Thảo luận tổ về tình hình kinh tế - xã hội tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội (QH) khóa XV diễn ra sáng 21-10, nhiều đại biểu (ĐB) cho rằng cần có các gói kích cầu kinh tế đủ mạnh; cần hạn chế tối đa đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng, lao động và phải bảo đảm an sinh cho người dân.
Dựa vào sức dân và xã hội hóa
Về dịch Covid-19, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ chúng ta đã trải qua 4 đợt dịch, có sự cố gắng rất lớn của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân; đặc biệt là ngành y tế, quân đội, công an ở tuyến đầu. Trong đó, ngành y tế xông pha "trận mạc" nhiều nhất, vất vả nhất.
"Tấm lòng của người dân, doanh nghiệp (DN), công trạng của nhân dân vô cùng lớn. Chúng ta phải biểu dương, trân trọng, dựa vào sức dân, dựa vào xã hội hóa để hỗ trợ công tác khám chữa bệnh" - Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Chủ tịch nước lưu ý vừa qua, không khí làm ăn của các DN trên cả nước rất tốt nhưng chúng ta mới mở cửa từng bước. Bên cạnh nhiều tấm gương như Quảng Ninh, Hải Phòng, Vĩnh Phúc..., một số địa phương khác cũng vươn lên mạnh mẽ như các tỉnh Đông Nam Bộ, trong đó có TP HCM, với chương trình tái thiết kinh tế hết sức quyết liệt nên bước đầu nhiều người lao động (NLĐ) đã quay lại làm việc.
Các đại biểu Quốc hội thảo luận tổ về kinh tế - xã hội, sáng 21-10. Ảnh: NGUYỄN NAM
"Với không khí sản xuất, lao động, với quyết tâm của cả hệ thống chính trị, cùng những trào lưu vốn các nước đổ vào Việt Nam, tôi tin nền kinh tế Việt Nam sẽ trở lại phong độ mới, đạt mục tiêu Chính phủ đã báo cáo QH. Đặc biệt năm 2022, chúng ta có thể phấn đấu tăng trưởng 6%-6,5% GDP" - Chủ tịch nước nói.
Về cải cách tiền lương cho công chức, viên chức, Chủ tịch nước cho biết lẽ ra năm 2021 tăng lương một bước. Tuy nhiên, do chúng ta vừa trải qua đợt dịch bệnh, đặc biệt là TP HCM và một số tỉnh, thành nên đã dành để chi cho công tác phòng chống dịch. Bên cạnh đó, dân đang khó khăn, nhất là công nhân, nông dân, lượng người thiếu việc làm rất lớn. Vì vậy, đề nghị chưa nâng lương cho công chức, viên chức. Tuy nhiên, phải có chính sách hỗ trợ, nâng lương 1 bước cho những người về hưu trước năm 1995, vì số người này lương quá thấp.
Bảo đảm nền tảng vĩ mô tốt
Cũng phát biểu tại tổ, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh phòng chống dịch Covid-19 là vấn đề quan tâm nhất của cử tri, ĐBQH và của toàn dân. Trong báo cáo, Chính phủ đã đề cập việc bất ngờ với biến chủng Delta. Cả thế giới bất ngờ, không riêng Việt Nam.
Theo Thủ tướng, thời gian qua, Chính phủ đã tổng kết, ban hành Nghị quyết 128 để thích ứng với tình hình mới, Bộ Y tế cũng đã có hướng dẫn tạm thời.
Về một số vấn đề liên quan nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, Thủ tướng nhấn mạnh phải bảo đảm nền tảng vĩ mô tốt, "để làm sao vừa giải quyết khó khăn trước mắt vừa bảo đảm lâu dài, chứ không phải nóng vội trước mắt mà không nghĩ đến đoạn đường dài, sau này giải quyết hậu quả" - Thủ tướng lưu ý.
Lãnh đạo Chính phủ cho rằng phải tính toán làm sao để nợ công không tăng quá nhiều, bội chi ngân sách cần hợp lý. Điều chỉnh theo hướng cần tập trung cho phòng chống dịch bệnh, phải đưa ra chiến lược vắc-xin, vận động vắc-xin, tập trung nâng cao năng lực y tế cơ sở. Bên cạnh đó, tập trung cho an sinh xã hội để người dân không thiếu ăn thiếu mặc; tập trung cho DN để có thêm "sức khỏe", điều kiện hồi phục, phát triển.
Góp ý vào dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, ĐBQH Phan Đức Hiếu (Thái Bình) - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của QH, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) - kiến nghị trong báo cáo của Chính phủ cần phân tích rõ nét hơn bối cảnh quốc tế và trong nước tác động như thế nào đến phát kinh tế - xã hội năm 2022. Cụ thể là cần có đánh giá về sức chống chọi của DN Việt Nam; phân tích những khó khăn lớn nhất mà DN phải đối mặt hiện nay; vấn đề đứt gãy chuỗi cung ứng.
ĐB Phan Đức Hiếu đồng tình với 12 nhóm giải pháp Chính phủ đề xuất, song vẫn cần lưu ý về sự cần thiết của chiến lược hay kế hoạch phục hồi, phát triển kinh tế. Ông kiến nghị Chính phủ cần sớm ban hành chiến lược phục hồi này ngay trong năm 2021, bởi đây còn là cam kết rất cao của Chính phủ nhằm khơi dậy niềm tin của các nhà đầu tư cùng chung sức phục hồi, phát triển kinh tế.
"Chính phủ cần nêu rõ và khắc phục những hạn chế trong khâu tổ chức, thực hiện các nghị quyết, đặc biệt là Nghị quyết 105/NQ-CP về hỗ trợ DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh Covid-19" - ông Hiếu nói.
ĐBQH Nguyễn Văn Hiển (Lâm Đồng) cho rằng Chính phủ cần xác định nguồn lực dành cho phòng chống dịch và phục hồi nền kinh tế trong năm 2022 là bao nhiêu. Các chuyên gia nhận định nguồn lực này cần dành ra 3%-4% GDP mới đủ để phục hồi nhanh nền kinh tế. Dù vậy, Chính phủ chưa có con số rõ ràng. Mặt khác, nếu chi 3%-4% GDP cho công tác phòng chống dịch và phục hồi kinh tế thì sẽ vượt mức bội chi do Chính phủ đề ra.
"Chúng ta có chấp nhận vượt mức bội chi để phục hồi nhanh nền kinh tế, hay đi theo giải pháp an toàn là không vượt trần bội chi nhưng chính sách nhỏ giọt và phục hồi hậu Covid-19 sẽ mất nhiều thời gian hơn?" - ông Nguyễn Văn Hiển đặt vấn đề.
Đối với giải pháp tăng thu, giảm chi, ông Nguyễn Văn Hiển nhận xét giảm chi thực sự rất khó nhưng tăng thu cần lưu ý các vấn đề đã được nói đi nói lại nhiều lần mà vẫn chưa khắc phục được. Đó là thoái vốn, cổ phần hóa DN nhà nước. Đối với các nguồn thu từ thuế và phí, phải khắc phục cho được tình trạng chuyển nguồn, trốn thuế, gian lận thuế... Tăng cường thực thi pháp luật tốt mới là giải pháp tăng thu tốt nhất.
ĐB Hoàng Văn Cường (Hà Nội), Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, đồng thuận với chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới là 6%-6,5% nhưng ông cho rằng việc phục hồi nền kinh tế trong quý IV/2021 không giống như năm 2020, vì tác động từ dịch bệnh. Việc mở cửa nền kinh tế phải an toàn chứ không thể bứt phá ngay, vì nhiều DN đang gặp khó khăn về nguồn lực. Để tháo gỡ khó khăn cho họ, Chính phủ cần có sự hỗ trợ hơn nữa.
ĐB Vũ Thị Lưu Mai, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH, đề nghị Chính phủ cần có sự đánh giá tổng thể để phân tích những kết quả đạt được cũng như hạn chế đối với công tác hỗ trợ DN, đối tượng được thụ hưởng từ các gói hỗ trợ. Việc này là để xem xét các địa phương triển khai gói hỗ trợ có đúng đối tượng, còn điều gì bất cập không? Chính sách miễn, giảm thuế cho DN cũng cần được đánh giá xem đã triển khai đến đâu, có vướng mắc gì không?
Hôm nay, 22-10, QH thảo luận ở tổ về: Dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hải Phòng và các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Thừa Thiên - Huế; thảo luận về tình hình thực hiện chính sách, chế độ BHXH, quản lý và sử dụng Quỹ BHXH năm 2020, việc quản lý và sử dụng Quỹ BHYT năm 2020.
Đề cao cảnh giác với dịch Covid-19
Theo Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Bộ Y tế nói không thể có "zero Covid-19" mà phải thích ứng, với điều kiện tiên quyết là vắc-xin và 5K. Do đó, tuyệt đối không được chủ quan, đơn giản hóa mà phải đề cao cảnh giác để có giải pháp ứng phó kịp thời. Chúng ta không thể đóng cửa đất nước mãi. Các nước họ đều mở cửa, mình cũng vậy, để giải quyết việc làm, thu nhập, phát triển kinh tế - xã hội nhưng bên cạnh đó đề cao cảnh giác vì dịch Covid-19 vẫn đang đe dọa.
Việt Nam sẽ chủ động vắc-xin vào năm 2022
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng chúng ta phải chấp nhận một thực tế là virus SARS-CoV-2 ngày càng nhiều biến thể và không thể triệt tiêu hoàn toàn mầm bệnh. Chúng ta cũng không thể đưa số ca nhiễm của TP HCM hay các tỉnh, thành khác về con số 0 vì điều này là rất khó khăn. Chúng ta phải chấp nhận tỉ lệ nào đó nhưng cần kiểm soát được tình hình tử vong. Để làm được điều đó, phải bảo đảm được 3 tiêu chí: Tỉ lệ bao phủ vắc-xin, chỉ số về mức độ lây nhiễm và chỉ số đáp ứng của hệ thống y tế.
Việt Nam sẽ tham khảo, học hỏi và nghiên cứu để từng bước mở rộng đối tượng tiêm vắc-xin cho người 12-17 tuổi, năm 2022 có thể mở rộng thêm tiêm vắc-xin cho trẻ trên 3 tuổi. Bằng việc chuyển giao công nghệ và nghiên cứu sản xuất vắc-xin trong nước, Việt Nam sẽ chủ động vắc-xin vào năm 2022.
Cần lo cho người lao động quay trở lại làm việc
Quan tâm đến làn sóng NLĐ về quê trong bối cảnh đại dịch Covid-19, thảo luận tại tổ, ĐBQH Lâm Văn Đoan (Lâm Đồng) đặt vấn đề QH, Chính phủ sẽ làm gì để kích thích NLĐ quay trở lại thị trường lao động? Theo hầu hết ĐB, có 2 vấn đề đặt ra là lương và an sinh xã hội cho NLĐ.
Theo ĐB Đinh Ngọc Quý (Gia Lai), Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội của QH, 2 năm qua, với tác động của dịch Covid-19, Chính phủ, QH đã ban hành các chính sách hỗ trợ NLĐ, trong đó có những chính sách trực tiếp, gián tiếp với DN như miễn giảm phí, chế độ bảo hiểm... Tuy nhiên, thực tế cho thấy NLĐ từ các tỉnh, thành phía Nam trở về quê khá lớn. Các chính sách hỗ trợ của chúng ta khá đúng, trúng nhưng với nguồn lực hạn chế nên chưa đủ để NLĐ trang trải cuộc sống hằng ngày. Ngoài ra, họ còn thuê nhà trọ, chăm con cái, gia đình, mà gói hỗ trợ cũng chỉ có mức độ.
ĐB Ngô Trung Thành, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, lo ngại đứt gãy nguồn lao động khi lượng người dân về quê rất lớn. Ông đề nghị Chính phủ có chiến lược, kế hoạch đưa NLĐ trở lại. "Cần có chính sách hỗ trợ, thậm chí là đón NLĐ trở lại; tạo nơi ăn chốn ở, điều kiện học hành cho con cái họ mới hy vọng nối lại chuỗi sản xuất" - ông Thành góp ý.
Đại biểu Phan Đức Hiếu (Thái Bình) đề nghị Chính phủ cần sớm ban hành chiến lược phục hồi kinh tế ngay trong năm 2021
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) Đào Ngọc Dung cho biết trong bối cảnh giãn cách xã hội do dịch bệnh, ông đã 3 lần đi cùng Thủ tướng kiểm tra ở TP HCM và các tỉnh Đông Nam Bộ. "Chúng ta không thể hình dung hết những khó khăn là như thế nào. Nhưng phải nói là rất biết ơn người dân TP HCM đã hy sinh những vấn đề cá nhân trong thời gian giãn cách xã hội. Các cán bộ tổ dân phố đã đến từng nhà, từng ngõ để hỗ trợ người dân" - ông nói.
Tuy nhiên, do số lượng người cần hỗ trợ rất lớn, lên đến hàng chục triệu người cùng lúc, trong điều kiện giãn cách xã hội, dẫn đến việc tổ chức thực hiện chỗ này, chỗ kia vươn chưa tới. Do vậy, còn một bộ phận người dân chưa được nhận hoặc chậm được nhận hỗ trợ. "Đây là những cái chúng tôi rất lưu ý. Trên có sở đó, Bộ LĐ-TB-XH sẽ tổ chức 12 đoàn đi hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc để tiếp tục thực hiện việc này; đặc biệt là triển khai chính sách phục hồi lao động" - Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH cho biết.
Theo ông Đào Ngọc Dung, ngành LĐ-TB-XH đã xây dựng chương trình phục hồi thị trường lao động. Hiện nay, có 4 loại hình lao động: khu vực FDI, khu vực sản xuất công nghiệp, khu vực sản xuất ngoài khu công nghiệp và lao động tự do. Vừa qua, việc dịch chuyển lao động hầu như rơi vào nhóm lao động ngoài khu công nghiệp, lao động tự do vì đều rất khó khăn.
"Chương trình phục hồi và phát triển thị trường lao động sẽ được tích hợp một nhánh trong chương trình phục hồi phát triển kinh tế. Trong trường hợp căng thẳng thị trường lao động, chúng ta đã có cả phương án để có thể cung cấp khoảng 200.000 lao động mới" - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho hay.
Bình luận (0)