Ngày 10-7, kỳ họp thứ 20 HĐND TP HCM khóa IX nhiệm kỳ 2016-2021 tiếp tục diễn ra ngày làm việc thứ 2 với phiên thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế - văn hóa - xã hội 6 tháng đầu năm 2020.
Yêu cầu thu phí đối với chủ đầu tư nhà cao tầng
Một trong những vấn đề gây nhiều bức xúc cho người dân được đại biểu (ĐB) quan tâm tại phiên thảo luận vẫn là chuyện ngập nước. ĐB Trần Quang Thắng cho rằng có nhiều nguyên nhân gây ngập nước, trong đó có việc ào ạt xây nhà cao tầng. Điển hình như ở đường Nguyễn Hữu Cảnh, quận Bình Thạnh với rất nhiều khu chung cư cao tầng nên khi mưa lớn là ngập vì vậy việc khắc phục vô cùng tốn kém. Đồng tình, ĐB Huỳnh Đăng Linh cho biết mỗi lần ông tiếp xúc cử tri ở quận Phú Nhuận, Bình Thạnh là cử tri bức xúc về nhà cao tầng gây ngập ở đường Nguyễn Hữu Cảnh.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP HCM Võ Văn Hoan, UBND TP đang yêu cầu những khu đô thị mới từ 50-100 ha trở lên phải có hồ điều tiết để chống ngậpẢnh: LÊ VĨNH
ĐB Trần Quang Thắng cho rằng xu hướng xây nhà cao tầng là phù hợp trong bối cảnh "đất chật người đông" như TP nhưng chủ đầu tư xây nhà cao tầng cần có trách nhiệm đóng phí để giảm thiểu tình trạng này. Đây sẽ là nguồn kinh phí dự phòng để TP giải quyết các vấn đề về ngập lụt. Nói rõ hơn về đề xuất của mình, ĐB Trần Quang Thắng đề xuất việc thu phí không cào bằng mà nên thu theo địa hình, đặc điểm, tính đẳng cấp của tòa nhà cao tầng đó. Tính đẳng cấp càng cao thì phí càng phải cao như khu đường Nguyễn Hữu Cảnh. Còn những khu chung cư mà người thu nhập thấp, nhà ở xã hội thì chỉ lấy phí tượng trưng. "Thu phí nhà cao tầng thì vấn đề chống ngập nước chắc chắn sẽ tốt hơn. Vì khi thu phí, nhà đầu tư sẽ có nghĩa vụ làm hệ thống cống thoát nước tốt hơn để tự bảo vệ mình và bảo vệ cư dân trong tòa nhà cao tầng đó" - ĐB Trần Quang Thắng nêu quan điểm.
Trước đề xuất của ĐB, Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan cho hay UBND TP đang yêu cầu tất cả nhà đầu tư xây dựng những khu đô thị mới từ 50-100 ha trở lên phải có hồ điều tiết. Những dự án, công trình ven sông hoặc lân cận sông có thể liên kết với sông, rạch gần đó để tạo ra hệ thống thoát nước tự nhiên. Dẫn kinh nghiệm ở Thủ Thiêm, Phó Chủ tịch UBND TP thông tin TP đã dành hơn 100 ha đất ở khu vực này làm vùng ngập tự nhiên. Đến nay, khu vực này đã phát huy tác dụng.
Đầu nậu chưa bị xử, nhà dân đã bị cưỡng chế
Một vấn đề khác bức xúc không kém là việc đầu nậu đất lộng hành cũng được ĐB đề cập. ĐB Nguyễn Thị Tố Trâm nhắc lại việc Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân trực tiếp thị sát những vi phạm xây dựng tại huyện Bình Chánh hồi tháng 5-2020 và chỉ đạo xử lý nghiêm cán bộ, công chức tiếp tay; xử lý các đầu nậu, bảo kê nếu có dấu hiệu tội phạm thì khởi tố hình sự… "Vậy huyện Bình Chánh đã xem xét và xử lý những cán bộ tiếp tay cho vi phạm xây dựng theo chỉ đạo của Bí thư Thành ủy TP HCM? Việc xử lý 38 đầu nậu, "cò" đất, bảo kê xây dựng đã được thực hiện thế nào và đã khởi tố hình sự trường hợp nào chưa?" - ĐB Nguyễn Thị Tố Trâm đặt câu hỏi.
Nói tiếp về câu chuyện đất đai, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng có tình trạng buông lỏng trong công tác quản lý của chính quyền để đầu nậu lộng hành. Đầu nậu thu gom đất rồi phân lô bán lại cho người dân. Rõ ràng có chuyện người dân không nắm quy định pháp luật. Người dân cũng ham rẻ nên mua và xây nhà. Nhưng khi phát hiện sai phạm, chúng ta cưỡng chế nhà của người dân. "Người dân họ sai thì rõ rồi, họ phải chịu. Nhưng câu chuyện ở đây là hầu hết chính quyền chưa xử lý được đầu nậu và trách nhiệm của nhà nước trong việc lo nhà ở cho người dân thì sao, phải tính toán để người dân có chỗ ở khác" - ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm trăn trở.
Trả lời vấn đề ĐB đặt ra, Giám đốc Sở Xây dựng Lê Hòa Bình cho biết trong 6 tháng đầu năm đã nhận được 261 phản ánh, trong đó có 194 về trật tự xây dựng. Đây là cơ sở để các cấp tiến hành kiểm tra, xử lý.
Cần đấu thầu công khai các tuyến xe buýt trợ giá
Liên quan đến câu chuyện xe buýt, ĐB Nguyễn Thị Tố Trâm nói ngân sách trợ giá xe buýt tăng từng năm, trung bình mỗi năm cả ngàn tỉ đồng nhưng chất lượng xe buýt và số lượng hành khách thì ngày càng giảm. Tính từ năm 2018 đến nay, có 11/105 tuyến xe buýt ở TP có trợ giá phải ngưng hoạt động vì nhu cầu đi lại thấp, không hiệu quả. Trong khi đó, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) vừa có đề xuất tăng dự toán chi ngân sách trợ giá xe buýt năm 2020 thêm 161 tỉ đồng. "Nguồn tiền trợ giá nằm ở ngân hàng, đơn vị vận tải xe buýt thì chưa nhận được, còn Sở GTVT thì xin thêm tiền trợ giá" - ĐB Nguyễn Thị Tố Trâm chỉ ra nghịch lý. ĐB này chất vấn: "Sở GTVT lý giải thế nào về tình trạng này? Có nên duy trì cách thức trợ giá như hiện nay hay cần sớm đấu thầu các tuyến trợ giá để công bằng, minh bạch?".
Trả lời, Giám đốc Sở GTVT Trần Quang Lâm nhấn mạnh thời gian đi lại chính là nguyên nhân. Dẫn chứng tại các TP lớn trên thế giới, thời gian di chuyển từ ngoại ô vào nội đô chỉ mất khoảng 45 phút. Trong khi đó, nếu đi từ vùng ngoại thành như Củ Chi hay Bình Chánh về quận 1 phải mất trung bình 61 phút. Giám đốc Sở GTVT cũng chỉ ra từ năm 2005 đến nay, tốc độ phát triển phương tiện giao thông cá nhân cơ giới là 7%, riêng ôtô là 17%. "Trong khi đó, mạng lưới giao thông 10 năm qua chỉ tăng 0,3%" - Giám đốc Sở GTVT lý giải và cho rằng để rút ngắn thời gian di chuyển của xe buýt cần phát triển cả kết cấu hạ tầng và vận tải công cộng.
Về lý do đề xuất tăng mức trợ giá, ông Trần Quang Lâm nói giai đoạn 2011-2012 xe buýt phát triển tốt nhưng gần đây TP giao trợ giá 1.000 tỉ đồng nhưng chi phí khấu hao phương tiện tăng, lương tăng. Do đó, cần điều chỉnh lại mức trợ giá để phát triển. Lãnh đạo ngành giao thông TP cũng cho biết năm nay sẽ đấu thầu 40 tuyến kết hợp với đưa thẻ vé thông minh vào hoạt động để quản lý hiệu quả. Sở GTVT đặt mục tiêu đến năm 2025, 100% phương tiện xe công cộng phải có hệ thống này. Hiện 13 tuyến với 210 xe đã thí điểm việc sử dụng thẻ vé.
Vì sao phải giảm gần 2.300 cán bộ?
Ở phiên thảo luận tại hội trường, Giám đốc Sở Nội vụ Trương Văn Lắm đã giải đáp băn khoăn của ĐB về việc TP cắt giảm gần 2.300 cán bộ không chuyên trách xã, phường, thị trấn. Giám đốc Sở Nội vụ cho biết TP có 6.787 cán bộ không chuyên trách ở phường, xã, thị trấn. Thực hiện Nghị định số 34/2019 của Chính phủ thì TP sẽ dôi dư 2.299 người.
Theo ông Trương Văn Lắm, Sở Nội vụ cũng rất quan tâm và thấu hiểu việc này nên trong quá trình chuẩn bị tờ trình đã nhiều lần lấy ý kiến các sở, ngành, quận, huyện và đặc biệt là xin ý kiến trung ương. Trong đó, Sở Nội vụ và UBND TP đã kiến nghị Bộ Nội vụ những vấn đề có tính chất đặc thù của TP, đặc biệt là yếu tố dân số rất đông. "TP kiến nghị nhiều lần nhưng trung ương giải thích rằng yếu tố dân số là một trong những tiêu chí để xác định phân loại phường, xã chứ không cho phép tăng số lượng cán bộ không chuyên trách" - ông Trương Văn Lắm nói. Ông cho biết thời gian đầu có thể sẽ khó khăn nhưng quy định của trung ương đòi hỏi TP phải chấp hành một cách nghiêm túc.
Thông qua nghị quyết về dự án giao thông trọng điểm
Chiều cùng ngày, các ĐB đã thông qua Nghị quyết về công tác thực hiện các dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn TP HCM.
Theo đó, HĐND TP giao UBND TP nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong việc thực hiện các dự án giao thông trọng điểm. Cụ thể, tích cực chỉ đạo hoàn thành đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn TP đến năm 2030; tổ chức rà soát, điều chỉnh các đồ án quy hoạch phù hợp thực tế, bảo đảm đồng bộ với quy hoạch phát triển giao thông vận tải TP; cần quyết liệt hơn trong chỉ đạo, điều hành, quy định cơ chế trách nhiệm rõ ràng, cụ thể giữa các sở, ban, ngành, quận, huyện. Đồng thời tập trung giải quyết dứt điểm các dự án kéo dài nhiều năm; xây dựng cơ chế, chính sách, thủ tục nhằm tăng cường hiệu quả triển khai thực hiện các dự án giao thông.
Bình luận (0)