Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong nửa đầu năm nay, ngành du lịch Việt Nam đón hơn 139.160 lượt khách tàu biển, chiếm tỉ lệ khá khiêm tốn so với gần 8,5 triệu lượt khách quốc tế đến nước ta. Theo các công ty du lịch, hiếm có quốc gia nào mỗi nơi dừng chân đều đem lại cho du khách sự đa dạng về sản phẩm như Việt Nam, từ cảnh quan, thời tiết, ẩm thực... trải khắp từ Bắc đến Nam. Đây là lợi thế rất lớn nếu chúng ta biết tận dụng, khai thác hiệu quả.
Điểm đến lý tưởng
Một ngày giữa tháng 7, tàu Voyager of the Seas chở theo hơn 3.000 khách quốc tịch Anh, Úc, Mỹ cập cảng Phú Mỹ (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), bắt đầu chuyến khám phá điểm đến Việt Nam. Ngoài dừng chân ở Vũng Tàu và TP HCM, đoàn khách sẽ tiếp tục khám phá trải nghiệm các thành phổ biển xinh đẹp miền Trung.
Xuyên suốt hành trình, du khách rất hào hứng với những địa danh, di tích lịch sử, văn hóa Việt Nam, như thăm địa đạo Củ Chi, tham quan TP biển Vũng Tàu, khám phá cố đô Huế, di tích Mỹ Sơn, phố cổ Hội An, tham gia chương trình học nấu ăn các món đặc sản Việt Nam…
Trong mắt của những người nhiều năm phục vụ, đưa đón khách quốc tế đến Việt Nam, hiếm có nơi nào du khách được trải nghiệm sự thay đổi liên tục về cảnh quan, ẩm thực, nét đặc sản của văn hóa bản địa như ở Việt Nam.
Ông Vũ Duy Vũ, Phó Tổng Giám đốc Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist, nhận xét với vị trí địa lý thuận lợi trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương cùng tiềm năng du lịch phong phú, đa dạng, Việt Nam đã và đang là một trong những điểm đến lý tưởng đối với khách tàu biển quốc tế.
Theo kết quả khảo sát của Hiệp hội Du thuyền quốc tế (CLIA), trong năm 2018, Việt Nam đã đón 500 lượt tàu cập cảng (tăng 21% so với cùng kỳ năm 2017), trong đó 81% là quá cảnh. Lượng khách du lịch tàu biển đến Việt Nam trong năm 2019 dự kiến tiếp tục tăng trưởng và Việt Nam là một trong 5 nước châu Á có số lượt tàu cập cảng nhiều nhất.
Nếu so với trước đây, hiện nay ngày càng có nhiều tàu khách đến Việt Nam thuộc loại tàu cỡ lớn. Tàu khách lớn nhất từng đến Việt Nam có sức chứa lên đến hơn 5.000 khách. Hành trình của các tàu đến Việt Nam kéo dài hơn trước với số cảng ghé ít nhất từ 2 cảng trở lên, thời gian lưu trú lâu; lượng khách trên tàu ngày càng đông và đa quốc tịch.
Xu hướng đi du lịch tàu biển và yêu cầu sản phẩm, dịch vụ du lịch của du khách cũng đang có nhiều thay đổi. Mọi du khách ngày nay đều có thể đi du lịch tàu biển và lựa chọn cho mình một chuyến đi phù hợp với túi tiền. Trên cùng một chuyến tàu, du khách sẽ có những mức chi tiêu khác nhau và yêu cầu về sản phẩm dịch vụ du lịch khác nhau.
"Các gia đình bao gồm nhiều thế hệ từ ông bà, cha mẹ, con cái… đều có thể cùng nhau đi du lịch tàu biển thuận tiện, phù hợp với lối sống hướng về gia đình. Mọi du khách trên tàu mong muốn có một chuyến du lịch tàu biển mang đến nhiều trải nghiệm thú vị tại các điểm đến như phong cảnh đẹp, ngành nghề truyền thống, cuộc sống thường nhật, văn hóa - ẩm thực, du lịch có kết hợp công tác thiện nguyện, bảo vệ môi trường (du lịch bền vững)… Đặc biệt, du khách trẻ trên tàu thường hướng đến những hành trình du lịch luôn được mở rộng, giàu tính trải nghiệm thực tế, có điểm check-in" - ông Vũ Duy Vũ nhận xét.
Chỉ tính riêng tại lữ hành Saigontourist, từ đầu năm đến nay, hãng đã tiếp đón và phục vụ tổng cộng gần 50.000 lượt du khách quốc tế đến từ Anh, Pháp, Mỹ, Đức, Singapore, Hồng Kông, Trung Quốc trên các con tàu như Celebrity Millenium, Voyager of the Seas, World Dream, Genting Dream, Ms. Europa 1 và 2, Spectrum of the Seas...
Đoàn Malaysia cập cảng Cát Lái, TP HCM trong Chương trình Tàu Thanh niên Đông Nam Á và Nhật Bản - Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Đừng phung phí tài nguyên
Hiếm quốc gia nào có đường bờ biển trải dài từ Bắc vào Nam, với hàng loạt điểm đến hấp dẫn như Việt Nam. Thế nhưng, thời gian qua, du lịch biển chưa được đầu tư xứng tầm để không chỉ là nơi vui chơi, trải nghiệm của khách trong nước mà còn phải thu hút thêm nhiều khách quốc tế qua đường tàu biển. Thực tế với riêng khách tàu biển vốn nổi tiếng là phân khúc khách sang, chi tiêu cao và thường xuyên đi du lịch nhưng việc thu hút họ trở lại lần 2, lần 3 là rất khó.
Tiềm năng vẫn chưa được khai thác trong khi thủ tục hành chính rườm rà trở thành rào cản. Ông Huỳnh Văn Sơn, Chủ tịch HĐQT Công ty Du lịch Ngôi Sao Biển, kể lại cách đây không lâu, tỉ phú Anh Joe Lewis đến Việt Nam trên siêu du thuyền nhưng gặp không ít phức tạp về thủ tục.
"Ông Joe chia sẻ rằng phải ký tới 108 biểu mẫu và đóng dấu lên các giấy tờ khi mục đích chỉ là đến tham quan các điểm trong cảng nội địa của Việt Nam, thay vì ở những nước khác chỉ cần đăng ký qua email và hệ thống thủ tục của các cảng biển liên thông với nhau" - ông Huỳnh Văn Sơn nêu rõ.
Từ câu chuyện đến Việt Nam bằng du thuyền của tỉ phú Anh này, đòi hỏi các chính sách cần đơn giản theo hướng một cửa, thay vì mỗi lần tàu biển, du thuyền cập cảng (nội địa) là phải làm lại tất cả thủ tục như lần đầu nhập cảnh khiến khách nản lòng.
Ông Sơn còn dẫn chứng trong khi khách quốc tế đến Việt Nam chỉ cần xin visa 1 lần có thể đến bất cứ nơi nào trên cả nước thì tàu biển du lịch nước ngoài cập cảng Việt Nam, cứ tới mỗi cảng ở TP HCM, Phú Quốc, hay Đà Nẵng… lại phải xin thủ tục từ đầu với quy trình nhập cảnh và thông quan rất phức tạp. "Đây là bất cập cần phải sửa nếu muốn đón nhiều khách quốc tế bằng đường biển" - ông Sơn góp ý.
Ông Phan Xuân Anh, Chủ tịch HĐQT Công ty Du ngoạn Việt, cho rằng du lịch biển có vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế biển Việt Nam. Để kéo khách quốc tế tàu biển đến Việt Nam, níu chân họ trở lại nhiều lần, trong chiến lược này chúng ta phải có hành động cụ thể để trở thành trung tâm du lịch tàu biển của khu vực và thế giới. Muốn vậy, chúng ta phải đầu tư xây dựng các cảng biển quy mô lớn, có nhà ga để không chỉ phục vụ khách mà còn thủy thủ đoàn. Thông thường, 1 tàu biển chở khoảng 3.000 khách sẽ có tới 2.000 thủy thủ đi cùng, nếu tàu chở 2.500 khách thì đoàn thủy thủ cũng xấp xỉ cả ngàn người.
"Trung tâm du lịch tàu biển không chỉ đáp ứng nhu cầu của khách mà cả câu chuyện hậu cần cho thủy thủ nhưng chúng ta chưa đủ lực để làm" - ông Phan Xuân Anh nhận xét.
Phải giải bài toán hậu cần
Hơn 20 năm làm trong ngành tàu biển, phục vụ hàng loạt tàu biển quốc tế cập cảng biển Việt Nam, ông Phan Xuân Anh nhìn nhận tàu nhỏ chở 200-300 khách, công ty du lịch có thể phục vụ đưa đón, ăn uống, sinh hoạt thoải mái. Nhưng khi lượng khách tàu biển tăng lên 2.000 - 3.000 lượt người thì đòi hỏi cả phương tiện phục vụ từ xe chở khách, hàng không đưa đón khách tới các điểm..., rất công phu.
"Năng lực hậu cần là một bài toán khó. Trên tàu biển quốc tế lớn chở 4.000-5.000 khách có đầy đủ mọi tiện ích, vui chơi giải trí, phục vụ 4-5 bữa ăn/ngày. Nếu lượng khách này tràn xuống các điểm đến cả ngày, chúng ta sẽ không đáp ứng nổi, nên hiện nay vẫn chỉ phục vụ được 1-2 bữa ăn, còn lại du khách sinh hoạt chủ yếu trên tàu. Muốn kéo khách thì phải giải bài toán về hận cần" - ông Xuân Anh đúc kết.
Đầu tư xứng tầm cho cảng biển du lịch
Theo các doanh nghiệp, đã đến lúc cần đánh giá lại cho đúng tiềm năng biển Việt Nam trong phát triển du lịch, bao gồm cả du lịch tàu biển bằng chính sách ưu đãi nhằm thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước. Ngay như TP HCM, nhiều chuyên gia trong ngành đánh giá TP có rất nhiều tiềm năng phát triển du lịch tàu biển, bởi đây là nơi có cảng biển nằm sâu trong đất liền và gần khu trung tâm, đi bộ tới trung tâm TP chỉ 10 phút. Dù vậy, đến giờ du lịch tàu biển vẫn chưa phát triển như kỳ vọng.
Trong mắt khách quốc tế, hầu hết các thành phố biển ở Việt Nam đều có cảng như Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang... Từ cảng biển vào trung tâm TP chỉ từ 15-30 phút, đây là mơ ước của những điểm đến khác. Nhưng các cảng biển của Việt Nam hiện nay đa phần là cảng hàng hóa, chở hàng, không được đầu tư đúng mức để khai thác lợi thế, tiềm năng du lịch tàu biển.
Bình luận (0)