Phát biểu chào mừng hội nghị Gặp mặt giữa lãnh đạo TP và chuyên gia trí thức, doanh nhân kiều bào vào ngày 6-4, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong cho rằng trở thành đô thị sáng tạo và trung tâm tài chính của khu vực không chỉ là tham vọng mà còn là kế hoạch cần triển khai của TP, bởi một nền tài chính phát triển khỏe mạnh, một trung tâm tài chính có sức hấp dẫn cao sẽ mang lại tăng trưởng cho doanh nghiệp (DN), thúc đẩy kế hoạch xây dựng đô thị sáng tạo, là nền tảng quan trọng cho việc thực hiện các mục tiêu của TP.
Kết nối 3 chân vạc
Góp ý vào chủ đề "Xây dựng khu đô thị sáng tạo", TS Ngô Viết Nam Sơn (Việt kiều Mỹ) cho rằng TP cần trả lời 3 câu hỏi: Làm sao để tổ chức khu vực phía Đông (các quận 2, 9, Thủ Đức) thành khu đô thị sáng tạo? Kinh phí ở đâu? Làm sao thu hút người dân về sinh sống?
Theo ông Sơn, TP đang đi đúng hướng trong xây dựng đô thị thông minh nhưng cần có sự kết nối, bao gồm kết nối vùng, kết nối các dự án, kết nối hạ tầng với nhau để tạo ra tiện ích lớn nhất, cùng khai thác tốt tiềm năng, cùng phát triển. Ông phân tích TP cần tạo 3 động lực chính cho đô thị thông minh là: Khu đô thị mới Thủ Thiêm (chức năng tài chính, đô thị mới); khu ĐHQG TP HCM, Khu Công nghệ cao và khu vực cảng Cát Lái. "Đây là 3 động lực, 3 chân vạc, 3 cộng đồng có bản sắc khác nhau. Trong quy hoạch cần liên kết với nhau và kết nối với khu dân cư hiện hữu, không nên tách rời. Mỗi khu vực, mỗi cộng đồng có yêu cầu khác nhau về hạ tầng, nếu TP đáp ứng được thì sẽ thu hút được người về ở. Khi đó, câu chuyện về nguồn tiền để xây dựng đô thị thông minh là không khó" - ông Sơn nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Thành Phong (phải), Chủ tịch UBND TP HCM, trao đổi với đại biểu bên lề hội nghị Ảnh: QUANG LIÊM
Quan tâm đến xây dựng trung tâm tài chính, ông Peter Hồng (kiều bào Úc), Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài, cho rằng vướng mắc nằm ở cơ chế. "Tôi tham gia làm Khu Kinh tế mở Chu Lai (Quảng Nam) 18 năm trước, chưa có một cơ chế chính thức chuẩn bị cho khu kinh tế mở này. Bây giờ cũng vậy, cơ chế nào để làm trung tâm tài chính? Nhìn lại các quốc gia trong khu vực, chúng ta đứng ở đâu? Về thuế, nhà nước cho mở tới đâu? Xây dựng trung tâm tài chính thì mời đơn vị nào về cùng tham dự? Chuẩn bị về con người ra sao" - ông Peter Hồng nêu hàng loạt câu hỏi.
Đặc biệt, về dòng tiền, ông Peter Hồng chỉ rõ quy luật "nước chảy chỗ trũng". TP HCM chưa tạo được "chỗ trũng" thì dòng tiền chưa chảy tới. "Các nhà đầu tư đang chạy đi đâu, TP HCM có hấp dẫn được họ hay không? Đây là những câu chuyện lớn. Rất nhiều kiều bào có kiến thức, trình độ đủ để hợp tác với TP. Chỉ cần TP đưa yêu cầu cụ thể, có định chế đàng hoàng thì anh em chúng tôi cùng về, cùng làm với TP HCM" - ông Peter Hồng bày tỏ.
Thừa nhận vướng mắc cơ chế là vấn đề lớn nhất cần tháo gỡ, ông Nguyễn Thành Phong nói TP sẽ từng bước khắc phục các bất cập để trở thành TP có chất lượng sống tốt, phục vụ tốt nhất nhu cầu của người dân, trong đó có kiều bào.
Giải bài toán con người
Hoan nghênh sự góp mặt của hơn 40 kiều bào tại hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh TP đang tập trung xây dựng khu đô thị sáng tạo và trung tâm tài chính nên rất cần nguồn lực. Trong đó, sự đóng góp ý kiến của các kiều bào là vô cùng cần thiết.
Theo ông Nguyễn Thiện Nhân, TP HCM chỉ chiếm 0,6% diện tích cả nước nhưng đóng góp 24% GDP và 27% thu ngân sách quốc gia; kiều hối và lượng khách du lịch chiếm gần 1/2 so cả nước; năng suất lao động bằng 2,9 lần năng suất lao động chung toàn quốc. Vì thế, thảo luận về xây dựng đô thị sáng tạo, trung tâm tài chính là giúp TP có nguồn lực lâu dài hơn để phát triển, giữ vững vị trí quan trọng của cả nước.
Trao đổi cụ thể hơn về chiến lược của TP, Bí thư Thành ủy cho hay TP nhận thức rõ nền kinh tế của TP là kinh tế đô thị với sự đóng góp của dịch vụ và công nghiệp lên đến 99%. Do đó, trong năm nay, TP phải khởi công xây dựng khu công nghiệp mới với ý nghĩa là nơi tiếp nhận đầu tư lớn ở nước ngoài. Đồng thời, rà soát lại quy hoạch hạ tầng phục vụ phát triển dịch vụ một cách tốt nhất. Dự kiến, đầu năm 2021, TP chạy thử tuyến Metro 1; các tuyến metro khác và các tuyến đường vành đai cũng đang được triển khai. Ngoài ra, từ năm 2020 trở đi, TP có các ngành đạt trình độ quốc tế như du lịch, y tế.
Người ở đâu để làm khu đô thị sáng tạo cũng là câu hỏi khiến người đứng đầu Đảng bộ TP băn khoăn. Nêu một trong những hướng ra, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân cho rằng nhân lực nằm ở các đối tác nước ngoài hoặc chính người Việt ở nước ngoài về tham gia thực hiện. Nói cách khác, cần chú trọng liên kết, hợp tác quốc tế. "Bây giờ đóng cửa là thua. Đợi họ (đối tác nước ngoài - PV) đến cũng không được, mà TP phải chủ động cùng liên kết, cùng làm. Những đơn vị tư vấn tuy là người Việt Nam nhưng đằng sau đều là công ty nước ngoài, không có quốc tế không làm được" - Bí thư nhấn mạnh.
Về xây dựng trung tâm tài chính, Bí thư Thành ủy TP HCM khẳng định TP sẽ làm nhanh hơn nữa. Thực tế, dù kinh tế TP HCM chiếm 24% cả nước, kiều hối chiếm gần 50% và huy động vốn cho vay cũng lớn nhất cả nước, song vẫn chưa thực sự đúng tầm. Chức năng của trung tâm tài chính phải đi liền với hạ tầng viễn thông cực mạnh, an toàn thông tin tốt. Nhà nước và DN phải cùng làm với nhau từ khâu quy hoạch đến khâu kế hoạch và triển khai. Còn tiền ở đâu? Làm tốt thì DN sẽ mang tiền đến, đó là bài học của Hà Lan khi làm các công trình hạ tầng công cộng đa chức năng" - Bí thư Nguyễn Thiện Nhân nói.
Thu hút người có năng lực trí tuệ cao nhất
Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết với 300 năm lịch sử, TP HCM là TP đa dân tộc, đa tôn giáo, đa văn hóa; có đóng góp lớn về mặt kinh tế của cả nước. Do đó, TP phải là cái nôi của sáng tạo. Tuy nhiên, với áp lực dân số, TP đang gặp những vấn đề về ách tắc giao thông, nhà ở, rác thải… Chọn khu vực gồm các quận 2, 9 và Thủ Đức để xây dựng khu đô thị sáng tạo, Bí thư Thành ủy cho rằng đây là sản phẩm của tri thức mới, ứng dụng mới, thu hút người có năng lực trí tuệ cao nhất, từ đó lan tỏa ra 10 triệu dân của TP.
GS TRẦN HẢI LINH, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài:
Kiến nghị lập ủy ban tư vấn
TP HCM dự kiến xây khu đô thị sáng tạo dựa trên liên kết quận 2, 9 và Thủ Đức, tôi kiến nghị TP hình thành một ủy ban tư vấn việc xây dựng và phát triển khu đô thị sáng tạo TP, đứng đầu là một lãnh đạo TP; các thành viên khác gồm lãnh đạo các tập đoàn, DN tư nhân đã, đang và sẽ có dự án ở khu vực; đại diện chuyên gia trí thức, doanh nhân kiều bào... Ủy ban này sẽ giúp tăng cường liên kết, phản ánh thực tế, đưa ra các giải pháp nâng cao năng lực sáng tạo. Đồng thời, nhanh chóng xác định một vài lĩnh vực công nghệ cao như các sản phẩm sinh - y - dược - nông nghiệp, logistics... để áp dụng nhanh chóng và hiệu quả nhất.
Ngoài xây dựng ngay các chiến lược thu hút tài năng và công nghệ để tạo ra một nền tảng chất lượng cao cho đô thị sáng tạo, chính quyền phải thể hiện được vai trò cầu nối và chất xúc tác để tăng cường khả năng tiếp cận vốn, hỗ trợ nghiên cứu, hỗ trợ chính sách đặc biệt.
Ông DANNY VÕ THÀNH ĐĂNG (kiều bào Singapore):
Ba giá trị cốt lõi
Về xây dựng và phát triển thương hiệu đô thị sáng tạo, tôi đề nghị TP HCM thoát khỏi việc chạy theo các TP khác như Bangkok, Singapore..., mà tạo giá trị riêng cho mình bằng 3 giá trị cốt lõi theo 3 chữ T: Thân thiện, tử tế và tích cực. Người TP HCM thân thiện đón nhận, nở nhiều nụ cười hơn với người xung quanh; luôn tử tế, giúp đỡ, hỗ trợ nhau, tương thân tương ái; suy nghĩ, sống, chia sẻ tích cực. Trong xây dựng đô thị sáng tạo, tại sao TP không tiên phong tạo ra kết nối với các TP sáng tạo trên thế giới?
Một trong những lợi thế của kiều bào, đặc biệt lực lượng kiều bào trẻ, là kiến thức chuyên môn được lĩnh hội từ khắp nơi trên thế giới và khả năng nhìn thấy nhiều cơ hội đầu tư tại TP HCM. Nếu được đóng góp cho việc xây dựng TP, kiều bào sẽ đóng góp hết sức mình. Tuy nhiên, kiều bào cần hỗ trợ kết nối với các cơ quan nhà nước, các quỹ đầu tư trong môi trường "lạ nước, lạ cái" khi trở về.
Phương Nhung ghi
Bình luận (0)