Thung lũng Ba Lin, xã A Vao, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị nằm cách biệt giữa rừng. Tôi đến đây vào một ngày đầu tháng 9-2018, khi người con gái 17 xuân xanh của bà Hồ Thị Xanh vừa qua đời vì ung thư. Trong căn nhà sàn nằm chênh vênh cuối bản, bà Xanh bùi ngùi kể về quá trình người con hết điều trị ở bệnh viện đến thuê thầy mo về nhà cúng bái gần một tháng ròng.
Bệnh viện trả về, cậy đến thầy mo
Nhà cách Trường THPT số 2 Đakrông gần 30 km đường rừng nên em H.T.M (học sinh lớp 11) - con gái đầu của bà Xanh - phải ở lại khu bán trú của trường để học tập. Đường sá xa xôi, trắc trở nên có khi vài tháng M. mới về thăm nhà một lần. M. thương cha mẹ và rất ham học với hy vọng sau này sẽ thoát được cảnh tay cuốc, tay rựa bốn mùa phơi mình giữa nương rẫy.
Ánh mắt đượm buồn ngấn nước, bà Xanh kể M. phát bệnh, đau đớn trong thời gian dài nhưng em giấu nhẹm vì sợ cha mẹ lo lắng. Đến khi bà Xanh phát hiện thì M. đã bị ung thư giai đoạn cuối. "Con gái tôi sợ ba mẹ biết chuyện sẽ đưa đi bệnh viện chữa trị, không theo học được nên cố chịu đớn đau. Vì thế, khi chúng tôi biết được bệnh tình của con thì đã quá muộn" - bà rầu rĩ.
Bà Hồ Thị Xanh thờ thẫn sau cái chết của con gái
Sau khi M. đổ bệnh nặng, vợ chồng bà Xanh đưa con đến Bệnh viện Trung ương Huế điều trị. M. nằm viện chừng 2 tháng thì gia đình đưa em về nhà, phần vì hết tiền và phần vì bác sĩ nói "bệnh thế này không chữa được nữa rồi". Trong gần 2 tháng trước khi M. mất, gia đình bà Xanh đã bỏ ra hàng chục triệu đồng để xem bói và mời thầy mo về nhà cúng bái. Hầu như thầy mo nào cũng phán M. bị "ma rừng" ám, phải cúng đuổi "nó" đi mới hết bệnh.
Tin lời thầy mo nên đều đặn 2-3 ngày một lần, căn nhà sàn bà Xanh lại nghi ngút khói hương và xầm xì tiếng khấn vái. Mỗi lần diễn ra lễ cúng như vậy, gia đình bà đều mời những người có vai vế trong dòng họ, thôn bản đến chứng kiến. Sau đó, toàn bộ vật tế như dê, heo, gà đều được xẻ thịt, mời những người đến dự lễ cúng dùng bữa.
"Để đuổi bệnh cho con, gia đình tôi đã nhiều lần mời thầy mo về cúng bái nên rất tốn kém. Trong đó, 2 lần chúng tôi thuê thầy mo ở xa đến nhà cúng với giá 5 triệu đồng/lần. Đó là chưa kể tiền sắm dê, heo và gà để làm vật tế dâng lên Giàng (Trời). Biết làm sao được nữa, con bị bệnh nặng nên mình phải cúng nhiều lần thôi" - bà Xanh bất lực kể và cho biết đây là phong tục đời trước để lại nên gia đình không thể không làm theo.
Dù phải cúng bái nhiều lần, vật tế phải chu đáo nhưng cuối cùng, gia đình bà Xanh vẫn không thể cứu được con gái. M. mất nhưng khoản nợ gần 10 triệu đồng để mua vật tế vẫn còn đó. Đến giờ, vợ chồng bà Xanh vẫn chưa biết làm gì để kiếm ra tiền trả nợ. Những ngày theo cơn đau của con cùng những bữa cúng bái thường xuyên, vợ chồng bà để rẫy vườn bỏ hoang. Vì thế, thời gian tới, cái ăn còn chưa đủ nói gì đến chuyện trả nợ.
Bệnh gì cũng tại... "ma rừng"
Lúc đến thung lũng Ba Lin, tôi cùng 2 cán bộ biên phòng cuốc bộ băng rừng ghé thăm mốc quốc giới trên tuyến biên giới Việt - Lào. Trên đường đi, tình cờ chúng tôi gặp anh Hồ Văn Khư (28 tuổi, trú thôn Ba Lin) đang vào rừng chặt cây mây mang về bán. Tôi nhói lòng khi nghe Khư bảo mấy hôm nay, anh phải chui nhủi chặt mây kiếm tiền mua heo để "cúng dâng lên Giàng, xin cho con gái mau hết bệnh".
Đến nhà Khư sau đó, tôi gặp vợ anh là chị Hồ Thị Di. Chị cho biết con gái thứ 2 của mình mắc bệnh gần một tháng nay. Dù vợ chồng chị đã đưa con đi khám nhưng bác sĩ không rõ cháu mắc bệnh gì. "Cháu đang học mầm non, không biết mắc bệnh gì mà cứ ho khan, người lúc nào cũng thẫn thờ, mặt mày dại hẳn ra. Dù vợ chồng tôi đã đưa đi khám, uống thuốc nhưng đến nay cháu vẫn chưa lành" - chị Di lo lắng.
Vợ chồng anh Hồ Văn Khư phải mua chịu nửa con heo để thầy mo cúng đuổi “ma rừng”
Cho rằng con gái bị "ma rừng" ám nên vợ chồng anh Khư mời thầy mo về cúng. Đến nay, đã 4 lần anh chị mời thầy mo và sắm lễ vật cúng bái nhưng bệnh tình của con vẫn chưa thuyên giảm. Trong lần cúng thứ 5 này, thầy mo yêu cầu gia đình anh Khư phải chuẩn bị một con dê, một con heo và một con gà để làm lễ vật dâng lên Giàng.
"Vì không có tiền nên gia đình mình xin thầy mo không cúng dê mà chỉ cúng heo, gà mà thôi. Thầy mo nghe xong cũng đồng ý lễ cúng sẽ bớt đi một con dê" - anh Khư bộc bạch.
Dù đã được miễn một con dê nhưng gia đình anh Khư vẫn không đủ tiền mua một con heo giá 500.000 đồng để cúng. Chuyến vào rừng chặt mây gặp chúng tôi, anh chỉ kiếm được 90.000 đồng, cộng thêm tiền dành dụm cả thảy 250.000 đồng. Vì thế, anh Khư đành mua chịu nửa con heo để thầy mo cúng đuổi "ma rừng" cho con.
"Những ngày tới, mình lại tiếp tục vào rừng chặt mây để trả nợ cho người ta" - anh Khư buồn bã, hướng mắt về cánh rừng già xa xăm rồi nén tiếng thở dài nặng nề. Đứa con gái "không biết mắc bệnh gì" đang bế trên tay anh bỗng khóc ngằn ngặt sau những tràng ho dai dẳng...
Quan niệm lâu đời
Ông Hồ Văn Nghiệp, Phó Chủ tịch UBND xã A Vao, xác nhận tình trạng cúng bái khi đau ốm vẫn còn diễn ra trên địa bàn. Theo quan niệm của người dân, "ma rừng" là những linh hồn không được ai thờ cúng và trú ẩn trong rừng. Người dân khi đi rừng, nếu phạm phải khu có linh hồn trú ẩn sẽ bị quở phạt, bắt bệnh. Đây là quan niệm từ lâu đời nên không thể xóa bỏ trong ngày một ngày hai.
"Tuy lễ cúng "ma rừng" nay đã tiết kiệm hơn so với trước nhưng thời gian tới, UBND xã sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân hạn chế tục lệ này" - ông Nghiệp cho biết.
Kỳ tới: Chuyện gì cũng tìm thầy bói
Bình luận (0)