, tập trung hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật theo khu vực và đầu tư dứt điểm; khai thác giá trị đất và giá trị từ hỗ trợ các chức năng đô thị; kiểm soát các vùng trũng; chống bê-tông hóa quá trình bề mặt đô thị làm tăng ngập lụt, tăng nhiệt độ và đô thị thiếu gắn kết với môi trường sinh thái.
Cơn mưa kỷ lục!
Nói về việc ngập nhiều tuyến đường ở TP HCM trong cơn mưa chiều tối 6-8, Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ cho biết đó là cơn mưa lịch sử, tính từ năm 1984 trở lại đây. Cơn mưa trên có tổng lượng mưa trong 60 phút lên đến 92 mm, trong đó, có thời điểm đo tại quận 1 lượng mưa đạt hơn 203 mm.
Cũng theo Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, những năm trở lại đây, tình hình biến động thời tiết đang tác động mạnh đến đô thị TP HCM.
Bình luận (0)