Những ngày nghỉ lễ, đông đảo người dân đi du lịch. Các điểm tham quan chật kín khách; nhà hàng, trung tâm thương mại đông đúc; khách sạn, resort, khu nghỉ dưỡng kín phòng; các hãng hàng không tăng tần suất bay; doanh nghiệp vận tải khai thác tối đa công suất... Có thể nói, du lịch đang hồi sinh mạnh mẽ. Nhiều địa phương có thế mạnh về du lịch báo cáo doanh thu tăng mạnh, thậm chí "bội thu".
Còn nhớ, ngay thời điểm cả nước vừa kiểm soát được dịch Covid-19 và bắt đầu mở cửa trở lại, trong lộ trình phục hồi kinh tế thì du lịch, dịch vụ, vận tải… được đánh giá là những ngành triển vọng. Kinh nghiệm từ những nền kinh tế hàng đầu như Mỹ, Trung Quốc, châu Âu cho thấy sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, tỉ lệ tiêm vắc-xin cao, hướng tới đạt miễn dịch cộng đồng, các ngành dịch vụ, du lịch, vận tải đã phục hồi do nhu cầu của người dân như "lò xo bị nén lâu ngày bung mạnh".
Du lịch không chỉ là ngành kinh tế mũi nhọn mà còn là ngành kinh tế tổng hợp, có tác động đến các ngành, lĩnh vực khác trong cả chuỗi cung ứng dịch vụ, vận chuyển, lữ hành, thương mại, ẩm thực… Đây là ngành có vai trò "cú hích" để thúc đẩy những lĩnh vực khác của nền kinh tế phục hồi, phát triển.
Tại TP HCM, trước khi có dịch Covid-19, du lịch đóng góp bình quân 10% - 12% GRDP; khách du lịch quốc tế của thành phố chiếm bình quân 50% lượng du khách nước ngoài đến Việt Nam. Hiện tại, kinh tế TP HCM phục hồi nhanh chóng với sự đóng góp không nhỏ của du lịch. Số liệu báo cáo sơ bộ cho thấy chỉ riêng trong vài ngày nghỉ lễ, doanh thu của ngành du lịch TP HCM ước đạt hơn 1.600 tỉ đồng.
Dù vậy, để du lịch phục hồi như giai đoạn trước dịch Covid-19, thậm chí phát triển mạnh mẽ hơn, cần những giải pháp đồng bộ của nhiều ngành trong chuỗi liên kết, chuỗi cung ứng của ngành kinh tế tổng hợp. Chẳng hạn, trong những ngày nghỉ lễ, nhiều người đi du lịch Vũng Tàu, Đà Lạt, Phan Thiết… bị kẹt xe hàng giờ; nhiều khách đi tự túc nhưng đến điểm tham quan không thuê được khách sạn, dịch vụ không bảo đảm chất lượng... Vậy là, khi có cơ hội, ngành du lịch lại khó tận dụng chỉ vì cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng đủ.
Muốn thu hút, giữ chân du khách ở lại lâu hơn, chi tiêu nhiều hơn, cần đầu tư vào chất lượng sản phẩm du lịch, tour tuyến để họ cảm thấy thoải mái và sẵn sàng "móc hầu bao". Nhìn qua Thái Lan, dù giá tour rất cạnh tranh nhưng vẫn bảo đảm sản phẩm du lịch hấp dẫn, du khách có thể trải nghiệm nhiều ngày với nhiều dịch vụ khác nhau.
Do đó, bài toán quy hoạch về sản phẩm du lịch giữa các địa phương, các điểm đến để không chồng chéo, mỗi nơi có một điểm nhấn đủ sức giữ chân du khách, là điều cần lưu ý sau kỳ nghỉ "vàng" này. Vai trò của việc liên kết, hợp tác phát triển du lịch giữa các địa phương với sự điều phối của cơ quan quản lý cũng rất cần thiết để du lịch phát triển bền vững.
Bình luận (0)