xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Người anh hùng dân tộc họ Võ mang trong mình truyền thống nhân hậu, trí tuệ

GS-TSKH-NGND Vũ Minh Giang

Đại tướng Võ Nguyên Giáp là vị tướng lỗi lạc, đã chỉ huy đánh thắng những đạo quân xâm lược hùng mạnh nhất thế giới, được thừa nhận là một trong những vị tướng vĩ đại nhất của mọi thời đại.

Đã có rất nhiều tác phẩm trong và ngoài nước ca ngợi về tài cầm quân, về nghệ thuật chỉ huy và về nhân cách cao đẹp của Đại tướng. Trong bài viết này, tôi xin chỉ đề cập đến khía cạnh giá trị cốt lõi nhân hậu - trí tuệ - của dòng họ Vũ - Võ, truyền thống tốt đẹp của quê hương Quảng Bình được truyền từ bao đời nay, kết tinh trong con người Đại tướng và được nâng lên một tầm cao trở thành niềm tự hào dân tộc và sự ngưỡng mộ của thế giới. Do có may mắn từng được trực tiếp gặp gỡ và làm việc với Đại tướng nên trong bài viết này tôi cũng xin phép được nhắc lại một số kỷ niệm để minh họa thêm những nhận định về nhân cách của một vị tướng đầy trí tuệ và lòng nhân ái.

Người anh hùng dân tộc họ Võ mang trong mình truyền thống nhân hậu, trí tuệ - Ảnh 1.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Ảnh TTXVN

Vũ và Võ chỉ là hai cách phát âm danh xưng của một dòng họ có gốc tích ở làng Mộ Trạch, huyện Bình Giang (xưa là huyện Đường An), một vùng đất có truyền thống hiếu học và trọng học. Sau này dòng họ Vũ - Võ lan tỏa đi mọi miền của đất nước, nhưng chỉ dấu nhận diện vẫn là truyền thống học giỏi, đỗ đạt cao.  Trong lịch sử hơn 800 năm thi cử Nho học đã có 1867 người nhận học vị tiến sĩ được ghi danh trên bảng vàng. Trong số đó, 166 vị đỗ đại khoa mang họ Vũ - Võ, chiếm tỷ lệ xấp xỉ 9%.  Trong lịch sử đã từng xuất hiện nhiều người con dòng họ Vũ-Võ, bằng trí tuệ trác việt, đã có những đóng góp xuất sắc cho đất nước. Xin kể ra đây vài trường hợp tiêu biểu. Trong lịch sử, triều Lê Sơ được thành lập sau khi khời nghĩa Lam Sơn thắng lợi đã mở ra một giai đoạn được coi là hoàng kim của thời Trung đại. Một trong vị minh quân đã góp phần tạo nên thời kỳ huy hoàng này là Hoàng đế Lê Thánh Tông. Ông đã cho lập bia tại văn miếu để ghi danh các vị đại khoa và hết lòng trọng dụng các bậc hiền tài. Mộ trong số đó là Vũ Hữu, người con làng Mộ Trạch. Ông đỗ Hoàng giáp (ngôi vị thứ hai trong kỳ thi Đình) năm Quý Mùi (1463) khi mới tròn 26 tuổi. Ông được sử sách vinh danh là nhà toán học đầu tiên của Việt Nam với công trình  Lập thành toán pháp giúp triều đình tính toán ngân khố, thực thi việc đo đạc, quản lý ruộng đất và xây dựng các công trình lớn ở hoàng thành Thăng Long. Có một danh sĩ họ Vũ khác cũng đã tham gia đóng  trong thời đại hoàng kim này là Vũ Quỳnh. Nếu Vũ Hữu thành danh trên lĩnh vực toán học thì Vũ Quỳnh lại nổi tiếng trên lĩnh vực văn học và sử học. Dưới thời Lê Thánh Tông ông đã có công lớn trong việc tập hợp, chú giải các truyềnt huyết dân gian thời Hùng vương, cố định lại trong tác phẩm Lĩnh Nam Chích quái, làm cơ sở cho các nhà sử học đưa thời Hùng vương từ truyền thuyết vào chính sử. Chính ông vào năm 1411 cũng đã soạn xong bộ Đại Việt thông giám thông khảo chép từ  thời Hồng Bàng đến đầu thời Lê gồm 26 quyển, được Hoàng đế đương triều và các sử thần đời sau khen là "tường tận, rõ ràng". Tiếc rằng bộ sử quý này nay đã thất truyền. Có thể kể ra nhiều nữa các nhà đại khoa, các bậc danh sĩ họ Vũ-Võ. Họ là những gương mặt tiêu biểu cho những lớp trí thức đã kế thừa và phát huy truyền thống Nhân hậu – Trí tuệ mà dòng họ Vũ-Võ coi là những giá trị cốt lõi của dòng họ mình.

Người anh hùng dân tộc họ Võ mang trong mình truyền thống nhân hậu, trí tuệ - Ảnh 2.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh: Tư liệu

Không chỉ được biết đến như một dòng họ có truyền thống nhân văn và đóng góp nhiều về lĩnh vực từ chương và khoa học, họ Vũ Võ còn sản sinh ra những nhà quân sự có tài. Có thể nói trong suốt chiều dài hàng ngàn năm lịch sử của dân tộc, thời nào cũng có danh tướng họ Vũ-Võ. Trong bài viết này chỉ xin dẫn ra ba trường hợp các vị tướng lĩnh, chỉ huy quân sự có tài năng xuất chúng và thể hiện rõ những tố chất là những người con họ Vũ-Võ. 

Trước hết xin nói về Vũ Nạp. Ông xuất thân từ làng Mộ Trạch, vốn là người giỏi chữ nghĩa. Năm 1247 Vũ Nạp  đỗ Ât khoa trong kỳ thi Đình dưới thời Trần Thái Tông, sau đó được bổ về viện Hàn Lâm giữ chức Tăng thống. Khi quân Mông Cổ đến xâm lược vào năm 1258, ông được cử đến trấn giữ vùng Hải Đông. Trong gần 30 năm cai quản vùng đất này, ông đã có công lớn trong việc tổ chức dân khai hoang, lập ấp khiến cho dân cư dân vùng duyên hải quan yếu ngày trù mật. Nhưng điều mà nhân dân và sử sách luôn ca ngợi ông như một thánh tướng chính là nhờ chiến công ông đã cùng với tướng Trần Quốc Bảo lập nên trong chiến dịch Bạch Đằng năm 1288. Theo kế sách của Hưng Đạo Đại vương thì trận địa bãi trận được bố trí trên một (hoặc một số) lạch triều chảy từ sông Đá Bạc ra biển. Để có thể điều được đại quân giặc vào bãi cọc phải bằng mọi giá đánh chặn không cho chúng theo đường  sông Giá. Nhiệm vụ vô cùng khó khăn này Trần Quốc Tuấn đã giao cho 2 tướng Trần Quốc Bảo và Vũ Nạp. Vì thế giặc mạnh,lực lương quân ta lại mỏng nên khi quân Nguyên tiến vào sông Giá, trận đánh diễn ra vô cùng ác liệt. Chánh tướng Trần Quốc Bảo tử trận, ông đã phải đảm đương vị trí của người tổng chỉ huy. Trước tình thế lực lượng chênh lệch quá lớn, với trí tuệ của một người hiểu biết sâu rộng, Vũ Nạp đã kết hợp động viên các chiến binh tử chiến để hoàn thành nhiệm vụ với việc dùng mưu kế. Là người được nhân dân địa phương biết ơn và mến mộ, ông đã huy động nhân dân tham gia vào mưu kế này. Ông huy động dân quanh vùng gom hàng nghìn mo cau thả xuống khúc sông quân Nguyên sẽ đi qua và cho dân chúng nấp hai bên bờ hô hét thật to, gõ phèng la dậy trời khiến quân Nguyên nhầm tưởng có rất nhiểu quân Trần mai phục phía trước mà chùn chân không dám tiến buộc phải quay lại ra biển theo đường  quân ta đã định. Kết cục là cánh quân do Vũ Nạp chỉ huy đã hoàn thành sứ mệnh được Quốc công tiết chế giao cho, buộc hơn 600 đại chiến thuyền của địch phải quay trở lại đường sông Đá Bạc rồi bị lùa vào trận địa bãi cọc để phục binh đánh tan tành.

