Ngày 6-4, ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, đã ký văn bản về việc triển khai một số nhiệm vụ cấp bách trong công tác quản lý, bảo vệ rừng.
Đối với UBND các huyện miền núi, ông Thanh yêu cầu khẩn trương kiểm tra, báo cáo UBND tỉnh trước ngày 20-4 về số lượng, địa điểm, tình trạng pháp lý và chủ các cơ sở cưa xẻ, gia công, chế biến gỗ trên địa bàn; thống kê những cơ sở hoạt động không đúng quy định, nêu rõ nguyên nhân tồn tại của các cơ sở vi phạm và phải dừng hoạt động, di dời đến vị trí đúng quy định trước ngày 30-6; đồng thời yêu cầu các chủ cơ sở này cam kết không sử dụng gỗ bất hợp pháp, trường hợp cơ quan chức năng phát hiện sẽ thu hồi giấy phép hoạt động vô điều kiện.
Chủ tịch UBND các huyện không được cấp mới hoặc đề nghị cấp mới các cơ sở cưa xẻ, gia công, chế biến gỗ trên địa bàn...
Văn bản ký ngày 6-4 thể hiện quyết tâm của lãnh đạo tỉnh Quảng Nam
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh lập đoàn kiểm tra các cơ sở cưa xẻ, gia công, chế biến gỗ trước ngày 14-4 để kiểm tra thực tế, làm rõ những cơ sở có mối quan hệ với người thân đang công tác trong các cơ quan thuộc hệ thống chính trị trên địa bàn, làm cơ sở tham mưu UBND tỉnh ban hành quy định điều kiện và tổ chức hoạt động của các cơ sở cưa xẻ gỗ.
Chỉ đạo, hướng dẫn chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm lập bản cam kết và tổ chức cho tất cả các cán bộ công chức, viên chức, người lao động trong toàn ngành ký cam kết không có bất kỳ hành vi nào vi phạm các quy định về quản lý, bảo vệ rừng hoặc tiếp tay, dung túng, bao che cho các đối tượng phá rừng, vận chuyển lâm sản không rõ nguồn gốc, không có giấy tờ hợp pháp. Việc ký cam kết phải hoàn thành trước ngày 20-4 và báo cáo UBND tỉnh.
Rừng lim cổ thụ ở Quảng Nam bị tàn phá kinh hoàng nhưng bảo vệ rừng không hề hay biết
Ông Thanh đề nghị Công an tỉnh Quảng Nam trực tiếp lãnh đạo, lập các chuyên án điều tra, triệt phá các đường dây buôn bán lâm sản trái phép, đặc biệt là các "đầu nậu" tại các địa bàn miền núi; thực hiện các biện pháp để củng cố, chấn chỉnh lực lượng công an các huyện miền núi; khẩn trương hoàn thành hồ sơ khởi tố vụ án, khởi tố bị can, kết thúc điều tra và đề nghị truy tố ở mức răn đe cao, phù hợp với quy định của pháp luật.
Clip: Một trong số hàng chục cây lim cổ thụ bị chặt hạ
Trước đó, như Báo Người Lao Động đã thông tin, chỉ trong tháng 3, cơ quan chức năng tỉnh Quảng Nam phát hiện 3 vụ phá rừng quy mô lớn tại lâm phận rừng phòng hộ Sông Kôn (huyện Đông Giang) và Nam Sông Bung (huyện Nam Giang). Hiện Công an huyện Nam Giang và Đông Giang đã xác định được nhiều đối tượng trong 2 vụ phá rừng. Riêng vụ phá 33 cây lim cổ thụ tại xã Chà Vàl (huyện Nam Giang) hiện vẫn chưa xác định được thủ phạm. Liên quan đến 3 vụ phá rừng này, Chi cục Kiểm lâm Quảng Nam mới đây đã tạm đình chỉ công tác đối với 3 lãnh đạo trạm bảo vệ rừng và 3 kiểm lâm địa bàn.
Bình luận (0)