Theo đó, dự án lấn biển trên địa bàn TP Rạch Giá đã được triển khai từ năm 1998. Đến nay, dự án tiếp tục được mở rộng ở một số điểm nhằm tăng quy mô diện tích trong giai đoạn trước mắt và hình thành các khu chức năng biển, dịch vụ biển vì hiện tại địa phương chưa có nên cần được triển khai ngay.
Tuy nhiên, việc điều chỉnh phải bảo đảm công năng của một đô thị biển với các công trình tiêu biểu như quảng trường, công viên biển và phải có ít nhất từ 1 đến 2 bãi tắm nhân tạo. Bên cạnh đó, phải tổ chức được các sự kiện từ các công trình xây dựng trên mặt biển tạo hiệu ứng phản quang đèn điện để tạo điểm nhấn. Những hạng mục công trình này phải đẹp, giữ được không gian, cảnh quan biển cho toàn khu vực phía biển. Đặc biệt, không để mâu thuẫn, xung đột với các khu khác hiện hữu hay che chắn, bao trùm hết các quảng trường, công viên ven biển đã được đầu tư xây dựng. Hơn nữa, việc điều chỉnh quy hoạch không được gắn với ý tưởng riêng của một số nhà đầu tư.
Toàn cảnh các khu lấn biển ở TP Rạch Giá nhìn từ trên cao
"Cần nghiên cứu kỹ về địa chất thủy văn, khí tượng, hải lưu, thoát lũ, môi trường tại các điểm bổ sung quy hoạch (khu vực phía biển); sự biến đổi khí hậu, sự tác động, ảnh hưởng đến vùng sinh thái xung quanh khác" - công văn nêu.
Theo ông Lê Quốc Anh, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Kiên Giang, vịnh biển Rạch Giá có lợi thế là trung tâm với các đảo du lịch ở gần bờ như Nam Du, Lại Sơn, Bà Lụa, Hải Tặc. Do vậy, việc điều chỉnh quy hoạch bờ biển TP Rạch Giá nói riêng và toàn bộ bờ biển vịnh Rạch Giá nói chung phải có tầm nhìn cả khu vực biển Tây. Trong đó, lấy bờ biển TP Rạch Giá làm trung tâm để kết nối hạ tầng du lịch với các quần đảo trong khu vực.
"Khu vực bờ biển TP Rạch Giá phải có đầy đủ các khu chức năng của đô thị du lịch biển, khu giải trí, dịch vụ, thương mại, nghỉ dưỡng và đầy đủ hạ tầng kinh tế biển nói chung" - ông Anh phân tích.
Bình luận (0)