"Đã ra chiến trường là dám đương đầu với cái chết. Còn cánh tay, đôi chân mà nản chí là hổ thẹn với lương tâm, có tội với đồng đội đã ngã xuống. Thương binh chúng tôi tàn nhưng không bao giờ phế" - ông Lê Quang Điển (71 tuổi; ngụ tổ dân phố Văn Tâm, thị trấn Đinh Văn, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng) trải lòng.
Bản lĩnh người lính
Tham gia chiến trường biên giới Tây Nam, trong một trận đánh đạn pháo đã cướp đi cánh tay trái của ông Lê Quang Điển. Tháng 10-1968, ông trở về quê hương Nam Định với cuộc sống mới bộn bề khó khăn của một thương binh hạng 1/4.
Năm 1996, một lần nữa ông vào Nam. Lần này là theo chủ trương của Đảng và nhà nước, đi xây dựng vùng kinh tế mới. Ông đưa vợ con vào vùng kinh tế mới Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng, định cư tại thị trấn Đinh Văn của huyện này cho đến nay.
Thương binh Lê Quang Điển bên rẫy dâu của mình
Suốt bao năm tham gia chiến đấu, trở về địa phương với cuộc sống đời thường, thương binh Điển vẫn hăng say lao động sản xuất với vai trò trụ cột gia đình. Chiếc áo xanh từng gắn bó với ông xông pha trận mạc, giờ lại theo ông trên mặt trận kinh tế trên đất mới Lâm Hà.
Trong những ngày đầu khó khăn, chưa quen với sinh hoạt, lao động nông nghiệp giữa rừng xa hoang vắng, thiếu thốn trăm bề nhưng đổi lại anh thương binh trẻ được sự yêu thương, đùm bọc, giúp đỡ của đồng bào dân tộc bản địa. Tình làng nghĩa xóm ở vùng kinh tế mới giúp ông vượt qua mặc cảm, không nản chí trước khó khăn nơi đất khách quê người. Ông nhớ lại: "Ngày đó, đất Lâm Hà là nơi rừng thiêng, đường sá đi lại hết sức khó khăn, đưa gia đình vào đây chưa được một năm thì vợ tôi bị sốt rét. Có lần vợ tôi trở bệnh nặng, tím tái người, tưởng không qua khỏi, may nhờ già làng, bà con người dân tộc cứu sống bằng lá cây rừng".
Vợ ông là bà Trần Thị Nhanh cũng từ cơn bạo bệnh đó, sức khỏe hoàn toàn yếu đi không còn sức lao động nữa. Lúc đó, 3 con ông tuổi còn nhỏ, bản thân lại cụt một tay nên gánh nặng của một gia đình nghèo đè nặng lên vai ông.
Nhưng với tinh thần tự lực tự cường, phát huy truyền thống người lính bộ đội Cụ Hồ, ông Điển đã lao động không biết mệt mỏi. Từ nguồn vốn ít ỏi của Hội Cựu chiến binh Văn Tâm, ông Điển mua một cặp bò, cải tạo đất trồng dâu nuôi tằm, trồng khoai môn và ghép cây giống cà phê cao sản. Nhờ chí thú làm ăn, sáng tạo lao động nên dần dần gia đình ông Điển thoát nghèo.
"Tất cả cũng nhờ từ anh em đồng đội là những cựu chiến binh ở tổ dân phố Văn Tâm mà gia đình tôi mới có điều kiện chăn nuôi kết hợp trồng dâu nuôi tằm, canh tác cà phê. Khó khăn vất vả hơn 10 năm mới thoát nghèo, đến nay cũng xây được căn nhà khang trang. Có được như hôm nay là chuỗi dài trần ai lắm, là máu lẫn nước mắt trên mảnh đất mới Lâm Hà" - ông Điển tâm sự.
Giúp dân cùng làm giàu
Đã ngoài tuổi 70, những bước chân không còn nhanh nhưng ý chí bộ đội Cụ Hồ của người lính già không cho phép ông Điển dừng bước.
Khởi đầu với một cặp bò thịt bằng nguồn vốn vay của Hội Cựu chiến binh Văn Tâm, gần 20 năm trên quê hương mới Lâm Hà, đến nay, gia đình ông Điền trở thành hộ khá giả. Hơn 2 ha đất nông nghiệp canh tác cây cà phê cao sản, dâu tằm và khoai môn, vườn ươm và cung cấp giống cây cà phê cao sản, kết hợp với xưởng cơ khí, gò hàn... giúp gia đình ông có nguồn thu bạc tỉ.
Chuồng bò do ông gầy dựng từ những ngày đầu vào vùng kinh tế mới Lâm Hà
Không chỉ làm giàu cho mình, ông Điển còn giúp người nghèo vươn lên. Ai cần hỗ trợ về kỹ thuật, vốn là ông Điển giúp ngay, kể cả giới thiệu thương lái thu mua kén tằm, nông sản để giải quyết đầu ra cho bà con. Ông còn ủng hộ quỹ người nghèo, quỹ khuyến học, vận động nhân dân làm đường giao thông nông thôn... Hình ảnh người lính già đến từng vườn dâu, vườn cà phê chỉ dẫn nông dân tận tình trở thành quen thuộc với người dân ở vùng đất Lâm Hà. Bà Nguyễn Thị Phương (65 tuổi, ngụ thị trấn Đinh Văn) nhận xét: "Bà con chúng tôi rất mừng vì có một cựu chiến binh làm kinh tế giỏi, tận tình giúp đỡ để mọi người cùng vượt khó vươn lên. Nhiều gia đình, trong đó có cả gia đình tôi, không còn khó khăn như trước cũng nhờ có bác ấy hỗ trợ".
Nhiều năm nay, thương binh Lê Quang Điển nhận được nhiều giấy khen của địa phương và trung ương trong việc giúp đỡ đồng đội làm kinh tế, giúp đỡ nông dân cùng làm giàu. Hiện tại, cơ sở giống cây cà phê cao sản và xưởng sắt gò hàn của gia đình ông giải quyết việc làm cho hàng chục lao động địa phương. Một số người dân, nhất là người dân tộc thiểu số, còn được ông lo chỗ ở, gắn bó với ông gần chục năm. "Tôi xem ông như ân nhân vậy. Chồng tôi không may bị bệnh nặng mất sớm, con còn nhỏ, cuộc sống rất khó khăn. Mỗi lúc gia đình thiếu thốn hay gặp khó khăn gì ông cũng sẵn lòng giúp đỡ" - chị Ka Y Liên (27 tuổi, ngụ tại thị trấn Đinh Văn) bày tỏ.
Cựu chiến binh gương mẫu
Ông Lê Văn Hùng, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Lâm Hà, nhận xét ông Lê Quang Điển là người có nghị lực phi thường, hết lòng vì dân. "Không chỉ là cựu chiến binh gương mẫu trong phát triển kinh tế, ông còn giúp dân cùng làm giàu, chung sức cùng chính quyền địa phương làm đường, xây dựng nông thôn mới" - ông Hùng nói.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 24-7
Kỳ tới: Anh hùng phi công giữa thời bình
Bình luận (0)