Đường vào trường đua heo là cánh đồng cỏ thơ mộng với những chú ngựa bạch tha thẩn gặm cỏ dưới rừng đào trắng. Từ sáng sớm, những "vận động viên" heo đã được A Dũng, một nhân viên người dân tộc Raglay, đưa vào trường đua chăm sóc, tắm rửa. Các chú ủn chạy nhảy, đùa giỡn, "cắn nhau" chí chóe mặc cho huấn luận viên vệ sinh chuồng trại.
Kỳ thú đua heo
Trường đua heo rộng khoảng 4 m, dài khoảng 30 m với nhiều chướng ngại vật như "núi", "sông", rào cản. Phía xuất phát nối liền với khu chuồng được chia làm 7 làn chạy có đánh số. Mỗi đường chạy chỉ khoảng 50 cm vừa đủ cho 1 chú heo.
Trường đua heo ở Công viên Du lịch Yang Bay
Khoảng 9 giờ sáng, khi những vị khách Nga đầu tiên bước vào trường đua, A Dũng gõ lách cách vào hàng rào. Cửa chuồng vừa mở, các chú heo đã nhanh chóng vào các đường chạy một cách trật tự, ngay ngắn. Trong lúc này, khán giả có thể mua vé theo số thứ tự để đặt cược cho chú heo mình thích để tạo cảm giác hào hứng hơn khi tham gia trò chơi. Phần thưởng may mắn cho vị khách nào cược đúng sẽ là 1 quả trứng đà điểu được chạm khắc tinh tế.
Các vận động viên ủn ỉn đã sẵn sàng vào cuộc thi
Tăng tốc về đích
Bắt đầu cuộc đua, tiếng trống nổi lên dồn dập, các huấn luyện viên và khán giả cầm roi gõ liên tục vào trường đua để cổ vũ. Những chú heo lao lên phía trước, nhảy qua các chướng ngại vật rất điệu nghệ và về đích nhanh chóng. Ở đích đến, các "vận động viên" ủn ỉn được thưởng nóng thức ăn và làm "người mẫu" cho khán giả chụp hình.
Cú nhảy điệu nghệ để vượt chướng ngại vật
Tăng tốc trước khi về đích
Sau khi đua xong, các chú ủn ỉn ngoan ngoãn quay trở lại điểm xuất phát bằng lối đi dọc theo đường đua để tiếp tục đua ở những vòng kế tiếp. Theo các huấn luyện viên, thường thì vào buổi sáng, các chú ỉn đói bụng nên chạy rất hăng, còn đến trưa, khi được "thưởng" no cám thì đủng đỉnh… đi dạo cho hết vòng.
Vượt "núi" cao
Về đích trong niềm vui của khán giả
Du khách Trần Minh Ngọc (đến từ TP HCM) cho biết: "Đây là một trò chơi thú vị của Công viên Yang Bay mang đậm bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc mà tôi được biết. Nhân dịp năm Kỷ Hợi cả nhà đã mua vé đua heo cho chú heo số 1 để cầu may mắn cho năm mới".
Nét đặc sắc người Raglai
A Dũng, huấn luyện viên trường đua làm việc đã 10 năm, cho biết trò chơi đua heo ở Công viên Yang Bay xuất phát từ một phong tục của dân tộc Raglai ở đây vào Lễ mừng Lúa Mới (tháng 3 âm lịch). Trong các dịp lễ này, mỗi gia đình trong buôn làng đều chọn ra 1 chú heo khỏe nhất để chạy thi với những chú heo khác. Các chú heo này tất nhiên không được huấn luyện nên phải dùng roi để buộc heo phải chạy. Chú heo nào thắng cuộc sẽ được mổ thịt để cúng tế giàng mong cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Gia đình nào có heo chiến thắng sẽ gặp được nhiều may mắn.
Giống heo đen đặc trưng của người Raglai với khuôn mặt thông minh, ngộ nghĩnh
Khi Công viên Du lịch Yang Bay đưa vào hoạt động, những huấn luyện viên đi vào thôn bản lựa giống heo của người Raglai để đưa về "trường đua". Theo A Dũng, ban đầu sử dụng heo nhà để luyện tập nhưng heo nhà không chịu chạy mà chỉ đi, trong khi heo đồng bào Raglai thì rất năng động. Giống heo này được người Raglai nuôi theo kiểu thả vườn, sống ven rừng. Heo rừng xuống phối giống nên heo thường có hình dáng như heo rừng nhưng nhỏ hơn. Giống heo của người Raglai có mõm dài, màu đen, lông cứng và dài. Đây là loài heo có sức đề kháng cao, sức khỏe tốt, khá thông minh và năng động nên rất dễ huấn luyện.
Các chú heo rất thân thiện với các huấn luyện viên
Còn theo huấn luyện viên Nguyễn Ngọc Khuê, hiện nay Công viên Yang Bay đang nuôi đàn heo đua với 40 con, trong đó có 2 nhóm đua chính với 14 con ở 2 chuồng. Các heo đua bắt đầu tập chạy từ lúc 45 ngày tuổi. Các chú heo tập thói quen chạy theo đường đua, kết thúc sẽ có cám để "nạp năng lượng". Các chú được tập ròng rã trong vòng 6 tháng thì các chú heo mới trở thành "vận động viên" có kỹ năng chạy đua. "Chỉ cần mở chuồng là ngay lập tức các " vận động viên" đi đến các ô để đua, xong thì ăn cám rồi tự động đi về chuồng như bản năng" – anh Khuê cho biết.
Chú heo con được chăm sóc cẩn thận
Theo các huấn luyện viên, việc tập chạy cho heo cũng khá vất vả vì các chú ủn rất hiếu động, chạy tới chạy lui. Nhiều chú tham ăn đến nỗi cắn cả vào tay của huấn luyện viên. Mỗi ngày, các chú được luyện tập 2-3 tiếng. Mỗi lứa vận động viên kéo dài 3-5 năm thì đưa vào chuồng để tạo giống mới. A Dũng, người dân tộc Raglay, ôm chú heo vào lòng tâm sự: "Tôi rất mong muốn phát triển đàn heo này. Thứ nhất là giữ được bản sắc đồng bào dân tộc mình. Thứ 2 là không làm mai một giống heo quý".
Kỳ thú đua heo cầu may ở Yang Bay
Bà Trần Thị Kim Phương, Phó Giám đốc Công viên Du lịch Yang Bay, cho biết trò đua heo được rất nhiều du khách hào hứng tham gia vì sự ngộ nghĩnh của các chú heo. Đặc biệt, các du khách nhí rất thích thú, thậm chí nhiều em nhỏ còn bật khóc khi chú heo mình chọn không chịu chạy. Chính vì thế, đua heo ở Yang Bay thật sự có những nét thu hút rất riêng, rất đáng nhớ.
Bình luận (0)