Trong kháng chiến chống Mỹ, Thiếu tướng Trần Văn Danh, bí danh Ba Trần là Tham mưu phó Bộ Tư lệnh Quân Giải phóng miền Nam, phụ trách các lực lượng tình báo, đặc công, biệt động. Cũng nhờ ông Ba Trần, tôi được biết và tiếp xúc với ông Mười Hương cùng một số nhà tình báo đáng kính khác để nghe những câu chuyện mà như chỉ có trong truyền thuyết.
Hai lần bí mật vào Nam
Mùa xuân năm 1954, khi cuộc kháng chiến 9 năm chống Pháp bước vào giai đoạn cuối, nhà tình báo Trần Quốc Hương đang hoạt động sâu trong lòng địch đã được gọi về gặp Ban Thường vụ Trung ương Đảng. Ông được đích thân Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng Bí thư Trường Chinh trực tiếp gặp gỡ, giao nhiệm vụ về vùng tả ngạn sông Hồng tuyển chọn người để đưa vào miền Nam hoạt động điệp báo chuẩn bị cho cuộc chiến đấu tiếp theo vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Bằng linh cảm của một nhà hoạt động tình báo bẩm sinh, Trần Quốc Hương đã về thẳng Thái Bình và chọn ngay được hai cán bộ Thị ủy Thái Bình để phục vụ cho công tác mới: Vũ Ngọc Nhạ (bí danh Hai Long) và Vũ Hữu Ruật (Thọ). Ngay sau đó, vợ con hai ông được tổ chức di cư vào Nam trên một chuyến tàu đặc biệt từ bến cảng Hải Phòng. Vũ Ngọc Nhạ và Vũ Hữu Ruật về sau cũng trở thành hai nhà tình báo hàng đầu trong mạng lưới A22 hoạt động ngay trong đầu não chính quyền Sài Gòn.
Mùa thu năm 1954. Ông Lê Đức Thọ được Xứ ủy Nam Bộ cử ra Bắc xin trung ương bổ sung cán bộ có kinh nghiệm hoạt động tình báo vùng địch hậu và Trần Quốc Hương là người được chọn. Sau Hiệp định Genève, Trung ương Cục miền Nam được thành lập thay thế cho Xứ ủy Nam Bộ. Trần Quốc Hương được cử tham gia lãnh đạo Ban Địch tình trực thuộc Trung ương Cục, tổ chức ngay các lớp huấn luyện tình báo ngắn ngày, phụ trách mạng lưới tình báo Sài Gòn - Chợ Lớn. Với tấm thẻ căn cước mang tên người anh ruột đã qua đời Trần Đức Trí, ông rời miền Tây lên hoạt động ngay nội thành Sài Gòn trong vai thầy giáo. Ông được giao xây dựng và chỉ huy mạng lưới tình báo chiến lược, bắt liên lạc và đưa các tình báo viên hoạt động độc lập, đơn tuyến thâm nhập các cơ quan trung ương của chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Bắt đầu từ đây, qua sự huấn luyện và chỉ đạo duy nhất của ông Trần Quốc Hương, các nhà tình báo cách mạng đã dần lập được những chiến tích lớn đi vào huyền thoại như Phạm Ngọc Thảo, Phạm Xuân Ẩn, Vũ Ngọc Nhạ, Lê Hữu Thúy, Vũ Hữu Ruật, Nguyễn Xuân Hòe, Huỳnh Văn Trọng,...
Đến đầu năm 1968, đại tá Trần Quốc Hương đang là Cục trưởng Cục Kỹ thuật Bộ Công an, lại nhận lệnh trở vào miền Nam chuẩn bị cho chiến dịch Tổng tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân. Giống như lần đầu, ông cũng được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh và nghe những lời chỉ bảo dặn dò của Bác trước khi lên đường.
Với nhiệm vụ Trưởng Ban An ninh Sài Gòn - Gia Định (T4), Trần Quốc Hương lãnh đạo xây dựng hệ thống an ninh từ huyện đến xã vùng giải phóng lẫn địch hậu, đồng thời móc nối chỉ huy các cụm tình báo chiến lược, nhất là sau những tổn thất lớn của năm Mậu Thân 1968.
Một trong những dấu ấn đặc biệt của Mười Hương khi vào Nam lần thứ hai là ông thành lập Cụm tình báo chiến lược mang mật danh A10 để hoạt động trong lực lượng thứ ba có cảm tình với cách mạng ở nội đô Sài Gòn. Họa sĩ Ớt, tức nhà báo Huỳnh Bá Thành, là một trong những nhà tình báo tiêu biểu của cụm A10, về sau trở thành Tổng Biên tập Báo Công an TP HCM.
Người thầy tình báo Mười Hương (hàng đầu, thứ ba từ trái sang) cùng các nhà tình báo Phạm Xuân Ẩn, Vũ Ngọc Nhạ, Lê Hữu Thúy, Nguyễn Đức Trí... Ảnh: TƯ LIỆU
Tiếng khóc của một con người thép
Vào ngày 14-8-1958, do một điệp viên không chịu nổi tra tấn cực hình đã khai báo, Trần Quốc Hương bị bắt tại Sài Gòn và chuyển ra Huế. Trong thời gian này, Trần Quốc Hương đã có cuộc đối thoại trực tiếp đầy bản lĩnh với Cố vấn Ngô Đình Nhu trong một cuộc họp báo công khai với sự tham dự của nhiều quan chức, tướng lĩnh cao cấp; đồng thời ông cũng vừa mềm dẻo vừa cứng rắn khi đối diện với hung thần Ngô Đình Cẩn.
Sau khi chính quyền Ngô Đình Diệm bị đảo chính, Ban Tham mưu Miền lên kế hoạch giải cứu nhà tình báo Trần Quốc Hương. Nhiệm vụ được nhà chỉ huy tình báo Trần Văn Danh giao trực tiếp cho Nguyễn Văn Tàu - tức Tư Cang - cùng một số nhà tình báo khác hỗ trợ về tài chính, liên lạc. Công việc hoàn thành, Trần Quốc Hương đã được giải thoát khỏi nhà tù và đưa về căn cứ kháng chiến ở miền Đông Nam Bộ. Đó là ngày 18-5-1964, sau 6 năm ông bị biệt giam và chịu mọi tra tấn cực hình!
Tướng Ba Trần nhớ lại rằng ông và mọi người rất xúc động khi nhìn thấy ông Mười Hương xuất hiện trong dáng vẻ xanh xao, gầy mòn. Lúc ấy, Phòng Quân báo Ban Tham mưu Miền cho người đón ông Mười Hương về căn cứ Phú Hòa Đông ở Củ Chi. Mọi người hỏi nhau "Ai như dáng anh Mười Hương?". "Vâng, tôi đây! Các anh ơi, Mười Hương đã về đây!". Và rồi con người thép chẳng hề biết sợ là gì trước mọi ngón đòn thâm độc của đối phương lại bật khóc ngon ngọt trong vòng tay thương yêu của đồng đội. Ông khóc như một đứa trẻ, như một người lưu lạc sau nhiều năm được trở về với nguồn cội. Tiếng khóc hạnh phúc của Mười Hương giữa rừng miền Đông không chỉ làm nao lòng những người có mặt như tướng Bảy Tiến - Trần Văn Quang, Ba Trần, Tư Cang,... mà còn gây xúc động cho bao người khác khi nhớ về vị "kiến trúc sư" tài ba và nhân cách lớn của ngành tình báo Trần Quốc Hương huyền thoại!
Bình luận (0)