xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên (1.3.1923-1.3.2023): Vị tướng tài bên dòng sông Gianh

Bài và ảnh: Hoàng Phúc

Cái tên Đồng Sỹ Nguyên gắn liền với những trận đánh chống Pháp và vị tư lệnh trên tuyến đường Trường Sơn huyền thoại trong kháng chiến chống Mỹ

Suốt chặng đường hơn 70 năm hoạt động cách mạng cũng như khi trở về đời thường, dù kinh qua chức vụ gì hay ở đâu, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên - người con ưu tú của quê hương Quảng Bình, vị tướng tài ba của chiến trường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh huyền thoại, vẫn luôn nặng lòng với quê hương, nguồn cội.

Nặng lòng với quê hương

Tuổi thơ của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên gắn bao kỷ niệm với sông Gianh và chợ Sãi ở xã Quảng Trung, huyện Quảng Trạch (nay thuộc thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình).

Ngược dòng lịch sử, chợ Sãi cứ 10 ngày họp 2 phiên, là nơi giao thương, buôn bán vật phẩm huyên náo, nhộn nhịp của cả vùng quê khi ấy. Có những phiên chợ đang diễn ra bình thường, bất ngờ bị lũ tay sai bán nước, thực dân, phong kiến lao vào bắt bớ, đánh đập, đàn áp người dân vô tội. Chứng kiến cảnh người dân bị kẻ thù áp bức, giày xéo, cậu bé Nguyễn Hữu Vũ (tên thật của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên) không khỏi thương xót những phận người thấp cổ bé họng. Căm phẫn tội ác của quân thù, Vũ hăng hái tham gia hoạt động cách mạng từ khi 12 tuổi.

Những năm 1935, dưới sự dẫn dắt của ông Nguyễn Tế, một đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương, cậu bé Vũ đã sớm giác ngộ cách mạng và trở thành một chiến sĩ trẻ dũng cảm, gan dạ. Năm 16 tuổi, ông đã được kết nạp vào hàng ngũ của Đảng, lấy bí danh là Nguyễn Văn Đồng và được tổ chức giao nhiệm vụ làm Bí thư Chi bộ Bình - tiền thân của Đảng bộ xã Quảng Trung ngày nay. Dưới sự lãnh đạo của ông, phong trào cách mạng ở địa phương và vùng Nam huyện Quảng Trạch khi ấy phát triển mạnh mẽ, kết nối các tổ chức mở rộng và tham gia khởi nghĩa giành chính quyền năm 1945. Năm 23 tuổi, ông đã được giao làm Bí thư Phủ ủy Quảng Trạch, sau đó trúng cử đại biểu Quốc hội khóa I. Từ đó, ông đổi tên thành Đồng Sỹ Nguyên nhằm tránh giặc phát hiện thân thế, trả thù gia đình.

Kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên (1.3.1923-1.3.2023): Vị tướng tài bên dòng sông Gianh - Ảnh 1.

Nhà thờ Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên ở thôn Trung Thôn, xã Quảng Trung, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình

Cái tên Đồng Sỹ Nguyên gắn liền với những trận đánh chống Pháp và trở thành vị tướng tài ba trên tuyến đường Trường Sơn huyền thoại của 30 năm kháng chiến chống Mỹ - nơi ông đảm trách vị trí Tư lệnh Đoàn 559 - Binh đoàn Trường Sơn của hơn 120.000 quân trong suốt những năm 1967-1976.

Rời xa quê hương rất sớm nhưng hầu như năm nào, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên cũng dành thời gian về thăm quê. Ông Võ Xuân Khước (ở thôn Trung Thôn, xã Quảng Trung - cháu gọi Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên bằng cậu) cho hay dù bộn bề công việc, giữ đến chức Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng nhưng cậu Nguyên đều sắp xếp thời gian để về thăm quê hương. Mỗi lần về, ông lại ra đứng bên bờ sông Gianh ngắm nhìn cảnh trí quê nhà, rồi ghé chợ Sãi hỏi thăm bà con chòm xóm.

Theo ông Nguyễn Văn Tố, Bí thư Đảng ủy xã Quảng Trung, với bà con quê hương, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên luôn dành một sự quan tâm đặc biệt, gần gũi mà thiết thực. Ông từng trích phần lương của mình để giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ các gia đình chính sách, người già, neo đơn của xã. Rất nhiều lần, ông đã bỏ tiền túi, kêu gọi sự đóng góp, ủng hộ của những người xa quê cùng hướng về nguồn cội, xây dựng quê hương.

Trong phần lời tựa của cuốn Lịch sử Đảng bộ xã Quảng Trung, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên có viết: "Được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất quê hương ruột thịt giàu truyền thống văn hóa, cách mạng, tuy đã đi xa quê hương để học tập và làm việc, nay nhận trọng trách của Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, nhưng dù làm gì, ở đâu, trong lòng tôi vẫn tâm niệm theo dõi từng bước thăng trầm của quê nhà...". Từ trong tâm khảm, ông luôn đau đáu, dành trọn tình yêu, niềm thương nỗi nhớ về quê mẹ thiêng liêng, tuy nghèo khó nhưng đầy ắp nghĩa tình.

Vị tướng hiền hòa, gần gũi

Chiến tranh đã lùi xa nhưng những kỷ niệm một thời hào hùng, khói lửa trên rừng Trường Sơn vẫn còn nguyên vẹn trong ký ức của ông Mai Văn Hà (ngụ phường Ba Đồn, thị xã Ba Đồn). Nhắc đến vị Tư lệnh Đoàn 559 năm nào, ông Hà nói: "Tư lệnh là người hiền lành, gần gũi, thương bộ đội như con em trong nhà...".

Ông Hà kể khi về Đoàn 559 làm nhiệm vụ, ông Hà được giao chiếc Zil 157, loại xe ba cầu của Liên Xô (cũ) và trở thành một trong những tay lái cừ khôi trên đường Trường Sơn. Năm 1969, ông Hà bất ngờ nhận lệnh từ cấp trên đón một người đặc biệt ở vùng Tây Bố Trạch chở vào khu vực Long Đại, Lệ Kỳ. "Trời tối, đón được người tại điểm liên lạc, vị khách "lạ" ngồi bên ghế phụ, trong cabin còn mấy cán bộ. Quãng đường chỉ 50 km nhưng trời tối, đường khó đi nên xe phải mò mẫm từng đoạn. Vị khách khen ngợi tôi chạy cả quãng đường dài nhưng chẳng vấp phải đá núi hay miệng hố bom. Mãi sau đó tôi mới biết đây là Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên tiếng tăm lừng lẫy. Tôi quá đỗi vui mừng khi may mắn được tháp tùng ông trong các chuyến xe bão lửa ấy" - ông Hà tự hào kể.

Theo lời ông Hà, trong lúc chở Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên đi thị sát tình hình, xe đến gần khu vực Long Đại thì chững lại, trước mắt là cả đoàn xe vận tải của quân ta bị bom Mỹ đánh trúng, lửa cháy ngùn ngụt, bắt lan cả mấy cánh rừng. Trên không còn nghe tiếng máy bay địch gầm gừ, pháo sáng thả chói cả khoảng trời. Tướng Nguyên hỏi ông Hà: "Tình hình vậy chú thấy đi được không?". Ông Hà đáp: "Thưa thủ trưởng, đi tiếp thì còn đường sống, nếu dừng lại thì chắc chắn bị máy bay đánh tiếp". "Vậy đi tiếp" - Tướng Nguyên lệnh. Ngay sau đó, ông Hà nhảy xuống xe, cởi áo trộn vào bùn dưới hố bom, quấn chặt miệng và đắp bùn phủ kín bình dầu của xe để tránh bị bắt lửa, lái xe vượt trận địa mịt mù khói lửa ngay trước mắt.

Lần khác, ông Hà lại nhận lệnh chở Tướng Nguyên vào vùng Lệ Thủy thì bất ngờ máy bay địch quần thảo liên tục, phải nghỉ ngày và đi mấy đêm mới tới. Ông Hà nhớ lại trên đường, Tư lệnh còn nhường cả khẩu phần lương khô, nước uống cho ông rồi vỗ vai cười bảo: "Ăn đi cho lại sức để đi tiếp. Không phải cứ cầm súng đánh giặc mới là anh hùng…". 

Nhân cách lớn, đức độ

Mới đây, Bộ Quốc phòng chủ trì phối hợp với Văn phòng Chính phủ và tỉnh Quảng Bình tổ chức hội thảo khoa học: "Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên - Nhà hoạt động thực tiễn xuất sắc của cách mạng Việt Nam, người con ưu tú của quê hương Quảng Bình". Hội thảo đánh giá Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên là một nhà lãnh đạo có uy tín lớn của Đảng, Nhà nước và quân đội, nêu tấm gương trọn đời hy sinh, cống hiến hết mình cho sự nghiệp cách mạng; một nhân cách đức độ, giản dị, khiêm tốn, thẳng thắn, chân thành, giàu tình yêu thương.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo