Ngày 30-10, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chứng kiến lễ ký kết các hợp đồng liên quan và triển khai chuỗi dự án khí - điện Lô B giữa Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam - PVN) cùng các đối tác trong nước, Nhật Bản và Thái Lan.
20 năm theo đuổi
Tổng Giám đốc PVN Lê Mạnh Hùng cho biết chuỗi dự án khí điện Lô B là chuỗi dự án khí - điện nội địa bao gồm: Dự án phát triển mỏ Lô B (thượng nguồn); dự án đường ống Lô B - Ô Môn (trung nguồn) và 4 nhà máy điện khí tại Trung tâm Điện lực Ô Môn (I, II, III, IV) ở hạ nguồn tại TP Cần Thơ, với quy mô đầu tư gần 12 tỉ USD.
Sản lượng khai thác khí dự kiến khoảng 5,06 tỉ m3 khí/năm, cung cấp cho tổ hợp 4 nhà máy điện tại Trung tâm Điện lực Ô Môn với tổng công suất lắp đặt dự kiến lên đến 3.800 MW. Đây là dự án trọng điểm, đem lại nguồn thu rất lớn cho nhà nước với trên 30 tỉ USD và các bên đầu tư là hơn 11 tỉ USD; đồng thời góp phần củng cố an ninh, quốc phòng, khẳng định chủ quyền biển đảo. Ngoài ra, các dự án thành phần thuộc chuỗi dự án trong quá trình xây dựng sẽ tạo thêm cơ sở hạ tầng, hàng ngàn việc làm, sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế của nhiều địa phương.
Tại buổi lễ, PVN và các đối tác đã tiến hành ký kết các văn bản quan trọng: Thỏa thuận khung Lô B; Biên bản thống nhất nội dung Hợp đồng bán khí Ô Môn I; Trao thầu Hợp đồng EPC#1. Đây là sự kiện tạo tiền đề để PVN và các đối tác tiếp tục triển khai các dự án thành phần trong thời gian tới.
Theo ông Lê Mạnh Hùng, sự kiện này đánh dấu bước tiến quan trọng của chuỗi dự án trọng điểm đã kéo dài gần 20 năm. Chuỗi dự án khí điện Lô B - Ô Môn trải qua nhiều lần đàm phán khó khăn, giằng co giữa các đối tác trong và ngoài nước, quá trình chuẩn bị đầu tư với rất nhiều vướng mắc trong cơ chế, chính sách, trình tự, thủ tục... "Đến tháng 6-2023, nhận thấy những khó khăn tại dự án điện khí Ô Môn III và IV, Thủ tướng đã quyết định để PVN chính thức là chủ đầu tư tiếp tục triển khai 2 dự án này. Đây là quyết sách rất chiến lược" - ông Hùng nói.
Lãnh đạo PVN cam kết với tinh thần "Một đội ngũ - Một mục tiêu", toàn chuỗi dự án khí điện Lô B sẽ đi vào triển khai đồng bộ và hoàn thành trong thời gian sớm nhất, đáp ứng nguồn năng lượng cho phát triển kinh tế - xã hội đất nước, mang lại lợi ích cho các bên tham gia.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chứng kiến lễ ký kết hợp đồng liên quan và triển khai chuỗi dự án khí - điện có quy mô đầu tư 12 tỉ USD Ảnh: Nhật Bắc
Công trình với nhiều mục tiêu lớn
Tại lễ ký kết, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng chuỗi dự án khí điện Lô B - Ô Môn có vai trò quan trọng trong chiến lược cân đối cung cầu, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, chuyển đổi năng lượng xanh và phát triển kinh tế - xã hội.
Theo Thủ tướng, chuỗi dự án khi đi vào hoạt động sẽ đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước, đem lại lợi nhuận, hiệu quả đầu tư cho các nhà đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực ĐBSCL, nhất là tại Cà Mau, Kiên Giang và Cần Thơ, tạo ra nhiều công ăn việc làm cho lực lượng lao động trong ngành dầu khí và lao động khu vực ĐBSCL. Chuỗi dự án khi triển khai cũng sẽ đóng vai trò quan trọng, tạo ra nguồn lực lớn trong lộ trình thực hiện đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050 theo cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26. "Việc sớm triển khai chuỗi dự án để có các công trình như những "ngọn hải đăng" trên biển sẽ đóng vai trò quan trọng trong công tác an ninh quốc phòng, bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam" - Thủ tướng nhấn mạnh.
Người đứng đầu Chính phủ đánh giá cao sự cố gắng, nỗ lực của PVN và các đối tác đầu tư; sự hỗ trợ, giải quyết kịp thời của Bộ Công Thương, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, các bộ, ngành, địa phương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam trong việc thúc đẩy, tổ chức thực hiện chuỗi dự án. Thủ tướng cũng đánh giá cao nỗ lực, quyết tâm của các bên liên quan trong đàm phán, phát triển dự án, tìm kiếm các giải pháp phù hợp trên những chặng đường hiện thực hóa các mục tiêu phát triển ngành dầu khí Việt Nam và Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050.
Thủ tướng nêu rõ Chính phủ Việt Nam rất chú trọng tới việc phát triển bền vững ngành dầu khí Việt Nam, nhất là phát triển công nghiệp khí. Trong đó, khuyến khích việc đầu tư khai thác dầu khí trên thềm lục địa Việt Nam, nhất là vùng nước sâu, xa bờ; ưu tiên đưa khí tự nhiên khai thác từ thềm lục địa Việt Nam về cho sản xuất điện và công nghiệp, dân dụng. "Chính phủ Việt Nam đã, đang và sẽ tạo điều kiện thuận lợi, ủng hộ, khuyến khích các hoạt động của PVN và các các nhà đầu tư trong và ngoài nước, các tập đoàn, công ty trong lĩnh vực dịch vụ trên cơ sở bảo đảm hài hòa lợi ích hợp pháp, chính đáng của các bên" - Thủ tướng khẳng định.
Đối với các bên đối tác Nhật Bản, Thái Lan, các nhà thầu cung cấp dịch vụ dầu khí Việt Nam và quốc tế, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam mong các bên cùng hỗ trợ, phối hợp với PVN để triển khai các công việc đầy khó khăn và thách thức trong giai đoạn tiếp theo. Thủ tướng tin tưởng chuỗi dự án sẽ được triển khai theo kế hoạch, góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành dầu khí Việt Nam, sự phát triển nhanh và bền vững của khu vực ĐBSCL và góp phần củng cố, tăng cường quan hệ của Việt Nam với Nhật Bản và Thái Lan.
Nhắc lại sự kiện Kho cảng Khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) Thị Vải tại Bà Rịa - Vũng Tàu với công suất 1 triệu tấn/năm - kho LNG đầu tiên và lớn nhất của Việt Nam do Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV Gas), đơn vị thành viên thuộc PVN, đầu tư xây dựng được khánh thành vào chiều 29-10, Thủ tướng đánh giá đây là dấu mốc quan trọng và chỉ đạo nghiên cứu tiếp tục triển khai giai đoạn 2 của dự án.
Hạn chế phụ thuộc vào nguồn nhiên liệu hóa thạch
Tính đến nay, chỉ riêng đối với việc sản xuất và cung cấp khí, PVN đã cung cấp khí và sản phẩm khí làm nguồn nhiên liệu sạch để sản xuất 11% sản lượng điện, khoảng 70% sản lượng phân đạm, đáp ứng gần 70% thị phần LPG cả nước và cho nhiều hoạt động sản xuất công nghiệp, giao thông vận tải và dân dụng khác. Đối với sản xuất điện trong 9 tháng đầu năm 2023, đã đạt 17,63 tỉ kWh, bằng 73,5% kế hoạch năm, đáp ứng theo điều động của EVN.
Theo quy hoạch phát triển ngành công nghiệp khí Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035, cả nước sẽ xây dựng 6 kho cảng LNG với tổng chi phí hơn 10 tỉ USD. Điều này giúp Việt Nam hạn chế sự phụ thuộc vào nguồn nhiên liệu hóa thạch như than đá, điện năng lượng tái tạo (thủy điện, điện gió, điện mặt trời...); đồng thời giảm lượng khí thải, gắn liền phát triển bền vững với bảo vệ môi trường.
Tháo gỡ điểm nghẽn các dự án điện khí
Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII) đã xác định nguồn nhiệt điện khí tái hóa từ khí LNG chiếm tỉ trọng khoảng hơn 14,9% tổng công suất toàn hệ thống phát điện quốc gia vào năm 2030. Đây là một trong các nguồn giúp bảo đảm cung cấp đủ, ổn định và an toàn hệ thống điện quốc gia.
Theo PGS-TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế, nguồn điện LNG có khả năng chạy nền, khởi động nhanh, sẵn sàng bổ sung và cung cấp điện nhanh cho hệ thống khi các nguồn điện năng lượng tái tạo giảm phát, đồng thời ít phát thải CO2, thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, ông Ngô Trí Long cũng nhìn nhận vướng mắc lớn nhất trong việc triển khai các dự án điện LNG hiện nay vẫn là đàm phán giá điện và bao tiêu sản lượng điện hằng năm, vấn đề giá nhập khẩu LNG. Để tháo gỡ những vướng mắc, ông Long cho rằng Chính phủ cần có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào các dự án điện khí LNG trong nước, tạo môi trường đầu tư ổn định và thuận lợi cho việc phát triển hạ tầng LNG; tháo vướng mắc liên quan đến việc bao tiêu sản lượng. Theo Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, để thực hiện Quy hoạch điện VIII phát triển từ 14.900-22.400 MW điện khí LNG nhập khẩu vào năm 2030 và có thể tăng lên đến 32.400 MW vào năm 2035, cần có cơ sở hạ tầng để nhập khẩu và lưu trữ một lượng khí LNG đủ cho các nhà máy điện vận hành ổn định và có thể ký hợp đồng mua khí LNG dài hạn. Theo cơ quan này, hạ tầng điện khí gồm các khâu thượng, trung và hạ nguồn, nhất là điện LNG là "chuỗi nhiên liệu" phức tạp, bao gồm cảng - kho - hệ thống tái hóa khí - đường ống - nhà máy điện. Yếu tố quan trọng khác đó là cơ chế giá và sự huy động phát điện để bảo đảm hiệu quả chuỗi dự án.
M.Phong
Bình luận (0)