Người anh hùng dân tộc họ Võ mang trong mình truyền thống nhân hậu, trí tuệ - Ảnh 3.

Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo hội thảo khoa học cấp quốc gia kỷ niệm 110 năm ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp dâng hoa, dâng hương viếng mộ Đại tướng, ngày 24-8 Ảnh: HOÀNG PHÚC

Người thứ hai xin được nói tới là một danh tướng của Quang Trung, Đại đô đốc Võ Văn Dũng. Sát cánh cùng các thủ lĩnh Tây Sơn ngay từ những ngày đầu dựng cờ khởi nghĩa, Võ Văn Dũng cùng với Trần Quang Diệu luôn như hai cánh tay đắc lực của Nguyễn Huệ và hầu như có mặt trong tất cả các chiến dịch quan trọng của quân Tây Sơn. Hoàng đế Quang Trung thường nói Võ Văn Dũng là tâm phúc của ta. Ông là danh tướng được phong đến chức Đại Đô đốc, trong chính quyền trong hàng quan văn ông được phong đến Đại Tư đồ. Ngoài tài thao lược về quân sự, ông còn là một nhà ngoại giao. Ngay sau khi đại phá quân Thanh vào mùa xuân năm Kỷ Dậu (1789), lường trước thái độ cay cú sẽ đem quân quay lại trả thù, Hoàng đế Quang Trung đã cử ngay một phái bộ ngoại giao do Võ Văn Dũng sang thương thảo để phần nào khiến Thiên triều bớt bẽ mặt. Kết quả là tài ngoại giao khôn khéo của Võ Văn Dũng đã "giúp" cho nhà Thanh có cớ từ bỏ một cuộc chiến phục thù. Qua lần tiếp xúc này, Võ Văn Dũng đã mục kích sở thị sự khiếp nhược của quân Thanh trước nghĩa quân Tây Sơn. Đây chính là lý do Hoàng đế Quang Trung cử ông đi sứ lần thứ hai với những đòi hỏi cứng rắn. Tiếc rằng, những yêu sách của nhà Tây Sơn  đang diễn biến theo chiều hướng có lợi cho Việt Nam thì Quang Trung qua đời.

Nhân vật họ Võ thứ ba xin được nhắc tới là Võ Duy Dương (trong sử sách thường gọi là Thiên Hộ Dương). Ông vốn là người Bình Định vào khai hoang ở Đồng Tháp Mười, được triều đình phong chức Thiên hộ. Là một võ quan nhưng ông rất yêu thích văn chương nên đã kết bạn thân với Thủ khoa Huân (Nguyễn Hữu Huân). Khi triều đình ký hàng ước 1862, ông đã cùng với Nguyễn Hữu Huân liên kết với Trương Định tổ chức đánh Pháp. Hiểu được tình thế bất lợi về lực lượng và thái độ khiếp nhược của nhà Nguyễn, ông đã vận dụng trí tuệ viết ra kế sách dùng mưu giành lại 3 tỉnh miền Đông. Tiếc rằng kế hoạch chưa được thực thực hiện thì ông bị chết trên đường ra kinh đô Huế.

Người anh hùng dân tộc họ Võ mang trong mình truyền thống nhân hậu, trí tuệ - Ảnh 4.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh: Tư liệu

Có thể kể ra nhiều nữa các nhà chỉ huy quân sự mang họ Vũ- Võ đã từng có đóng góp và sự nghiệp chống ngoại xâm của dân tộc. Ở mức độ khác nhau họ đều có nét tương đồng với ba nhân vật nói trên. Đó là trước khi tham gia vào lĩnh vực quân sự, họ là những người học hành đỗ đạt, thích chữ nghĩa, yêu văn chương. Khi trở thành người cầm quân thường trí tuệ để bày mưu kế diệt giặc chứ không đơn thuần chỉ là dụng binh tác chiến.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp mang trong mình truyền thống văn võ toàn tài của dòng họ Vũ- Võ và là người hết mực yêu quê hương. Ông thường nói Quảng Bình là nhà của mình, bớt bận việc nước Ông sẽ về nhà. Đấy là cách nói thể hiện tình cảm nồng nàn của Đại tướng với mảnh đất chôn rau, cắt rốn, nhưng đồng thời cũng phản ánh một sự thật là Đại tướng chịu ảnh hưởng rất nhiều truyền thống của quê hương và gia đình.

Quảng Bình xưa vốn là đất ba châu Bố Chính, Địa Lý và Ma Linh thuộc  Champa. Từ thế kỷ XI người Việt bắt đầu quá trình tiến xuống phương Nam. Đây là mảnh đất đầu tiên nằm ngoài cương giới Đại Việt mà người Việt đặt chân tới. Trải qua thăng trầm của lịch sử, nhiều thế hệ đã đổ mồ hôi, máu xương khai phá và giữ gìn giữ để có Quảng Bình như ngày nay. Người con đất Quảng Bình nổi danh sớm nhất phải kể đến Tiến sĩ Dương Văn An (1514- 1591), người làng Tuy Lộc (huyện Lệ Thuỷ), từng làm đến chức Ngự sử, nhưng luôn giữ cốt cách bình dân và thường dạy con cháu phải tâm niệm thành đạt của mình do quê hương xứ sở tác thành. Ông để lại cho đời tác phẩm Ô châu cận lục, một công trình khảo cứu có giá trị về vùng đất Miền Trung mà sau này bất cứ học giả nào nghiên cứu về vùng đất này cũng phải viện dẫn.

Từ xã Vạn Ninh, huyện Quảng Ninh vào cuối thế kỷ XV- đầu thế kỷ XVI nổi lên dòng họ Nguyễn Hữu đã có công lớn giúp các chúa Nguyễn trong sự nghiệp khai phá xứ Đàng Trong. Nổi bật trong số đó là Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh, người được cả nước biết đến với công lao khẳng định chủ quyền của Đại Việt trên đất Sài Gòn vào năm 1698. Ông là con trai của Khai quốc công thần, Tĩnh Quốc công Nguyễn Hữu Dật, vị danh tướng của ba đời chúa.

Không chỉ phát về nghiệp Võ, Quảng Bình còn sản sinh ra những nhân tài trên lĩnh vực văn học, thi ca. Và sẽ là thiếu sót nếu không nhắc đến Hàn Mặc Tử (1912-1940), thi sĩ tài hoa sinh cùng thời với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tại làng Lệ Mỹ, nay thuộc thành phố Đồng Hới. Ông đã từng gặp Phan Bội Châu và tiếp nhận nhiều ảnh hưởng của nhà chí sĩ yêu nước này. Ông không chỉ là niềm tự hào của Quảng Bình mà của giới thi ca cả nước, một tượng đài của nền văn học nước nhà.

Người anh hùng dân tộc họ Võ mang trong mình truyền thống nhân hậu, trí tuệ - Ảnh 5.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh: Tư liệu

Làm nên truyền thống vẻ vang của đất Quảng Bình, có đóng góp của hàng trăm những người con tài danh của dòng họ Vũ-Võ. Hai nhân vật họ Vũ có danh phận đầu tiên được nhắc tên trong sử sách đầu thế kỷ XVI là Vũ Tri Giám và Vũ Nậu, người làng An Xá, huyện Lệ Thủy, thi đỗ Tam trường, từng làm đến chức Huấn Đạo phủ Triệu Phong, còn người thứ hai quê ở làng Hành Phổ, huyện Khang Lộc (nay thuộc xã An Ninh, huyện Quảng Ninh), phát về nghiệp Võ, từng làm đến chức Tổng Tri chỉ huy sứ Vệ Hưng Quốc.

Không chỉ phát về nghiệp Văn-Võ, họ Vũ-Võ Quảng Bình còn sản sinh ra những nhân tài trên lĩnh vực chính trị, kinh tế và quản lý xã hội. Một trong số những nhân vật tiêu biểu là Vũ Xuân Cẩn. Sinh ra ở làng Hoà Luật, huyện Lệ Thuỷ, ông có tiếng là người học giỏi, nhưng vì hoàn cảnh chiến tranh loạn lạc ở thế kỷ XVIII, ông chỉ đỗ đỗ hương cống. Tuy nhiên do có thực tài nên đến triều Nguyễn ông đã được đưa vào Hàn Lâm viện và được bổ nhiệm vào cượng vị Thượng thư nhiều Bộ khác nhau. Đặc biệt, dưới thời Minh Mạng, vị Hoàng đế có nhiều ý tưởng cải cách, ông đã đề xướng cải cách điền địa, sung công ruộng của địa chủ làm quỹ đất quân phân cho người nghèo, điều hiếm thấy trong chế độ phong kiến. Ông được cả 4 triều vua đầu là Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức trọng dụng. Khi mất, ông được vua Tự Đức ban khen là "Tứ Triều Nguyên Lão" (Trọng thần 4 triều vua).

Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất giàu truyền thống, Đại tướng Võ Nguyên Giáp còn được nuôi dưỡng trong một gia đình có nếp sống thanh cao, với cha, mẹ đều là những người giàu lòng nhân ái và yêu nước nhưng dạy dỗ con cái rất nghiêm cẩn. Thân phụ Đại tướng là cụ Võ Quang Nghiêm, một hương sư nghèo làm thêm nghề thầy thuốc trong làng An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Cụ thường nói về phong trào kháng Pháp qua bài vè "Thất thủ kinh đô" gây nhữngg ấn tượng sâu sắc trong tâm trí Đại tướng. Thân mẫu Đại tướng là cụ bà Nguyễn Thị Kiên, xuất thân trong một gia đình có truyền thống yêu nước, chống ngoại xâm. Ông ngoại  Đại tướng là một thủ lĩnh trong phong trào Cần Vương đứng đầu một tỉnh. Khi còn nhỏ tuổi Đại tướng đã được mẹ kể cho nghe những câu chuyện về quan Phụ chính Tôn Thất Thuyết phò vua  xuống chiếu Cần Vương, hiệu triệu các sĩ phu và dân chúng đứng lên chống Pháp bảo vệ Đất nước. Chính những ảnh hưởng gần gũi nmà sâu sắc ấy đã góp phần hun đúc ý chí kiên cường cho sự nghiệp cách mạng sau này của Đại tướng.

Với bản tính thông minh, ham học chàng trai họ Võ làng An Xá đã sớm xa nhà tìm cơ hội học hành, lúc đầu xuống thị xã Đồng Hới, sau đó vào Huế thi vào trường Quốc học và đã đỗ á khoa khoá thi năm 1925. Trong thời kỳ học ở Huế, chàng học trò còn nhỏ tuổi đã có cơ may gặp được gặp Chí sĩ Phan Bội Châu để được nghe những bài thuyết giảng về lịch sử dân tộc và lý tưởng Cách mạng. Từ đó chàng thanh niên Võ Nguyên Giáp say mê theo đuổi chân lý của lịch sử. Cũng tại đây, Võ Nguyên Giáp đã liên hệ với những nhà cách mạng trẻ như Nguyễn Chí Diểu, Hải Triều và bắt đầu làm báo, chuẩn bị cho giai đoạn tham gia vào hoạt động chính trị.

Người anh hùng dân tộc họ Võ mang trong mình truyền thống nhân hậu, trí tuệ - Ảnh 6.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh: Tư liệu

Sau khi bị Pháp bắt rồi bị đuổi học vì tham gia tổ chức bãi khóa và phải trở về quê nhà vào năm 1928, Võ Nguyên Giáp đã được Nguyễn Chí Diểu trao cho những tài liệu của Thanh niên cách mạng đồng chí hội do Nguyễn Ái Quốc sáng lập ở Quảng Châu năm 1925. Ông đã từng viết lại cảm xúc của mình khi đọc những tài liệu này: "Bài luận văn của Nguyễn Ái Quốc đã gây cho chúng tôi một lòng căm phẫn sâu sắc như một luồng điện giật". Đây chính là ảnh hưởng đầu tiên của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc với Võ Nguyên Giáp, gắn ông với và sự nghiệp Cách mạng Việt Nam và sau đó cuộc gặp lịch sử giữa hai vĩ nhân đã diễn ra vào năm 1940.

Từ rất sớm lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã nhận ra tư chất, trí tuệ, tài năng cũng như nhân cách của Võ Nguyên Giáp rất phù hợp với một đạo quân mà Người muốn xây dựng để giành và giữ chính quyền cách mạng. Đấy là một quân đội phải biết dựa vào dân để có sức mạnh, phải chiến thắng quân thù không chỉ bằng vũ khí và tài quân sự thao lược mà phải bằng cả trí tuệ và văn hóa. Người đứng đầu quân đội ấy phải văn võ song toàn, kiến thức uyên bác và giàu lòng nhân ái. Năm 1944 Võ Nguyên Giáp đã chính thức được trao trách nhiệm thành lập lực lượng vũ trang  cách mạng mang tên Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân. Từ đó trên cương vị người đứng đầu quân đôi, Võ Nguyên Giáp đã trở thành vị tướng bách chiến bách thắng. Cùng với thiên tài quân sự, không khó để nhận ra ông là vị tướng của trí tuệ và lòng nhân ái, được kết tinh từ những truyền thống cao đẹp của dân tộc, quê hương và dòng họ.

Là tướng Võ nhưng lại lấy bí danh là Văn đã thể hiện rõ cốt cách của một trí thức đầy tính nhân văn. Đại tướng là người đầu tiên chỉ đạo đạo các nhà sử học cần phải có tiếp cận văn hóa khi nghiên cứu lịch sử chống ngoại xâm của Việt Nam, thay vì chỉ nhìn từ góc độ quân sự. Năm 1998, tôi có may mắn được giúp GS. Phan Huy Lê tổ chức Hội thảo Quốc tế về Việt Nam học lần thứ nhất. Rất vinh dự cho Hội thảo được Đại tướng nhận lời tham gia và đọc tham luận trong phiên toàn thể. Cũng nhờ đó mà tôi lại có cơ hội tới 30 Hoàng Diệu để nghe ý kiến chỉ đạo của Đại tướng. Trong một lần như thế, tôi đã học được một tư tưởng lớn của Ông: "Nghệ thuật quân sự Việt Nam là lĩnh vực thuộc phạm trù văn hóa". Thoạt nghe tôi chưa thật hiểu, nhưng Đại tướng đã ôn tồn giải thích: Văn hóa là tất cả sáng tạo của con người vì mục đích tồn tại và phát triển của cộng đồng. Trong lịch sử Việt Nam, dựng nước luôn đi đôi với giữ nước, liên tục từ đời này sang đời khác chúng ta phải đứng lên cầm vũ khí, đem hết tài năng và trí tuệ ra để bảo vệ độc lập dân tộc. Tất cả những sáng tạo trong lĩnh vực quân sự là vì sự tồn vong của dân tộc, của đất nước, nếu không phải là văn hóa thì là cái gì?. Tôi đã kể điều này với nhiều người và ai cũng đều có chung một suy nghĩ: Đại tướng không chỉ là một danh tướng mà còn là một nhà tư tưởng, một nhà văn hóa lớn.

Người anh hùng dân tộc họ Võ mang trong mình truyền thống nhân hậu, trí tuệ - Ảnh 7.

Trong quá trình chuẩn bị Hội thảo, chúng tôi còn được Đại tướng giảng giải những điều mà theo Ông, là giới Việt Nam học trong nước và quốc tế vẫn chưa tìm ra lời giải đáp thỏa đáng cho lịch sử Việt Nam, thậm chí Ông còn nói là "có nhiều sự kiện và thời kỳ chưa thể lý giải".

Trước hết đó là hiện tượng dân tộc Việt Nam bị mất độc lập, sau đó bị đặt dưới ách cai trị của các triều đại phong kiến mạnh về quân sự, giàu về tiềm lực, cao về trình độ văn minh… trong một thời gian dài hàng nghìn năm mà vẫn không bị đồng hóa. Đó là điều mà theo Đại tướng, có một không hai trong lịch sử nhân loại, cần phải đặt ra để tiếp tục nghiên cứu để lý giải.

Thứ hai, đó là sức mạnh kỳ diệu của dân tộc Việt Nam trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm. Hầu như tất cả những đạo quân đến xâm lược nước ta trong lịch sử đều rất hùng mạnh và hung hãn, trong đó có những đạo quân được coi là có khả năng làm khuynh đảo thế giới. Ở thế kỷ XIII là đội quân Nguyên – Mông, một đội quân đã chinh phục khắp lục địa Á - Âu tạo ra một đế chế có lãnh thổ liền nhau lớn nhất trong lịch sử nhân loại. Đội quân ấy đã thất bại ba lần trước dân tộc Việt Nam. Đại tướng nói, không thể lý giải một cách đơn giản hiện tượng này. Có hiểu thật sâu sắc lịch sử mới có thể lý giải được vì sao ta thắng đề quốc Mỹ, một đế quốc hùng mạnh nhất thế giới, một thế lực mà trước khi bị thất bại trong chiến tranh Việt Nam, bất kỳ một quốc gia nào, kể cả những nước được coi là cường quốc cũng phải e ngại, né tránh.

Những lời chỉ bảo của Đại tướng cho tôi cảm giác được thụ giảng một nhà sử học uyên bác và bất giác trong tôi trào lên niềm tự hào khó tả. Ngoài tư chất thiên bẩm, tất cả những gì Đại tướng có còn là sự dày công tích lũy kiến thức trong trường học và học trong thực tế. Ông từng là sinh viên của Đại học Đông Dương, tiền thân của ĐHQGHN, cái nôi dung dưỡng và đào tạo nhân tài. Niềm tự hào còn ở chỗ, Đại tướng yêu sử và chọn lịch sử làm nghề. Ông thường nói, nếu không có chiến tranh mình làm nghề dạy sử. Có lẽ vì vậy mà Ông đã nhận lời làm Chủ tịch danh dự của Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam. Giới sử học cả nước coi đây là một niềm vinh dự lớn lao. Chất trí thức, chất nhân văn của Đại tướng có lẽ một phần cũng có căn cốt từ đây.

Có một chuyện cho tôi ấn tượng cực kỳ sâu sắc là lần được trực tiếp nghe Đại tướng kể lại vì sao có quyết định lấy phương châm "đánh chắc, tiến chắc" thay cho "đánh nhanh, thắng nhanh". Cả thế giới biết đến Đại tướng Võ Nguyên Giáp sau chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu. Tôi cũng đã thuộc nằm lòng nhiều chi tiết về sự kiện lịch sử vĩ đại này, trong đó rất tâm đắc với tư tưởng chắc thắng và quyết định chọn phương châm "đánh chắc, tiến chắc". Xưa nay tôi tôi chỉ hiểu đơn giản đây là một quyết định sáng suốt đạt tới mức nghệ thuật của một thiên tài quân sự. Hóa ra, điều khiến Đại tướng phải nhiều đêm thức trắng để đi tới quyết định này không đơn thuần chỉ ở hai chữ "chắc thắng" mà lại bởi Ông xót máu xương của chiến sĩ. Hiếm có vị danh tướng nào lại có tấm lòng nhân ái, thương lính như thế, bởi "nhất tướng công thành vạn cốt khô" (để một ông tướng thành danh có sự sinh của hàng vạn người) là triết lý được chấp nhận, là quy luật của chiến tranh. Có lẽ từ cái tâm của Đại tướng như vậy, lòng nhân ái của Đại tướng như vậy nên sau khi chiến tranh kết thúc ông suy nghĩ nhiều đến văn hóa.

Tôi còn nhớ vào năm 1972 khi Mỹ dùng máy bay B52 ném bom Hải Phòng và Thủ đô Hà Nội, tôi đang đóng quân ở Quảng Bình, có một chuyện mà tôi không bao giờ quên. Một hôm, trong khi làm nhiệm vụ thu thập tin tức từ các đài phương Tây, có một thông tin làm tôi choáng váng, toàn thân gần như tê liệt. Tôi không tin vào tai mình nữa. Rồi không phải một mà nhiều đài nước ngoài thay nhau truyền đi tin dữ: Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã tử nạn vì bom B52 trong một chuyến đi thị sát trận địa tên lửa… Không ai trong chúng tôi tin điều này (hay nói đúng hơn là không muốn tin), nhưng không hiểu sao tất cả đều bật khóc, khóc nức nở như mất người thân thiết nhất của chính mình. Chắc Trung ương biết điều này nên chỉ ngay ngày hôm sau trên Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam liên tục phát đi tin Đại tướng đi kiểm tra các đơn vị… Niềm vui đến với chúng tôi thật khôn xiết, thậm chí niềm vui còn biến thành tinh thần lạc quan như ta sắp giải phóng Miền Nam đến nơi rồi. Thế mới biết Đại tướng có vị trí như thế nào trong lòng những người lính.

Người anh hùng dân tộc họ Võ mang trong mình truyền thống nhân hậu, trí tuệ - Ảnh 8.

GS-TSKH Vũ Minh Giang, Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam

Đúng mười năm sau (1982) tại Matxcova tôi có vinh dự được gặp Đại tướng trên cương vị Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng phụ trách Khoa học - Kỹ thuật. Khi ấy, tôi được cử sang làm nghiên cứu sinh tại Đại học Lomonoxov. Không hiểu sao, sau buổi gặp chung với đại diện nghiên cứu sinh và thực tập sinh cao cấp, Đại tướng bảo tôi ở lại gặp riêng. Và thật hạnh phúc, trong buổi gặp vô cùng quý giá ấy tôi đã được Đại tướng chỉ bảo, dặn dò và cũng là một cơ may, trong lần gặp mà với tôi là một sự kiện lớn trong đời, tôi đã được tiếp xúc với Đại tướng và cả GS. Đặng Bích Hà, phu nhân của Đại tướng. Điều tôi nhớ đến tận bây giờ là khi kể cho hai vợ chồng Đại tướng về chuyện đơn vị tôi đã khóc như mưa vì tin Đại tướng trúng bom, tôi nghĩ Đại tướng sẽ cười như một chuyện hài hước, nhưng không, Đại tướng thể hiện sự xúc động và nói anh em mình tốt quá nhỉ, khiến tôi rất ngỡ ngàng. Đại tướng đã thực sự cảm động về một câu chuyện rất thật về tình cảm của người lính dành cho Ông.

Không thể nào nói hết bằng lời về Đại tướng huyền thoại của chúng ta. Đại tướng là một thiên tài quân sự là điều được thừa nhận hiển nhiên. Tài năng ấy đã được nuôi dưỡng bằng tuyền thống văn hiến và quật cường của dân tộc, của quê hường Quảng Bình, dòng họ và ảnh hưởng sâu sắc của gia đình, đặc biệt là những ảnh hưởng trực tiếp của song thân phụ mẫu. Thiên tài ấy sớm được tiếp xúc với các bậc chí sĩ có lòng yêu nước nồng nàn và đặc biệt đã được lãnh tụ Hồ Chí Minh dìu dắt, huấn luyện và nâng cánh. Trên thế giới khó lòng tìm thấy một vị danh tướng nào bách chiến bách thắng trước những kẻ thù hung bạo và mạnh hơn gấp nhiều lần, nhưng lại có lòng vị tha nhân ái, giản dị như Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Trong lịch sử Việt Nam đã có những anh hùng dân tộc hóa thần, hiển thánh  như Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Trần Nhân Tông, Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Quang Trung…Trong tận tâm khảm của mình, tôi nghĩ Đại tướng Võ Nguyễn Giáp sẽ sống mãi và trở thành hình tượng thần thánh trong lòng dân.

Dâng hương, hoa viếng mộ Đại tướng

Nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ngày 24-8, đoàn lãnh đạo tỉnh Quảng Bình do ông Vũ Đại Thắng, Bí thư Tỉnh ủy, dẫn đầu đã đến dâng hương tại Nhà lưu niệm Đại tướng (xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy) và viếng khu mộ Đại tướng tại Vũng Chùa - Đảo Yến (xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch).

Cùng ngày, đoàn công tác của Ban Chỉ đạo hội thảo khoa học cấp quốc gia kỷ niệm 110 năm ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp do Trung tướng Trịnh Văn Quyết - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam, Phó trưởng Ban Chỉ đạo hội thảo - làm trưởng đoàn cũng đã dâng hoa, dâng hương viếng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở Vũng Chùa - Đảo Yến.

H.Phúc

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo