Ngày 20-10 tại Hà Nội, Quốc hội (QH) khóa XV đã khai mạc kỳ họp thứ 4. Tại ngày làm việc đầu tiên của kỳ họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính trình bày báo cáo kết quả kinh tế - xã hội (KT-XH) năm 2022 và dự kiến kế hoạch năm 2023.
Tăng trưởng GDP ước đạt khoảng 8%
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, dù trong bối cảnh nhiều thách thức, tình hình KT-XH trong 9 tháng phục hồi tích cực và đạt những kết quả quan trọng, khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực; ước cả năm đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Thủ tướng cho biết kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng kinh tế phục hồi tích cực, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm trong điều kiện gặp nhiều khó khăn. Tăng trưởng GDP 9 tháng đạt 8,83%; ước cả năm đạt khoảng 8%, vượt mục tiêu đề ra (6%-6,5%). Thu ngân sách 9 tháng đạt 94% dự toán, tăng 22% so với cùng kỳ; ước cả năm vượt 14,3%.
Việc rà soát, sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế được triển khai tích cực, hiệu quả. Cải cách thủ tục hành chính được đẩy mạnh; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất kinh doanh. Công tác an sinh xã hội được triển khai thiết thực, kịp thời, hiệu quả. Đến nay, đã hỗ trợ khoảng 87.000 tỉ đồng cho gần 56 triệu lượt người dân, người lao động và trên 730.000 lượt người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Các ngân hàng thương mại yếu kém, doanh nghiệp thua lỗ, dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả kéo dài đã và đang được quyết liệt tháo gỡ, xử lý; thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế đạt kết quả tích cực. Trong đó, thu được gần 16.000 tỉ đồng thất thoát, bị chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; thu được trên 22.000 tỉ đồng của các tổ chức tín dụng. Nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia được kiểm soát an toàn.
Tăng trưởng kinh tế của nước ta phục hồi tích cực trong 9 tháng năm 2022. Trong ảnh: Du khách tấp nập trở lại tham quan vịnh Hạ Long Ảnh: TẤN THẠNH
Người đứng đầu Chính phủ dẫn báo cáo cho biết ước tính đến cuối năm 2022, nợ công khoảng 43% - 44% GDP (trần là 60%); nợ Chính phủ khoảng 40%-41% GDP (trần là 50%) và nợ nước ngoài của quốc gia khoảng 40% - 41% GDP (trần là 50%). Dù vậy, Thủ tướng đánh giá ổn định kinh tế vĩ mô đối mặt với nhiều thách thức, sức ép lạm phát lớn, giá xăng, dầu, nguyên vật liệu đầu vào biến động mạnh. Các thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản còn tiềm ẩn rủi ro; việc cơ cấu lại một số tổ chức tín dụng yếu kém còn nhiều khó khăn, hiệu quả chưa cao. Nợ xấu, nợ thuế có xu hướng tăng.
Nhận định tình hình thế giới năm 2023 có thể diễn biến nhanh, khó lường, Chính phủ dự báo tăng trưởng có xu hướng chậm lại; nguy cơ suy thoái kinh tế và rủi ro về tài chính, tiền tệ, nợ công, an ninh năng lượng, lương thực, thông tin gia tăng. Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2023 khoảng 6,5%; chỉ số giá tiêu dùng tăng khoảng 4,5%; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân 5%-6%... Để đạt những mục tiêu này, Chính phủ đưa ra 12 nhiệm vụ, giải pháp. Trong đó, nhiệm vụ đầu tiên được Thủ tướng nhấn mạnh là tiếp tục ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Làm rõ thực trạng cung cấp xăng dầu
Trình bày báo cáo thẩm tra nội dung kết quả báo cáo KT-XH năm 2022, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH, cho biết cơ quan thẩm tra thống nhất định hướng, mục tiêu và chỉ tiêu báo cáo Chính phủ nêu nhưng đề nghị Chính phủ bổ sung cơ sở đề xuất chỉ tiêu tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng CPI bình quân năm 2023 là 4,5%.
"Với áp lực lạm phát dự kiến sẽ ở mức cao trong năm 2023, Chính phủ cần lưu ý các thách thức khi thực hiện chỉ tiêu này" - báo cáo của Ủy ban Kinh tế nêu rõ. Ủy ban Kinh tế ghi nhận điểm sáng khi trong giai đoạn khó khăn, Chính phủ đã vừa tập trung phòng chống, kiểm soát dịch bệnh vừa thúc đẩy phục hồi và phát triển KT-XH. Để nhìn nhận toàn diện tình hình phát triển KT-XH, cơ quan thẩm tra cho rằng còn nhiều vấn đề cần quan tâm. Trong đó, theo ông Vũ Hồng Thanh, dù tình hình lạm phát được kiểm soát nhưng từ đầu năm đến giữa năm, giá xăng dầu trong nước liên tục tăng lên mức kỷ lục, gây ra nhiều khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp và đời sống người dân. Việc tăng giá xăng dầu trong năm qua có nguyên nhân quan trọng từ thiếu hụt nguồn cung trong nước; tỉ lệ chiết khấu không phù hợp, giá mua cao hơn giá bán khiến nhiều doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu thua lỗ, dẫn tới tình trạng nhiều cửa hàng xăng dầu phải thường xuyên đóng cửa hoặc khống chế lượng xăng dầu bán cho khách hàng.
Vì vậy, cơ quan thẩm tra của QH đề nghị làm rõ thực trạng cung cấp xăng dầu, phân tích nguyên nhân cả khách quan lẫn chủ quan trong công tác điều hành giá xăng dầu để rút ra bài học kinh nghiệm và có giải pháp ứng phó kịp thời, phù hợp. Ngoài ra, cũng có ý kiến đề nghị làm rõ tồn tại trong công tác chỉ đạo điều hành và kiểm soát giá các mặt hàng thiết yếu; khi giá xăng dầu giảm, giá cả nhiều mặt hàng vẫn neo cao, đặc biệt là các mặt hàng đầu vào cho sản xuất nông nghiệp, lương thực, thực phẩm ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân.
Theo cơ quan thẩm tra, thị trường chứng khoán dù có tốc độ tăng trưởng nhanh và chia sẻ vai trò huy động vốn trung, dài hạn cho nền kinh tế với thị trường tiền tệ, vẫn tiềm ẩn nhiều biến động, rủi ro. Ủy ban Kinh tế dẫn chứng vừa qua, vụ việc xảy ra tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh, Công ty CP Tập đoàn Đầu tư An Đông và các tổ chức, đơn vị liên quan cùng với những vụ việc khác liên quan đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường chứng khoán… đã và đang gây ra nhiều hệ lụy đối với việc phát triển bền vững thị trường vốn; gây mất niềm tin của người dân và nhà đầu tư. "Có ý kiến đề nghị làm rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, đồng thời có đánh giá thận trọng, chính xác về mức độ ảnh hưởng để có giải pháp phù hợp, bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững của thị trường tiền tệ, thị trường vốn" - ông Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh.
Hôm nay (21-10), QH tiến hành thảo luận, biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc miễn nhiệm Tổng Kiểm toán nhà nước đối với ông Trần Sỹ Thanh; phê chuẩn việc miễn nhiệm Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đối với ông Nguyễn Văn Thể. QH thảo luận, biểu quyết thông qua Nghị quyết bầu Tổng Kiểm toán nhà nước nhiệm kỳ 2021-2026 và thông qua Nghị quyết phê chuẩn bổ nhiệm nhân sự Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ GTVT nhiệm kỳ 2021-2026. QH cũng nghe tờ trình về dự thảo nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ôtô thông qua đấu giá; nghe tờ trình dự thảo nghị quyết của QH về thời hiệu xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức; nghe báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM.
Cần giải pháp để thu hút nhà đầu tư nước ngoài
Trao đổi với báo chí bên hành lang QH về mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5% năm 2023, ĐBQH Hoàng Văn Cường (đoàn TP Hà Nội) đánh giá đây là một thách thức. ĐB Hoàng Văn Cường lý giải năm 2022, Việt Nam có môi trường phát triển khá thuận lợi, tốc độ tăng trưởng cao. Vì vậy, năm 2023 tăng trưởng 6,5% so với năm 2022 là rất khó. Tuy nhiên, nếu duy trì tốt ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì được thị trường trong nước, thị trường thế giới có khủng hoảng thì thị trường trong nước cũng là cột trụ tốt. "Việc có thêm những giải pháp để thu hút nhà đầu tư nước ngoài cũng là một trong những biện pháp để có thể đạt được chỉ tiêu đề ra" - ông Cường nhấn mạnh.
Kỳ vọng vào những quyết sách của Quốc hội
Đại biểu QH Nguyễn Hải Anh (Đồng Tháp) cho rằng kết quả KT-XH 9 tháng năm 2022 của đất nước là đặc biệt tích cực và điều này là cơ sở vững chắc để kỳ vọng vào những thành tựu tăng trưởng ấn tượng của Việt Nam trong cả năm 2022. Tuy nhiên, bối cảnh hiện nay đang đặt ra nhiều thách thức. Cùng với những biến động nhanh, phức tạp của tình hình thế giới, khu vực, kinh tế nước ta cũng đang phải chịu những áp lực lớn. Do đó, việc tìm giải pháp, có quyết sách kịp thời tháo gỡ, nhằm khắc phục những hạn chế trong phát triển kinh tế là rất cấp thiết. Bên cạnh đó, các nhiệm vụ về công tác bảo đảm an sinh xã hội, giáo dục, y tế... cũng cần tiếp tục được chú trọng đẩy mạnh và nâng cao hơn nữa.
Kỳ họp thứ 4 diễn ra ngay sau thành công hết sức tốt đẹp của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XIII. Theo yêu cầu của Chủ tịch QH Vương Đình Huệ "phải tiếp tục lan tỏa tinh thần, thành công của Hội nghị Trung ương 6, đưa ra những quyết sách đúng đắn về lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước", ĐB Nguyễn Thanh Hải kỳ vọng và tin tưởng vào sự thành công của kỳ họp. Các đại biểu bày tỏ sự quyết tâm, tích cực nghiên cứu, thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, sâu sắc, chất lượng; chất vấn đúng và trúng các vấn đề trọng tâm... góp phần đưa ra các quyết sách đúng đắn trên cơ sở lợi ích của dân tộc và nhân dân.
Bình luận (0)