Sáng 20-5, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội (QH) Nguyễn Thị Kim Ngân, QH khóa XIV đã khai mạc kỳ họp thứ 7.
Củng cố niềm tin của nhân dân
Phát biểu khai mạc kỳ họp, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết năm 2019 là năm có ý nghĩa quan trọng trong thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) 5 năm 2016-2020.
"Nhiệm vụ đặt ra rất nặng nề, đòi hỏi cả hệ thống chính trị, toàn dân, toàn quân, cùng cộng đồng doanh nghiệp (DN) phải nỗ lực phấn đấu cao nhất, nêu cao tinh thần đoàn kết, gương mẫu trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ, biến lời nói thành hành động, biến khó khăn thách thức thành cơ hội phát triển để hoàn thành các chỉ tiêu KT-XH đặt ra trong năm 2019" - Chủ tịch QH nói.
Trình bày báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và ngân sách nhà nước năm 2018 và những tháng đầu năm 2019, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cho biết tình hình KT-XH quý IV/2018 chuyển biến tích cực, góp phần mang lại kết quả quan trọng, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Năm 2018 là năm bản lề thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2016-2020. Cụ thể, đã đạt và vượt toàn bộ 12 chỉ tiêu chủ yếu, trong đó 3 chỉ tiêu đạt, 9 chỉ tiêu vượt và nhiều chỉ tiêu đạt cao hơn số đã báo cáo QH.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình trình bày Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2018 và những tháng đầu năm 2019Ảnh: TTXVN
"Cụ thể, tốc độ tăng trưởng GDP đạt 7,08% (đã báo cáo trên 6,7%), cao nhất kể từ năm 2008, thuộc nhóm các nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao nhất khu vực và thế giới. GDP bình quân đầu người đạt 2.590 USD" - Phó Thủ tướng nói và cho biết thêm là thu ngân sách nhà nước vượt 8% so dự toán (đã báo cáo vượt 3%); bội chi ngân sách 3,46% GDP (đã báo cáo 3,67%); nợ công ở mức 58,4% GDP (đã báo cáo 61,4%).
Trong những tháng đầu năm 2019, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 4 tháng tăng 2,71%, thấp nhất trong 3 năm qua. Tỉ giá, thị trường ngoại hối ổn định; dự trữ ngoại hối nhà nước đạt kỷ lục. Tăng trưởng GDP quý I đạt 6,79%; xuất khẩu 4 tháng đạt 78,8 tỉ USD (tăng 5,8% so cùng kỳ năm 2019); xuất siêu 711 triệu USD…
Về công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí, Phó Thủ tướng cho biết Chính phủ đã ban hành và chỉ đạo thực hiện nghiêm chỉ thị của Thủ tướng về tăng cường ngăn chặn, xử lý có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, DN; đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử nhiều vụ án tham nhũng nghiêm trọng, được dư luận đồng tình ủng hộ, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân. Điển hình như các vụ AVG, "Vũ nhôm", "Út trọc" mở rộng, Gang thép Thái Nguyên giai đoạn II, cảng Quy Nhơn, các vụ án liên quan một số ngân hàng thương mại...
Tuy nhiên, báo cáo cũng thẳng thắn nhận định nền kinh tế tiếp tục đối mặt với các khó khăn, thách thức; kinh tế vĩ mô chưa thực sự ổn định vững chắc; tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công ở nhiều bộ, ngành, địa phương còn chậm. Cổ phần hóa, thoái vốn tại DN nhà nước chưa đáp ứng yêu cầu; xử lý dự án yếu kém, thua lỗ còn khó khăn; quản lý tài sản công, đất đai, tài nguyên còn bất cập.
Chính phủ cũng khẳng định sẽ triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng chống lợi ích nhóm, tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, nhất là trong các lĩnh vực đất đai, tài nguyên, đầu tư công, các dự án BT, BOT. Cùng với đó, đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng lớn, thu hồi triệt để tài sản thất thoát.
Cử tri băn khoăn giá điện, xăng
Trình bày trước QH các ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước gửi tới kỳ họp, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn cho biết cử tri và nhân dân đánh giá cao sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Đảng, nhà nước trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng, kiện toàn hệ thống chính trị, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức gắn với vị trí việc làm, cải cách hành chính, đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí.
Tuy nhiên, cử tri và nhân dân còn lo lắng về một số vấn đề, đó là thị trường đầu ra nông sản thiếu ổn định; dịch tả heo châu Phi đã được ngăn chặn bước đầu nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát trở lại. Việc lợi dụng, thương mại hóa hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo như "dâng sao giải hạn", "thỉnh vong" gây bức xúc trong nhân dân. Việc điều chỉnh giá điện, giá xăng trong thời gian qua có ảnh hưởng ít nhiều đến cuộc sống của người dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Về giáo dục, dù hoan nghênh các cơ quan chức năng đã kiên quyết điều tra, xử lý sai phạm gian lận điểm thi ở các tỉnh Hà Giang, Hòa Bình và Sơn La nhưng cử tri và nhân dân đề nghị cơ quan chức năng sớm xử lý nghiêm và công khai các đối tượng liên quan vi phạm, nhất là những cán bộ, công chức là lãnh đạo, quản lý, gắn với trách nhiệm nêu gương của cán bộ, Đảng viên; thống nhất cách xử lý đối với các thí sinh gian lận điểm thi, bảo đảm công bằng xã hội; đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục rà soát, khắc phục triệt để những hạn chế trong tổ chức thi của các năm trước, trước hết là những lỗ hổng trong quy chế thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT, ngăn chặn kịp thời gian lận trong thi cử của năm học 2019-2020.
Cử tri và nhân dân hoan nghênh, đồng tình và ủng hộ Đảng, nhà nước đã quyết liệt chỉ đạo việc điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng lớn; xử lý, kỷ luật nghiêm một số cán bộ lãnh đạo có vi phạm, gây hậu quả nghiêm trọng, kể cả đương chức hay nghỉ hưu, thể hiện đúng chủ trương "không có vùng cấm" trong đấu tranh chống tham nhũng. Tuy nhiên, công tác phát hiện, xác minh, điều tra, truy tố, xét xử một số vụ án còn chậm; việc thu hồi tài sản bị tham nhũng còn rất hạn chế; tình trạng nhũng nhiễu, tham nhũng vặt của một bộ phận công chức, viên chức chưa được khắc phục.
"Do đó, cử tri đề nghị Đảng, nhà nước tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí ở các cấp, các ngành, các địa phương" - ông Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.
Hôm nay, 21-5, ngày thứ 2 của kỳ họp, QH thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) và Luật Kiến trúc.
Có dự án vốn đầu tư tăng 39 lần
Chiều 20-5, QH nghe trình bày báo cáo thẩm tra quyết toán ngân sách nhà nước năm 2017. Trình bày báo cáo thẩm tra, ông Nguyễn Đức Hải , Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH, cho biết vẫn xảy ra tình trạng chấp hành chưa nghiêm quy định trong hoạt động xây dựng và quản lý vốn đầu tư. Có địa phương phê duyệt chủ trương đầu tư chưa đủ thủ tục, chưa đúng thẩm quyền; nghiệm thu, thanh toán tại hầu hết các dự án được kiểm toán đều có sai sót.
Cơ quan thẩm tra cũng đánh giá, tình trạng xác định tổng mức đầu tư chưa chính xác chưa được khắc phục, có dự án điều chỉnh nhiều lần, có dự án điều chỉnh tăng gấp 2 lần, 3 lần tổng mức đầu tư ban đầu, cá biệt có dự án tăng gấp 39 lần. Cụ thể, dự án đầu tư xây dựng tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi điều chỉnh 3 lần; dự án đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh điều chỉnh 6 lần, tăng tổng mức đầu tư hơn 3 lần; dự án Trung tâm Đào tạo cán bộ Ngân hàng Phát triển Việt Nam tại Nha Trang điều chỉnh 4 lần, tổng mức đầu tư tăng hơn 39 lần.
Đang làm rõ việc tăng giá điện
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cho biết trong thời gian tới, Chính phủ kiên định các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Thực hiện phù hợp lộ trình giá thị trường đối với hàng hóa, dịch vụ công thiết yếu; phối hợp chặt chẽ giữa các công cụ chính sách, bảo đảm không ảnh hưởng lớn đến chỉ số giá tiêu dùng, sản xuất kinh doanh và đời sống của người dân. Hiện các cơ quan chức năng đang thanh tra, làm rõ việc tăng giá điện, phương pháp tính và thu tiền điện, bảo đảm công khai, minh bạch, đúng quy định pháp luật.
Thẩm tra báo cáo của Chính phủ sau đó, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH, cho rằng việc tăng giá các mặt hàng đầu vào, nhất là giá xăng dầu, điện, dịch vụ y tế... đã ảnh hưởng tới lạm phát, sản xuất tăng chậm lại. "Đề nghị Chính phủ báo cáo đầy đủ về cơ sở của việc tăng giá bán xăng, điện và tác động tới chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và các mặt KT-XH" - ông Thanh nhấn mạnh.
Bình luận (0)