xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Kiểm soát an toàn người lao động trở lại làm việc

NHÓM PHÓNG VIÊN

Các tỉnh, thành phía Nam "khát" lao động nên đang thực hiện nhiều chính sách thu hút người lao động trở lại làm việc an toàn, tuân thủ biện pháp phòng dịch

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) TP HCM, hiện nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp (DN) đang tăng theo từng ngày. Để thu hút và hỗ trợ người lao động (NLĐ), TP HCM có nhiều phương án cụ thể như tổ chức tiêm vắc-xin ngay khi NLĐ vừa vào thành phố, khu vực giáp ranh, tại nhà máy hoặc nơi lưu trú.

Lãnh đạo tỉnh đi tìm việc cho NLĐ

Đến ngày 8-12, hơn 10.000 lao động của tỉnh Đắk Lắk đã quay lại nơi làm việc cũ ở các tỉnh, thành phía Nam. Với hơn 150.000 người hồi hương trong đợt dịch thứ 4, Đắk Lắk đang thực hiện kế hoạch hỗ trợ người dân trở lại làm việc.

Anh Nguyễn Văn Trung (ngụ xã Ea Kly, huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk) làm công nhân (CN) tại tỉnh Bình Dương và về quê tránh dịch từ đầu tháng 10. Hiện nay, công ty đã hoạt động trở lại nhưng anh Trung vẫn còn băn khoăn, phần vì đã gần Tết Nguyên đán, phần vì tình hình dịch bệnh phức tạp, giờ xuống phải đi tìm nhà trọ và mua sắm đồ dùng sẽ hết nhiều tiền. "Nếu được nhà nước, DN hỗ trợ thì tôi xin đăng ký xuống tỉnh Bình Dương làm việc" - anh Trung nói.

Đầu tháng 12, ông Nguyễn Tuấn Hà, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk, dẫn đầu đoàn công tác xuống làm việc với UBND TP HCM, Bình Dương và Đồng Nai để hỗ trợ NLĐ quay trở lại làm việc. Số liệu từ các buổi làm việc cho thấy khoảng 35.000 người Đắk Lắk tại TP HCM hồi hương và hiện TP HCM có nhu cầu tiếp nhận khoảng 60.000 người ở lĩnh vực may mặc, giày da, cơ khí, điện - điện tử, chế biến thực phẩm, cơ khí… 

Còn tại tỉnh Bình Dương, hơn 57.000 lao động tỉnh Đắk Lắk hồi hương nhưng hiện mới quay trở lại khoảng 7.000 người. Tỉnh Bình Dương đang thiếu khoảng 40.000 lao động, chủ yếu các ngành nghề như: sản xuất gỗ nội thất, giày da, dệt may, thực phẩm, thương mại dịch vụ, điện tử…

Theo Sở LĐ-TB-XH tỉnh Đắk Lắk, trong tuần này sẽ có một số DN, đơn vị trực tiếp lên Đắk Lắk tuyển dụng lao động. Ông Nguyễn Hoàng Giang, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH, cho biết theo kế hoạch, NLĐ có nhu cầu quay trở lại các tỉnh, thành phía Nam làm việc sẽ được hỗ trợ tiêm vắc-xin Covid-19, có xe đưa đón, hỗ trợ 30%-50% chi phí thuê nhà ở trong vòng 3 tháng đầu.

Qua Tết tính tiếp

Trong khi đó, NLĐ ở nhiều tỉnh miền Trung lại khá dè dặt với việc trở lại miền Nam làm việc.

Toàn tỉnh Thừa Thiên - Huế có hơn 73.000 người từ các địa phương có dịch trở về nên nhu cầu việc làm, vay vốn làm ăn rất lớn. Sở đã nhận được công văn từ TP HCM đề nghị tạo điều kiện đưa lao động trở lại làm việc. Ngoài ra, 2 công ty tại Bình Dương cũng đề nghị tuyển lao động tại địa phương này.

Theo ông Nguyễn Văn Tuấn, Trưởng Phòng Lao động - Việc làm, Sở LĐ-TB-XH tỉnh Thừa Thiên - Huế, do cận Tết Nguyên đán và thị trường việc làm ở địa phương còn nhiều nên NLĐ cân nhắc, chưa trở lại các tỉnh phía Nam.

"25 DN ở địa phương có nhu cầu tuyển gần 10.000 lao động, trong đó chủ yếu là lĩnh vực dệt may nên cơ hội nghề nghiệp tại quê hương cũng khá nhiều, thu nhập cao và ổn định" - ông Tuấn phân tích.

Tại tỉnh Quảng Ngãi, đa phần NLĐ vẫn chưa trở lại TP HCM. Mọi năm không có dịch, thời điểm này, anh Nguyễn Văn Thanh (ngụ xã Tịnh Châu, TP Quảng Ngãi) đang ở TP HCM làm đủ việc mưu sinh, đến Tết mới về quê. "Năm nay do dịch bùng phát nên tôi về nhà đã 2 tháng rồi. Bây giờ, TP HCM "mở cửa" nhưng tôi cũng không thể vào thành phố lại được vì chỉ còn gần 2 tháng nữa là tới Tết. Đi ra đi vào rất tốn kém nên chấp nhận bám trụ ở quê đợi qua năm rồi mới tính tiếp" - anh Thanh nói.

Kiểm soát an toàn người lao động trở lại làm việc - Ảnh 1.

Trung tâm Dịch vụ Việc làm Thanh niên TP HCM test nhanh miễn phí cho người lao động ở tỉnh trở lại thành phố tìm việcẢnh: Hồng Đào

Còn tại các tỉnh ĐBSCL, nhiều Sở LĐ-TB-XH đã nhận được đề nghị của DN ở TP HCM, Bình Dương về việc trực tiếp đưa xe xuống đón NLĐ.

Ông Nguyễn Minh Trí, Chánh Văn phòng Sở LĐ-TB-XH TP Cần Thơ, thông tin: "Sở đã trao đổi với quận, huyện nhưng thấy hơi khó. DN tại Bình Dương, Đồng Nai và TP HCM cần lao động quá thì họ đặt vấn đề với mình, nếu mình tập hợp được NLĐ thì họ đưa xe xuống rước nhưng khả năng của địa phương khó tập hợp được người vì người có nhu cầu việc làm và có hứa hẹn với DN cũ thì người ta tự đi rồi. Những người đã về Cần Thơ lúc trước và còn ở lại chưa đi là lao động tự do, tự kinh doanh".

Tại tỉnh An Giang, ông Phạm Sơn, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH, khẳng định đã kết nối với các DN ngoài tỉnh và họ cũng đã gửi thông báo nhu cầu tuyển dụng lao động cho địa phương. Tuy nhiên, đa số NLĐ chưa muốn đi làm xa vì còn lo ngại dịch bệnh. Gần đây, một số địa phương như huyện Tri Tôn đã tổ chức được vài chuyến xe đưa NLĐ lên TP HCM hoặc Bình Dương nhưng cũng chỉ khoảng 100 người. 

"Các DN ngoài tỉnh ngỏ ý sẽ có xe về địa phương đón công nhân để bảo đảm an toàn trong công tác phòng chống dịch nếu như tập trung được số lượng lớn NLĐ nhưng xem ra cũng hơi khó vì đã có nhiều người đi theo kiểu tự phát" - ông Sơn nói.

Theo ông Nguyễn Quốc Thanh, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH tỉnh Cà Mau, tỉnh có hơn 15.000 lao động mong muốn trở lại các tỉnh, thành phía Nam làm việc. Người dân có nhu cầu thì phải đăng ký với Trung tâm Giới thiệu việc làm để đơn vị này thống kê, nắm số lượng.

"Nhu cầu sử dụng lao động của các DN ngoài tỉnh hiện rất lớn. Trước đó, Sở LĐ-TB-XH đã thỏa thuận với ngành chức năng, DN ngoài tỉnh khi người dân có nhu cầu sẽ tổ chức đưa đón NLĐ quay trở lại nơi làm việc để bảo đảm an toàn" - ông Thanh thông tin thêm.

Sớm có kế hoạch tiêm vắc-xin mũi 3

Ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP HCM, cho biết tại TP HCM, hơn 94% DN đã hoạt động trở lại. Số lao động trở lại làm việc tại các đơn vị, DN sau dịch cũng đạt tỉ lệ khoảng 90%.

Để hỗ trợ NLĐ từ các tỉnh trở lại, thành phố cũng vận động các chủ nhà trọ hỗ trợ, giảm giá thuê phòng để giảm bớt khó khăn cho NLĐ. Về lâu dài, thành phố cũng chủ trương khuyến khích DN tận dụng quỹ đất xây nhà lưu trú cho CN. Khi có chủ trương tiêm vắc-xin mũi 3 cho đối tượng CN, NLĐ, sở sẽ đôn đốc các đơn vị triển khai kịp thời để bảo vệ an toàn, sức khỏe cho NLĐ.

Ông Hứa Quốc Hưng, Trưởng Ban Quản lý các KCX-KCN TP HCM, khẳng định các DN liên tục bổ sung lao động để lấp đầy các dây chuyền sản xuất. Các nhà máy đang tăng tốc hoạt động hết công suất, đáp ứng nguồn cung ứng hàng hóa và giải quyết đơn hàng cho đối tác trong và ngoài nước.

"Số lao động tại các KCX-KCN TP đã tiêm vắc-xin đủ 2 mũi và F0 đã khỏi bệnh là 271.747/288.161 (đạt tỉ lệ 94%). Để bảo đảm an toàn cho NLĐ và phục vụ việc khôi phục hoạt động sản xuất của DN trong điều kiện bình thường mới, Ban Quản lý các KCX-KCN thành phố cũng đề xuất thành phố sớm có kế hoạch tiêm vắc-xin mũi 3 cho CN" - ông Hưng đề xuất. 

Ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương:

Tiêm vắc-xin cho người dân đến tỉnh

Trước tình hình diễn biến mới của biến thể mới liên quan đến dịch Covid-19, tỉnh vẫn áp dụng Nghị quyết 128 của Chính phủ về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Ngoài ra, tỉnh cũng đang áp dụng các biện pháp phòng chống dịch theo quy định của Bộ Y tế; tăng cường tuyên truyền, vận động người dân thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch; tiến hành tiêm vắc-xin cho tất cả người dân có nhu cầu đến tỉnh để từng bước thích ứng, ổn định sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội.

Hỗ trợ tiêm vắc-xin sớm cho NLĐ

Sở Y tế TP HCM nhận định tình hình dịch bệnh tại thành phố vẫn còn diễn biến phức tạp, số ca mắc Covid-19 đang có xu hướng tăng những ngày gần đây.

Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở Y tế, đề nghị các đơn vị cần khẩn trương chấn chỉnh những vấn đề tồn tại, thiếu sót, phối hợp chặt chẽ trong xử lý triệt để tình huống dịch bệnh phát sinh tại DN.

Các cơ sở này cần thực hiện theo đúng yêu cầu về cách ly tạm thời F0 khi được phát hiện tại DN trước khi chuyển đi cách ly điều trị, chủ động thiết lập cơ sở thu dung cách ly dành cho F0 của DN. Đồng thời, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 địa phương yêu cầu các khu nhà trọ trên địa bàn cam kết tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch bệnh theo quy định. Yêu cầu trung tâm y tế các quận, huyện cần tăng cường thành lập khu cách ly và bệnh viện dã chiến cấp quận, huyện để sẵn sàng năng lực cách ly điều trị cho F0, đề xuất quy chế phối hợp giữa địa phương với đơn vị quản lý KCX-KCN và khu công nghệ cao trên địa bàn nhằm quản lý và chăm sóc F0 theo đúng quy định. Đặc biệt, không để xảy ra tình trạng quá tải cho các trạm y tế lưu động, rà soát NLĐ trên địa bàn, tập trung vào NLĐ đang tạm trú tại các khu vực nhà trọ, hỗ trợ tiêm vắc-xin sớm nếu ghi nhận NLĐ chưa tiêm vắc-xin đầy đủ.

N.Thạnh

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo