Tối 28-4, tại Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư (huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình) đã long trọng diễn ra lễ kỷ niệm 1055 năm Nhà nước Đại Cồ Việt (968 - 2023) và khai mạc lễ hội Hoa Lư năm 2023.
Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng phát biểu tại lễ kỷ niệm. Ảnh: Báo Ninh Bình
Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, cùng nhiều lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo một số tỉnh, thành phố, lãnh đạo tỉnh Ninh Bình và hàng ngàn người dân địa phương tham dự buổi lễ.
Đọc diễn văn khai mạc, ông Phạm Quang Ngọc, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình, khẳng định Ninh Bình tự hào là vùng đất cổ, nơi có con người cư trú từ thời tiền sử, cách đây 30 ngàn năm. Qua các tầng văn hóa khảo cổ mới được phát hiện trong những năm gần đây đã cung cấp nhiều bằng chứng khoa học có ý nghĩa quan trọng, góp phần làm rõ hơn giá trị lịch sử, văn hóa và diện mạo vùng đất Ninh Bình 10 thế kỷ đầu công nguyên, phát lộ các chứng tích về một kinh thành có kiến trúc đặc sắc.
Trước khi hình thành kinh đô Hoa Lư, nơi đây đã từng là một trung tâm văn hóa, chính trị, kinh tế với vai trò, chức năng trị sở lớn.
Ông Phạm Quang Ngọc, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình đọc diễn văn lễ kỷ niệm 1055 năm Nhà nước Đại Cồ Việt (968 - 2023) và khai mạc lễ hội Hoa Lư năm 2023. Ảnh: Báo Ninh Bình
"Thế kỷ 10, Hoa Lư được chọn làm quốc đô của Nhà nước Đại Cồ Việt sau khi Đinh Bộ Lĩnh dấy nghiệp, thống nhất giang sơn, mở xưng hoàng đế, lập nên Nhà nước phong kiến trung ương tập quyền đầu tiên trong lịch sử dân tộc. Trải qua 86 năm, với tám đời vua của ba triều đại: Đinh, Tiền Lê, Lý, Nhà nước Đại Cồ Việt đã có đóng góp to lớn, giữ vị trí, vai trò quan trọng trong tiến trình lịch sử dân tộc, khẳng định mạnh mẽ nền độc lập, tự chủ, ý chí tự cường, tự tôn dân tộc, tạo nền móng vững chắc để các triều đại phong kiến sau này kế thừa và phát triển"- ông Ngọc nhấn mạnh.
Về lễ hội Hoa Lư, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình cho biết, đây là một hoạt động văn hóa lâu đời được tổ chức hằng năm, phản ánh đậm nét, sinh động về cuộc đời, thân thế, sự nghiệp của Đinh Tiên Hoàng đế và lịch sử Việt Nam qua ba triều đại Đinh, tiền Lê, Lý.
Trải qua thời gian, lễ hội trở thành nét sinh hoạt văn hóa tinh thần của người dân Ninh Bình nói riêng, và nhân dân cả nước nói chung, nhằm tôn vinh các giá trị văn hóa tốt đẹp, thể hiện lòng thành kính, sự tri ân sâu sắc với các bậc tiên đế, tiền nhân. Với những giá trị tiêu biểu, trường tồn ấy, lễ hội Hoa Lư đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, cùng với Cố đô Hoa Lư tạo nên giá trị đặc biệt của Quần thể danh thắng Tràng An, được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới.
Tiết mục nghệ thuật đặc sắc tại lễ kỷ niệm
Phát biểu tại buổi lễ, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng khẳng định di sản mà Nhà nước Đại Cồ Việt, Vua Đinh Tiên Hoàng cùng các bậc tiền nhân để lại và những thành tựu mà tỉnh Ninh Bình đã đạt được trong thời gian qua là vô cùng quý giá; là nền tảng vững chắc để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Ninh Bình tiến tới thực hiện mục tiêu trở thành tỉnh khá của khu vực đồng bằng sông Hồng vào năm 2030.
Để đạt được những mục tiêu đề ra, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng lưu ý tỉnh Ninh Bình cần tăng cường đoàn kết, thống nhất, xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị của tỉnh trong sạch, vững mạnh toàn diện...
"Tỉnh Ninh Bình cần xác định, phát huy tối đa tiềm năng nổi trội, giá trị độc đáo, lợi thế của địa phương; giải quyết thật tốt mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển, chú trọng phát triển bền vững, bảo đảm hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa - xã hội, bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh; thực hiện đồng bộ các giải pháp chỉ đạo, điều hành, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tiếp tục thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế một cách đồng bộ, toàn diện theo hướng khơi thông nguồn lực, phát huy hiệu quả không gian tăng trưởng mới, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao…; xây dựng nông thôn mới theo hướng nâng cao, kiểu mẫu gắn với phát triển du lịch và đô thị văn minh, hiện đại; tăng cường an ninh - quốc phòng"- ông Nguyễn Xuân Thắng chỉ đạo định hướng.
Bình luận (0)