Ngày 28-1-1941, trong thư gửi "Nhân dân Đông Dương" để cổ vũ tinh thần anh dũng của cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Pháp viết: "Ngày hôm nay cũng như ngày hôm qua, chúng tôi cúi đầu trước vong linh những người chiến sĩ vì tự do đã hy sinh hồi tháng 11 dưới súng liên thanh của Decoux, Baudouin, Pétain. Chúng tôi kính cẩn nghiêng mình trước những người anh hùng đó, và trước hết chúng tôi nghiêng mình trước những người anh, chị, em anh hùng, đảng viên của Đảng Cộng sản Đông Dương!"(1)
Quyết định táo bạo
Ở Nam Kỳ, từ giữa năm 1940, nhất là khi Chính phủ Pháp tuyên bố "Paris bỏ ngỏ" rồi ký kết hiệp ước đầu hàng Đức quốc xã ngày 22-6-1940, Xứ ủy đã chủ trương xúc tiến khởi nghĩa khi thời cơ đến. Từ ngày 21 đến 27-7-1940, đồng chí Tạ Uyên triệu tập Khoáng đại Hội nghị toàn Xứ tại Mỹ Tho.
Hội nghị quán triệt tinh thần Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 của Trung ương Đảng (tháng 11-1939), phân tích tình hình thế giới và trong nước, đánh giá tình hình tương quan lực lượng địch và ta, từ đó thống nhất chủ trương khẩn trương chuẩn bị khởi nghĩa.
Đình Ấp Vuông, xã Vĩnh Lộc, huyện Bình Chánh, nơi phát ra tiếng mõ trong đêm 22 rạng sáng 23-11-1940 kêu gọi nhân dân trong ấp tham gia khởi nghĩa. Ảnh: TƯ LIỆU
Từ ngày 21 đến 23-9-1940, Bí thư Xứ ủy Tạ Uyên triệu tập Hội nghị Xứ ủy mở rộng tại Xuân Thới Đông (Hóc Môn, Gia Định). Hội nghị thảo luận và thống nhất chủ trương phát động tổng khởi nghĩa trong toàn Xứ, bởi "không khởi nghĩa sẽ có hại, quần chúng mất tinh thần, xa rời Đảng. Tiến hành khởi nghĩa sẽ có lợi, biểu thị được lực lượng đấu tranh giành độc lập"(2). TP Sài Gòn - Chợ Lớn được chọn làm trọng điểm và là nơi phát lệnh khởi nghĩa cho toàn xứ Nam Kỳ.
Trong hai ngày 15 và 16-11-1940, Bí thư Xứ ủy Tạ Uyên chủ trì hội nghị Xứ ủy Nam Kỳ tại Hóc Môn, quyết định hạ lệnh khởi nghĩa và giao cho Ban Thường vụ Xứ ủy quyết định ngày, giờ khởi nghĩa. Giữa lúc đó, tình hình có nhiều biến động bất lợi cho lực lượng khởi nghĩa. Một số cơ sở bị vỡ do có gián điệp chui vào nội bộ. Chính quyền thực dân đã thu được tài liệu kêu gọi chuẩn bị khởi nghĩa, nên khẩn trương đối phó bằng nhiều cách.
Ngày 20-11-1940, Ban Thường vụ Xứ ủy họp khẩn cấp, quyết định giờ nổ ra khởi nghĩa là 0 giờ ngày 23-11-1940, lệnh khởi nghĩa sẽ được phát đi từ TP Sài Gòn.
Trong khi đó, Hội nghị lần thứ 7 của Trung ương Đảng họp tại Bắc Ninh từ ngày 6 đến 9-11-1940 cho rằng Nam Kỳ chưa đứng trước một tình thế trực tiếp cách mạng(3). Do vậy, quyết định hoãn việc phát động khởi nghĩa, giao đồng chí Phan Đăng Lưu truyền đạt chủ trương này đến Đảng bộ Nam Kỳ. Mặc dù vậy, chủ trương của trung ương đã không đến được Xứ ủy Nam Kỳ kịp thời. Lệnh khởi nghĩa đã ban hành tới các địa phương, cuộc khởi nghĩa vẫn nổ ra theo kế hoạch.
Khát vọng mạnh mẽ
Sáng 22-11-1940, Bí thư Thành ủy Nguyễn Như Hạnh đến căn cứ Xứ ủy (tại số nhà 41 đường Dayot, nay là đường Nguyễn Thái Bình, quận 1, TP HCM) nhận chủ trương từ Bí thư Xứ ủy Tạ Uyên, nhưng bị mật thám vây bắt. 16 giờ cùng ngày, Bí thư Xứ ủy Tạ Uyên cũng rơi vào tay địch. Tối 22-11-1940, đồng chí Phan Đăng Lưu bị bắt tại một cơ sở cũ ở Chợ Lớn, khi chưa gặp được Xứ ủy để thông báo chủ trương hoãn khởi nghĩa…
Do những người lãnh đạo chủ chốt bị bắt và chính quyền thực dân áp dụng nhiều biện pháp ngăn chặn, cuộc nổi dậy ở nội thành Sài Gòn - Chợ Lớn không thể diễn ra. Lệnh khởi nghĩa phát đi từ nội thành Sài Gòn cũng không thực hiện được như kế hoạch. Nhưng trên địa bàn tỉnh Gia Định, tỉnh Chợ Lớn sát nội thành và nhiều tỉnh khác như Tân An, Mỹ Tho, Vĩnh Long, Cần Thơ, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cà Mau…, khí thế nổi dậy vô cùng mạnh mẽ. Tại nhiều nơi, quần chúng nhân dân tấn công các đồn địch, chiếm trụ sở của chính quyền thực dân, thành lập chính quyền nhân dân và tòa án cách mạng.
Mặc dù khí thế cách mạng của quần chúng rất cao, chiến đấu vô cùng ngoan cường, song do kế hoạch khởi nghĩa sớm bị lộ, kẻ thù còn mạnh nên cuộc khởi nghĩa đã không thể thành công, lực lượng cách mạng bị tổn thất nặng nề.
Bài học về thời cơ cách mạng một lần nữa được nhắc tới khi mà tình thế và những điều kiện khách quan lẫn chủ quan để thành công chưa thật sự chín muồi. Nhưng có thể khẳng định, quyết định khởi nghĩa của Xứ ủy Nam Kỳ đã được thông qua bởi những con người giàu lòng yêu nước, trên cơ sở của thực tiễn cách mạng trong Xứ, và trên hết là với một tinh thần cách mạng bền bỉ, một quyết tâm và khát vọng mạnh mẽ cho cuộc tranh đấu vì độc lập, tự do cho dân tộc. Tinh thần và những bài học mà khởi nghĩa Nam Kỳ để lại đã và đang được các thế hệ sau tiếp nối, vận dụng cho hành trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Thủ đoạn tàn bạo trấn áp lực lượng nổi dậy
Trước, trong và sau khởi nghĩa Nam Kỳ, chính quyền thực dân đã sử dụng mọi thủ đoạn tàn bạo để trấn áp lực lượng nổi dậy, dìm cuộc khởi nghĩa trong biển máu. Trong các bức điện, Toàn quyền Decoux nhiều lần chỉ thị: "Cần dùng tối đa các biện pháp và bóp nghẹt không thương tiếc bọn phiến loạn". Theo báo cáo của Pháp, tại các tỉnh Gia Định, Chợ Lớn, Biên Hòa, Tây Ninh, Thủ Dầu Một, từ ngày 23-11 đến 31-12-1940 đã bắt được 903 người (chưa kể TP Sài Gòn), phần lớn ở hai tỉnh Gia Định và Chợ Lớn; chung cả Nam Kỳ, chỉ trong 40 ngày đã có 5.848 người bị bắt, hàng ngàn người khác bị địch sát hại tại chỗ (4).
(1): Dẫn theo Báo Nhân Dân, số ra ngày 23-11-1980.
(2): Trần Giang (1996), Nam Kỳ khởi nghĩa ngày 23-11-1940, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr.39.
(3): Đảng Cộng sản Việt Nam (2000), Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 7, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr.58.
(4): Trần Huy Liệu (1961), Lịch sử tám mươi năm chống Pháp (quyển 2, tập Hạ), NXB Văn Sử Địa, Hà Nội, tr.62.
Bình luận (0)