Chiều 12-8, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài phối hợp với Ủy ban Về người Việt Nam ở nước ngoài TP HCM đã tổ chức tọa đàm trực tuyến "Chuyên gia kiều bào chung sức cùng TP HCM chống dịch".
Chiến dịch "bám trụ tại nhà"
Phát biểu mở đầu tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, cho biết kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát tại Việt Nam, người Việt Nam ở nước ngoài đã có rất nhiều đóng góp hỗ trợ công tác phòng chống dịch ở Việt Nam. Tính đến nay, người Việt Nam ở nước ngoài đã ủng hộ khoảng 35 tỉ đồng cho công tác phòng chống dịch và hơn 13,8 tỉ đồng cho Quỹ Vắc-xin cùng nhiều vật tư, trang thiết bị y tế, kể cả nhân lực. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao đã gửi lời cảm ơn về những nghĩa cử của người Việt Nam ở nước ngoài.
Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, đợt dịch lần thứ 4 đang diễn biến rất phức tạp, số ca nhiễm tăng nhanh, trong đó TP HCM là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao mong thông qua tọa đàm này, các chuyên gia, bác sĩ sẽ chia sẻ nhiều kinh nghiệm quý báu trong công tác phòng chống dịch của các nước trên thế giới cũng như những sáng kiến, kiến nghị đối với công tác chống dịch ở Việt Nam, nhất là ở TP HCM.
Tại tọa đàm, các chuyên gia, bác sĩ đã chia sẻ về chiến lược, kế hoạch khống chế dịch Covid-19 cũng như kinh nghiệm chống dịch và cách ly ở một số nước trên thế giới.
Bác sĩ Vũ Ngọc Khuê - kiều bào Mỹ, nguyên bác sĩ Phòng Dịch tễ Viện Pasteur TP HCM - cho rằng điều cốt lõi đầu tiên là thay đổi chiến tuyến. "Chiến trường là ở nhà, mỗi cá nhân là một chiến sĩ. Nhiệm vụ "bám trụ tại nhà" để chặn đứng dịch lây lan" - bác sĩ Khuê nói. Ðể làm được điều đó, lực lượng y tế phải có hướng dẫn y tế cho dân bám trụ tại nhà về sinh hoạt, theo dõi triệu chứng, diễn tiến bệnh, cách phòng lây lan trong gia đình, điều trị sơ cấp… Cùng với đó là sự trợ giúp của chính quyền về thực phẩm, nhu yếu phẩm, thuốc men… Theo bác sĩ Khuê, mỗi địa bàn, khu vực nên có phòng, ban tác chiến ứng cứu kịp thời giúp các "chiến sĩ đang bám trụ tại nhà".
Trong khi đó, ông Trần Trọng Hùng, Trưởng Ban Hỗ trợ và Phòng chống Covid-19 cộng đồng người Việt Nam tại Ba Lan, cho rằng cần có 3 phao hỗ trợ phòng chống dịch. Nêu kinh nghiệm của Ban Hỗ trợ và Phòng chống Covid-19 cộng đồng người Việt Nam tại Ba Lan trong suốt hơn một năm qua, ông Hùng cho biết ban đã chia các giai đoạn hỗ trợ thành 3 phao: phòng triệt để - chống ngay lập tức - cấp cứu kịp thời.
"Chúng ta phải hiểu là khi người ta biết mình là F0 hay F1 thì họ rất lo lắng, cực kỳ rối. Họ rất cần sự giúp đỡ và quan tâm. Khi phao thứ nhất đã bỏ lỡ thì phải bắt đầu ngay phao thứ 2. Khi có biểu hiện bất thường nào đó thì nên nghi mình bị Covid-19 để tiến hành phao thứ 2 ngay" - ông nói. Ðể làm được việc này, ông Hùng nói rằng mỗi gia đình nên có một bộ: oxymeter, máy đo huyết áp, máy đo nhiệt độ… để kiểm tra các triệu chứng ho, sốt, tuần hoàn để giúp người bệnh đánh giá đúng tình huống để được hỗ trợ chính xác.
Theo các chuyên gia và bác sĩ là kiều bào, việc thành lập bệnh viện dã chiến, các bệnh viện điều trị theo 5 cấp ở TP HCM là rất kịp thời. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Những bước đi quyết định
Chia sẻ kinh nghiệm chống dịch tại Pháp, TS-BS Võ Toàn Trung, kiều bào Pháp, bác sĩ các bệnh viện Paris nói việc đưa ra quyết định giãn cách đúng thời điểm là bước đi rất quyết định. Việc này sẽ giảm tốc độ lây lan của dịch bệnh. Ðồng thời, giảm tải cho hệ thống y tế. "Có những thời điểm, chúng ta phải chấp nhận hy sinh lợi ích kinh tế để bảo đảm sức khỏe cho người dân. TP HCM lựa chọn biện pháp như thế là rất hợp lý và kịp thời" - bác sĩ Trung đánh giá.
Theo ông, việc thành lập bệnh viện dã chiến, các bệnh viện điều trị theo 5 cấp là rất kịp thời. Nhưng để hệ thống này hoạt động tối đa, hiệu quả, bác sĩ Trung cho biết khi TP Paris tăng cường các trung tâm hồi sức cấp cứu, nhất là những tầng cuối thì đã thành lập một trung tâm điều hành chung. Do đó, việc thành lập một trung tâm điều hành chung các trung tâm này là rất cần thiết, rất quan trọng. "Khi bệnh nhân trở nặng, không thể gọi 100 bệnh viện khác nhau được mà nên gọi một trung tâm duy nhất. Trung tâm này có trách nhiệm phân phối toàn bộ số bệnh. Việc này sẽ tận dụng triệt để các giường cũng như tiết kiệm rất nhiều thời gian. Hơn nữa, trên sự điều hành của trung tâm này chúng ta cũng biết được nhu cầu tiếp theo" - TS-BS Võ Toàn Trung phân tích.
Phát biểu kết luận buổi tọa đàm, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Dương Anh Ðức bày tỏ xúc động khi đồng bào khắp nơi, trong nước lẫn ngoài nước đã có chia sẻ, chung sức và giúp đỡ cho TP HCM trong suốt thời gian chống dịch vừa qua.
Phó Chủ tịch UBND TP HCM cho biết TP HCM đã áp dụng biện pháp mạnh trong phòng chống dịch, đã mang lại nhiều khởi sắc nhưng tình hình dịch vẫn đang rất phức tạp. TP HCM cũng trao đổi, thảo luận để đưa ra những biện pháp chống dịch tiếp theo. Do đó, những ý kiến, kinh nghiệm từ các chuyên gia, bác sĩ rất đáng trân trọng và quý báu. "TP HCM xin tiếp thu đầy đủ ý kiến của các chuyên gia, bác sĩ, nhất là những chuyên gia, bác sĩ Việt kiều đã có điều kiện tiếp cận những nền khoa học tiên tiến trên thế giới để đưa vào ứng dụng phù hợp với điều kiện của TP HCM. Chúng tôi tin rằng với sự quyết tâm của toàn hệ thống chính trị thành phố cũng như sự hỗ trợ của các ban, ngành, địa phương, sự giúp đỡ của kiều bào, TP HCM sẽ vượt qua giai đoạn khó khăn này" - Phó Chủ tịch UBND TP HCM bày tỏ.
Trân trọng sự đóng góp
Phát biểu tại tọa đàm, Phó Chủ tịch HÐND TP HCM Nguyễn Văn Dũng cho rằng thời gian qua kiều bào luôn đồng hành với TP HCM trong công tác phòng chống dịch. Thông qua sự đóng góp kịp thời của kiều bào, HÐND TP HCM và Ủy ban MTTQ TP HCM đã chuyển đến hỗ trợ người dân tại các khu cách ly, khu phong tỏa... "HÐND TP HCM trân trọng cảm ơn những nghĩa cử của kiều bào đã chung tay hỗ trợ TP HCM phòng chống dịch Covid-19" - ông Dũng bày tỏ.
Bình luận (0)