Đánh giá "căn bệnh" lạm dụng quyền lực là vấn đề nhức nhối của xã hội dẫn đến tham nhũng diễn biến phức tạp, TS Hoàng Phú Thọ, Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành IV (kiểm toán dự án, đầu tư, sử dụng ngân sách), nhấn mạnh quyền lực có thể xem là "bệ đỡ" để nảy sinh tham nhũng. Theo ông Thọ, thực tế cho thấy từ tham nhũng có thể tăng thêm quyền lực nên 2 vấn đề này có mối quan hệ khắng khít với nhau. Vì vậy, ngành kiểm toán từ lâu đã chú trọng đến kiểm soát quyền lực để hạn chế tham nhũng.
Ông Lê Đình Thăng, Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành III (kiểm toán lĩnh vực ngân sách trung ương của bộ, ngành, cơ quan thuộc Chính phủ...), chỉ ra nhiều yếu tố tác động đến KTNN trong việc tham gia kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng. Ông Thăng cho rằng từ kết quả kiểm toán, nhiều vụ việc đã được điều tra, phanh phui nhưng có nhiều "nhóm lợi ích", "nhóm quyền lực" muốn KTNN dừng lại.
"KTNN thường xuyên chịu những tác động quyền lực từ bên ngoài, như việc can thiệp vào hoạt động kiểm toán hay tung tin đồn không tốt về kiểm toán viên khi đang thực thi nhiệm vụ. Sau đó, thanh tra kiểm tra lại thì những thông tin này là không có thật" - ông Thăng nói. Hiện nay, vẫn còn nhiều nguyên nhân làm hạn chế hiệu quả của KTNN. Một số cơ quan, đơn vị được kiểm toán thực hiện các kết luận, kiến nghị kiểm toán, nhất là việc xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân đối với các sai phạm, chưa đầy đủ, nghiêm minh và kịp thời.
Chuyên gia kinh tế - TS Vũ Đình Ánh cho rằng KTNN có vai trò đặc biệt quan trọng, nhất là quyền lực trong lĩnh vực kinh tế - tài chính. Tuy nhiên, ông Ánh nhìn nhận trong thực tế, vai trò của KTNN trong việc kiểm soát quyền lực và phòng chống tham nhũng chưa được quy định cụ thể, đầy đủ và phù hợp khi thực thi vai trò đó. Ông đề xuất để vai trò của KTNN trong phòng chống tham nhũng cần được quy định rõ trong Luật KTNN. "Ngoài ra, cần có quy định cụ thể về mối quan hệ hợp tác giữa KTNN với cơ quan chuyên trách phòng chống tham nhũng như Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng, Thanh tra Chính phủ" - ông Ánh nhấn mạnh.
Đại diện KTNN nhìn nhận cản trở lớn đối với công tác phòng chống tham nhũng của cơ quan này xuất phát từ chế độ, chính sách. Do đó, KTNN kiến nghị hoàn thiện dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN 2015 để quy định rõ vai trò của cơ quan kiểm toán trong việc kiểm soát quyền lực để phòng chống tham nhũng, đặc biệt là kiểm toán các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng.
Bình luận (0)