Ngày 28-12, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự hội nghị tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2023 do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức.
Giải những bài toán khó
Tại hội nghị, các đại biểu tập trung trao đổi các vấn đề trọng tâm như: Điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng để bảo đảm hài hòa mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và thực hiện có hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế theo Nghị quyết 11 của Chính phủ; tái cơ cấu và xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng; thúc đẩy chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng; hoàn thiện hệ thống pháp luật về tiền tệ và hoạt động ngân hàng...
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết năm 2022, một loạt bài toán khó đặt ra nhưng ngành ngân hàng đã có những đóng góp quan trọng, góp phần củng cố nền tảng vĩ mô: kiểm soát lạm phát ở mức thấp (bình quân 3,2%), tăng trưởng kinh tế phục hồi ở mức cao (khoảng 8%); thị trường tiền tệ, ngoại hối cơ bản ổn định (VNĐ đến ngày 27-12 mất giá khoảng 3,8%), mặt bằng lãi suất tăng khoảng gần 1%/năm, mức biến động này thấp hơn nhiều so với các nước trên thế giới và khu vực. Trong kỳ báo cáo tháng 11-2022, Bộ Tài chính Mỹ đã đưa Việt Nam ra khỏi danh sách giám sát nâng cao về thao túng tiền tệ, đồng thời đánh giá cao công tác điều hành chính sách tiền tệ, tỉ giá của NHNN. Qua đó, cho thấy sự ứng phó linh hoạt trên cơ sở bám sát diễn biến tình hình, cân nhắc thời điểm, liều lượng phù hợp của từng công cụ, giải pháp đã có thể hóa giải các bài toán khó đặt ra cho ngành.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đến dự hội nghị triển khai nhiệm vụ của ngành ngân hàng năm 2023. Ảnh: TTXVN
Bên cạnh đó, một loạt các nhiệm vụ, giải pháp được NHNN triển khai toàn diện như: Hoàn thiện hệ thống pháp luật về tiền tệ và hoạt động ngân hàng, đặc biệt NHNN đã trình Chính phủ để trình Quốc hội thông qua Luật Phòng chống rửa tiền tại một kỳ họp; trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025 và đang trong quá trình triển khai; thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt và chuyển đổi số; công tác đối ngoại, truyền thông, phân tích dự báo, phát hành kho quỹ…
Tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận một số kết quả nổi bật của ngành ngân hàng, nhưng cũng lưu ý ngành cần khắc phục một số hạn chế, tăng cường công tác nghiên cứu, nắm bắt tình hình để có phản ứng chính sách kịp thời; công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát; hỗ trợ, phối hợp giữa các chính sách, giữa các ngân hàng thương mại; hoạt động của các tổ chức tín dụng vẫn còn có rủi ro …
Cân bằng kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng
Lưu ý một số nội dung trọng tâm năm 2023 của ngành, Thủ tướng nhấn mạnh: "Mục tiêu cao nhất với ngành ngân hàng là bảo đảm an ninh tiền tệ, an toàn hệ thống; bảo đảm công khai, minh bạch, phát triển lành mạnh, an toàn, bền vững, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp, các chủ thể liên quan; bảo đảm thanh khoản thông suốt của hệ thống ngân hàng trong bất cứ tình huống nào, đáp ứng nhu cầu rút tiền của người dân. Cùng với đó, điều hành cân bằng, hợp lý giữa tỉ giá với lãi suất, giữa kiểm soát lạm phát với thúc đẩy tăng trưởng, giữa lãi suất và lạm phát, bảo đảm thanh khoản, tăng trưởng tín dụng hợp lý, hiệu quả, an toàn hệ thống ngân hàng và an ninh tài chính, tiền tệ để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; kiên quyết không để thiếu vốn cho nhu cầu vốn chính đáng của người dân và doanh nghiệp". Thủ tướng yêu cầu NHNN kịp thời phối hợp với các bộ, ngành tháo gỡ các khó khăn, bất cập để triển khai có hiệu quả chương trình hỗ trợ lãi suất từ nguồn ngân sách nhà nước theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP, ngày 20-5-2022, của Chính phủ (Nghị định 31) và các chương trình mục tiêu quốc gia. Sớm hoàn thiện, trình Chính phủ đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định 31 nhằm tháo gỡ các khó khăn, bất cập.
Tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí hoạt động để có điều kiện giảm lãi suất cho vay; tập trung tín dụng vào sản xuất kinh doanh, đặc biệt là các lĩnh vực ưu tiên; kiểm soát tín dụng các lĩnh vực rủi ro. Triển khai quyết liệt, hiệu quả Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025; xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém trên cơ sở đặt lợi ích chung lên trên hết, trước hết và hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi giữa các chủ thể. Củng cố, tăng cường, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, giám sát.
Tiếp thu chỉ đạo của Thủ tướng, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định toàn ngành sẽ nghiêm túc quán triệt, tổ chức triển khai quyết liệt, hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2023. Thống đốc cũng chỉ đạo các đơn vị trong ngành tập trung đáp ứng tốt nhu cầu tiền mặt, thanh toán, tín dụng của người dân, doanh nghiệp trong dịp Tết. Các đơn vị tập trung triển khai thực hiện ngay các kế hoạch, nhiệm vụ được giao, bảo đảm đáp ứng tốt nhu cầu vốn tín dụng, dịch vụ ngân hàng ngay từ những tháng đầu năm.
Hai vướng mắc khiến gói hỗ trợ giải ngân chậm
Về triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất 2%/năm trong 2 năm 2022 - 2023 thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại theo Nghị định 31, đại diện NHNN cho biết kết quả hỗ trợ lãi suất còn thấp. Tính đến cuối tháng 11-2022, doanh số cho vay của gói hỗ trợ lãi suất trên mới chỉ đạt gần 30.000 tỉ đồng, dư nợ gần 23.000 tỉ đồng với số tiền hỗ trợ lãi suất gần 78 tỉ đồng… Theo bà Hà Thu Giang, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Tín dụng các ngành kinh tế - NHNN, qua khảo sát, tâm lý e ngại của khách hàng và tiêu chí đánh giá khả năng phục hồi là 2 vướng mắc chính khiến gói hỗ trợ giải ngân còn chậm. Trong trường hợp có hướng dẫn cụ thể hơn về tiêu chí đánh giá khả năng phục hồi của doanh nghiệp thì khả năng hấp thụ chính sách có thể tăng lên. Tuy nhiên, thị trường cũng không thể hấp thụ hết gói 40.000 tỉ đồng, vì tâm lý e ngại của doanh nghiệp chiếm tới 67% nguyên nhân.
Bà HÀ THU GIANG, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Tín dụng, Ngân hàng Nhà nước:
Kiến nghị sửa đổi Nghị định 31
Để triển khai chính sách hỗ trợ 2% lãi suất đối với một số ngành, lĩnh vực thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, NHNN đã chỉ đạo các NH thương mại chủ động rà soát để nắm bắt nhu cầu, thông báo, hướng dẫn khách hàng về hồ sơ, thủ tục; tích cực truyền thông, thông tin về chính sách bằng nhiều hình thức; thành lập đường dây nóng để tiếp nhận phản ánh. Tổ chức các đoàn khảo sát liên ngành nhằm nắm bắt thực tế triển khai, kịp thời đôn đốc, trực tiếp xử lý, tháo gỡ khó khăn… Đến cuối tháng 11-2022, doanh số hỗ trợ lãi suất đạt hơn 38.000 tỉ đồng đối với trên 1.500 khách hàng, dư nợ hỗ trợ lãi suất đạt 28.500 tỉ đồng, số tiền đã hỗ trợ cho khách hàng đạt hơn 85 tỉ đồng. Tuy nhiên, kết quả hỗ trợ lãi suất còn thấp, chưa như kỳ vọng do nhiều nguyên nhân. Hiện NHNN đã rà soát, đề xuất nội dung sửa đổi Nghị định 31 và đang lấy ý kiến các bộ, ngành trước khi báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định. Trong đó có giải pháp đề xuất điều chuyển nguồn vốn từ ngân sách này sang các nhiệm vụ chi có khả năng giải ngân tốt hơn như cho vay qua NH Chính sách Xã hội; cho vay giải quyết việc làm; thông qua các biện pháp hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp (DN) như miễn, giảm thuế…
Ông NGUYỄN QUANG THUÂN, Chủ tịch Fiin Group:
Huy động vốn qua trái phiếu sẽ thuận lợi hơn
Triển vọng các kênh huy động vốn trong năm 2023 phụ thuộc nhiều yếu tố, trong đó có việc triển khai hiệu quả chỉ đạo của Chính phủ, sự phối hợp quản lý nhà nước với các kênh vốn như cơ sở dữ liệu pháp lý bất động sản để nhà đầu tư trái phiếu, NH, nhà đầu tư quốc tế dễ dàng tra cứu, xác minh thông tin.
Với tín dụng NH là kênh vốn chính cho DN phát triển nhưng năng lực vốn trung và dài hạn chưa đáp ứng nhu cầu. Do đó, các kênh vốn khác sẽ có tác động nhiều. Đáng chú ý, kênh trái phiếu kỳ vọng năm 2023 tổ chức tín dụng phát hành trái phiếu nhiều hơn sau sự phân hóa khá rõ thời gian qua và có sự thay đổi chính sách, một phần của thị trường trái phiếu được xử lý. Riêng trái phiếu chào bán ra đại chúng, dự kiến năm sau tăng thêm nhiều DN tham gia sau khi được xếp hạng tín nhiệm. Với kênh huy động vốn từ trái phiếu quốc tế, chủ yếu áp dụng với DN lớn, thời gian qua đã có 10 DN thành công trong đó có 2 DN được xếp hạng tín nhiệm. Thực tế, nhà đầu tư quốc tế luôn quan tâm đến Việt Nam với mức lãi suất nhiều DN có thể chấp nhận được. Từ góc nhìn và kinh nghiệm của DN xếp hạng tín nhiệm, trong bối cảnh khó khăn về vốn hiện tại, các DN cần rà soát danh mục đầu tư, hạn chế dự án rủi ro cao/đòn bẩy cao; rà soát nghĩa vụ nợ hiện tại, chủ động minh bạch thông tin; cải thiện hồ sơ tín dụng để có chiến lược vốn dài hạn hơn…
Thái Phương ghi
Bình luận (0)