Ngày 2-12, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11-2021 để đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH); thảo luận về dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH, dự toán ngân sách nhà nước năm 2022.
Khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ
Mở đầu phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh sau gần 2 tháng thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP, hiện tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc, kinh tế dần phục hồi, có nhiều điểm sáng. Chính phủ và các cơ quan liên quan đang tích cực hoàn thành dự thảo đề án về Chiến lược tổng thể phòng chống dịch Covid-19 và dự thảo đề án về Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH trong điều kiện có dịch Covid-19.
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, những ngày qua, tình hình mưa lũ ở các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên diễn biến phức tạp, gây hậu quả nghiêm trọng. Thủ tướng Chính phủ gửi lời chia buồn sâu sắc tới các gia đình có người thiệt mạng; chia sẻ với những mất mát, khó khăn của Đảng bộ, chính quyền và người dân. Thủ tướng yêu cầu các ngành, địa phương thực hiện nghiêm Công điện số 1659/CĐ-TTg về việc tập trung ứng phó và khắc phục hậu quả mưa lũ.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ vào ngày 2-12 Ảnh: NHẬT BẮC
Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại phiên họp nêu rõ KT-XH tháng 11 có nhiều chuyển biến tích cực. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát ở mức thấp; các cân đối lớn được bảo đảm. Thị trường tiền tệ cơ bản ổn định, tiếp tục duy trì mặt bằng lãi suất cho vay thấp để hỗ trợ doanh nghiệp (DN), người dân; cân đối ngân sách nhà nước bảo đảm. Đến nay, đã thực hiện miễn, giảm, gia hạn nộp thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất cho gần 120.000 DN, 20.000 hộ cá nhân kinh doanh với tổng số tiền khoảng 118.000 tỉ đồng.
Đánh giá thêm về tình hình KT-XH, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhắc đến việc xuất nhập khẩu đạt gần 600 tỉ USD, xuất siêu trở lại, các nhu cầu về năng lượng, lương thực, thực phẩm được đáp ứng đầy đủ, thị trường lao động từng bước phục hồi rất nhanh. Một số vấn đề tồn đọng kéo dài nhiều năm đã được giải quyết dứt điểm như đưa dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đi vào khai thác, báo cáo cấp có thẩm quyền phương án xử lý nhiều dự án thua lỗ, tổ chức tín dụng yếu kém.
Tại phiên họp, các ý kiến thảo luận của thành viên Chính phủ đã thẳng thắn nhìn nhận dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp và dự báo còn phức tạp hơn trước do nguy cơ xâm nhập biến chủng Omicron; số ca mắc và tử vong do Covid-19 có xu hướng tăng. KT-XH vẫn tiềm ẩn bất ổn như nguy cơ lạm phát, nợ công, chứng khoán, bất động sản, giải ngân vốn đầu tư công…
Thúc đẩy sản xuất vắc-xin trong nước
Nhấn mạnh dịch bệnh còn diễn biến khó lường, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương kiên trì thực hiện chủ trương thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.
Về nhiệm vụ tiêm vắc-xin, Thủ tướng cho rằng phải có kế hoạch rất cụ thể, chi tiết để bảo đảm tới giữa tháng 12, cơ bản tiêm đủ 2 mũi cho toàn bộ dân số từ 18 tuổi trở lên; tiếp tục tiêm cho người từ 12 tuổi. Cùng với việc tiêm vắc-xin cho trẻ em, cần có kế hoạch cụ thể, chuẩn bị kỹ các điều kiện cho việc mở cửa trường học trở lại, bảo đảm an toàn, đáp ứng yêu cầu của công tác phòng chống dịch Covid-19 trong tình hình mới.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành liên quan, địa phương xây dựng kế hoạch phù hợp và triển khai tiêm mũi thứ 3. Tiếp tục thúc đẩy việc sản xuất vắc-xin trong nước và nhập khẩu vắc-xin, tổ chức tiêm an toàn, khoa học, hợp lý, hiệu quả.
Thủ tướng yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ DN; bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo cho người yếu thế, người nghèo, chuẩn bị cho nhân dân đón Tết ấm áp, vui tươi, lành mạnh, an toàn.
Qua thảo luận tại phiên họp, Chính phủ cơ bản thống nhất những nội dung chủ yếu của dự thảo Nghị quyết về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và dự toán ngân sách nhà nước năm 2022.
Hài hòa phát triển kinh tế, văn hóa và môi trường
Ngoài các yêu cầu về phát triển kinh tế, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành chú trọng thể chế hóa các nhiệm vụ, giải pháp được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề ra tại hội nghị toàn quốc về văn hóa để xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong thời kỳ mới. Thủ tướng nhấn mạnh bổ sung quan điểm hài hòa giữa kinh tế, văn hóa, môi trường, phát triển hợp lý, cân bằng giữa công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ phù hợp với tình hình, bối cảnh mới.
Bình luận (0)