Trong chuyến hải trình thăm quân và dân tại các đảo thuộc huyện đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa) và Nhà giàn DK1/20 thuộc thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) diễn ra từ ngày 14 đến 22-4, có 55 kiều bào đến từ 19 quốc gia. Trong đông đảo các kiều bào cùng tham gia đoàn công tác, anh Etcetera Nguyễn, kiều bào Mỹ, là một trong những người đã ra thăm Trường Sa nhiều nhất.
Anh Etcetera Nguyễn, kiều bào Mỹ, đang ký họa chân dung chiến sĩ trên đảo Trường Sa Đông
Anh Etcetera Nguyễn (hay còn gọi là Trường Nguyễn, Việt kiều Mỹ, một nhà báo - họa sĩ). Từng là Tổng thư ký của báo Việt Weekly tại Mỹ, những năm gần đây, anh Etcetera về sống và làm việc tại Việt Nam. Từ tháng 4-2017, Etcetera lập thêm trang Vlog VHVNtv (Văn hóa Việt Nam tivi) trên youtube với mục đích giới thiệu vẻ đẹp văn hóa Việt Nam ra thế giới. Anh đã đi rất nhiều, đến hầu như mọi miền đất nước, và đây đã là lần thứ 4 anh ra Trường Sa.
Anh từng chia sẻ với báo chí rằng chuyến đi Trường Sa lần đầu là tìm hiểu sự mới mẻ; chuyến đi thứ 2 để mình làm một điều gì đó đối với biển đảo quê hương; còn chuyến thứ 3 là để lắng đọng cảm xúc của mình về một vùng biên cương thiêng liêng của Tổ quốc.
Video clip anh Etcetera Nguyễn ký hoạ chân dung chiến sĩ trên đảo Trường Sa Đông
Với nụ cười rất hiền, Etcetera Nguyễn cho biết lần này anh rất mong mỏi tham gia để ghi nhận suy nghĩ của những đại biểu tham gia hành trình đến với Trường Sa và Nhà giàn DK 1. "Đoàn kiều bào có đặc thù là các đại biểu đến từ các nước, có những người đi lần đầu tiên, có người đi lần thứ 2 song hầu hết họ đều mang tâm tư, nguyện vọng hướng về biển đảo, đó là những mẫu số chung mà tôi rất mong muốn tìm hiểu trong chuyến đi lần này"- anh nói.
Qua hành trình dài 1.000 hải lý dài 10 ngày, đoàn đã thăm quân và dân trên 5 đảo, 5 đảo đá thuộc quần đảo Trường Sa, Nhà giàn DK 1. Có những chuyến thăm kéo dài nhiều giờ đồng hồ, song cũng có những chuyến thăm bị rút ngắn do điều kiện thủy triều lên xuống không cho phép đoàn lưu lại lâu. Cùng với các phóng viên của đoàn công tác, anh Etcetera Nguyễn là một trong những người có mặt đầu tiên trên các đảo, nhà giàn là thuộc những người lưu lại sau cùng để trao đổi, ghi nhận cuộc sống của quân và dân trên đảo cũng như tình cảm của bà con kiều bào và các thành viên khác trong đoàn công tác với quân và dân nơi tuyến đầu Tổ quốc.
Đặc biệt, tại đảo Trường Sa Đông, dưới bóng mát của những cây bàng vuông, phong ba được trồng rất nhiều trên đảo, anh Etcetera Nguyễn đã có thời gian ký họa hình ảnh những chiến sĩ, sĩ quan tại đây như một món quà tặng những người đang nắm chắc tay súng nơi "đầu sóng ngọn gió" để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Việt Nam.
Vừa ký họa chân dung các chiến sĩ, sĩ quan trong cuốn sổ tay lúc nào cũng mang theo bên mình, anh vừa hỏi thăm về cuộc sống, tâm tư, tình cảm và những ước mơ của họ và "hình tượng hóa" những điều đó bằng các chi tiết trong bức ký họa. Chỉ với 3-5 phút cho mỗi bức ký họa, các tác phẩm của anh đã mang lại niềm vui cho rất nhiều chiến sĩ, sĩ quan tại đây.
Ngoài công việc làm báo, Etcetera Nguyễn còn là một họa sĩ ký họa chân dung và phong cảnh rất tài hoa, với nhiều bức ký họa về phố cổ Hà Nội, Đà Nẵng, Hội An và các tỉnh miền Trung...
Các tác phẩm báo chí, đặc biệt là phóng sự báo hình của anh được thực hiện theo nguyên tắc "không cường điệu, không dàn dựng, nhằm ghi nhận sự khác biệt văn hóa Việt ở mọi nơi, trong và ngoài nước" cho thấy quan niệm, tinh thần làm việc nghiêm túc, thái độ khách quan của Etcetera.
Hải trình thăm quân và dân tại Trường Sa và nhà giàn DK1 là sự kiện thường niên dành cho kiều bào do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài - Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ Tư lệnh Hải quân tổ chức liên tục trong 8 năm qua. Trong chuyến công tác vào tháng 4-2019 lần này, đoàn đã tới thăm hỏi, giao lưu văn nghệ và tặng quà tổng giá trị 1,2 tỉ đồng cho các cán bộ, chiến sỹ thuộc Quân chủng Hải quân Việt Nam cùng các hộ dân tại đảo Sơn Ca, Sinh Tồn Đông, Tiên Nữ, Núi Le, Tốc Tan, Phan Vinh, Đá Đông, Trường Sa Đông, Đá Tây, Trường Sa và và Nhà giàn DK1/20 (Trạm dịch vụ kinh tế khoa học kỹ thuật Ba Kè 2).
Đại sứ Lương Thanh Nghị, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, cho biết: "Kiều bào sau những chuyến đi như vậy thực sự đã trở thành những sứ giả để lan tỏa tình yêu đất nước, quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo ra cộng đồng người Việt Nam trên thế giới. Đồng thời, bà con cũng đã có những hỗ trợ vật chất lớn như đã quyên góp ủng hộ đóng 1 xuống chủ quyền tặng đảo, các bộ tập thể dục đa năng trên các đảo, hệ thống điện mặt trời, máy phát điện trang bị cho các đảo đá. 8 năm qua, phong trào ủng hộ biển đảo ngày càng lan rộng và phát triển rất mạnh, đặc biệt ở những nơi có nhiều kiều bào của ta sinh sống như Đức, Séc, Ba Lan, Mỹ…"
Hình ảnh Báo Người Lao Động ghi nhận:
Tàu KN 490 đưa đoàn đại biểu thăm quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1
Chiến sĩ hải quân đứng gác bên cột mốc chủ quyền trên đảo Trường Sa Đông
Anh Etcetera Nguyễn ký hoạ chân dung chiến sĩ trên đảo Trường Sa Đông
Các chiến sĩ đều còn rất trẻ, ở độ tuổi 19, 20
Anh Etcetera Nguyễn và chiến sĩ anh ký hoạ chân dung - Ảnh: Trường Phong
Niềm vui của các chiến sĩ trẻ
Mỗi bức ký hoạ được anh hoàn thành trong khoảng từ 3 đến 5 phút
Bà con kiều bào hỏi thăm các chiến sĩ trên đảo Trường Sa Đông
Bình luận (0)