Cuộc sống ở quê nghèo khó, đầu năm 2008, lúc đó tôi 45 tuổi, thông qua một đường dây "mồi chài" đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) sang Anh, tôi đánh liều vay mượn gần 500 triệu đồng (khoảng 15.000 bảng Anh) để vượt biên trái phép.
Nín thở qua trạm gác
Ban đầu, tôi đưa trước cho họ khoảng 1.000 bảng, còn lại 14.000 bảng sẽ được chuyển khi tôi đến Anh.
Điểm đến đầu tiên của tôi là CH Czech. Tại đây, một người đàn ông Việt Nam trong đường dây dẫn tôi về nhà ăn ở, chờ thời điểm thích hợp sang Anh. Sau 6 tháng sống tại CH Czech, tôi được đưa "chui" sang Đức bằng tàu lửa và trốn chui trốn nhủi gần 2 tháng. Thất nghiệp, không nơi ăn chốn ở, tôi đi bán thuốc lá "lậu" kiếm sống qua ngày mà lúc nào cũng sợ hãi bị cảnh sát tóm.
Ông Trần Thanh Văn kể lại câu chuyện đã ám ảnh ông hơn 10 năm qua Ảnh: MINH TUẤN
Hai tháng sau, cũng bằng tàu lửa, tôi được đưa đến một bến bãi tập kết hàng hóa nằm trong rừng sâu nước Pháp. Nơi đây, ngoài hàng trăm lao động chủ yếu là người Việt Nam, Trung Quốc và một số nước châu Phi, còn có bọn "đầu rắn" chuyên buôn người và nhiều băng đảng mafia.
Tại bãi tập kết hàng hóa này, để tránh bị cảnh sát Pháp phát hiện, hằng ngày, chúng tôi phải chui vào rừng sâu trốn, đến 22 giờ mới được phép xuất hiện ở bến bãi - nơi hàng trăm chiếc container chở hàng hóa tập kết. Chờ sơ hở của các tài xế, bọn mafia sẽ ép và nhồi nhét các lao động lên những thùng xe container bằng bạt hoặc xe thùng hàng đông lạnh để sang Anh.
Nếu ai sợ không lên thì xem ra mất cơ hội sang Anh vì bọn mafia chỉ sắp xếp một lần cho một người. Ai cũng đã bỏ một đống tiền để đi, giờ nếu không nghe lời chúng xem ra mất trắng nên đành cắn răng làm theo dù biết là hiểm nguy cận kề.
Phần lớn những người trốn sang Anh phải mặc rất nhiều lớp áo quần vì chỉ được phép mang theo những gì họ mặc dưới sự giám sát của bọn buôn người. Mỗi người phải có một túi ni-lông và bị ép phải vào trong túi đó. Khi xe dừng lại, tất cả trốn trên xe hoặc dưới gầm phải dùng tay nắm chặt túi ni-lông để ngưng thở, cho đến khi xe qua được trạm. Mỗi trạm kiểm soát như vậy xe dừng chừng 2-3 phút.
Trên chuyến xe sang Anh có một thanh niên khác quê ở Nghệ An. Tôi và anh ta bị ép phải nằm dưới gầm xe container kín mít. Mỗi người mặc 3 lớp áo quần, nằm trong túi ni-lông suốt nhiều giờ, không ăn uống và đi vệ sinh trong quần. Nhiều lao động khác bị ép lên các xe container, có cả xe đông lạnh. Nếu trót lọt qua Anh, họ sẽ bị nhốt trong thùng xe đóng kín suốt từ 3-5 giờ, rồi được cẩu lên một chiếc phà chở qua Anh vào những ngày lạnh nhất trong năm.
Đến khi bí thở vì thiếu không khí, họ sẽ đập vào thùng xe kêu cứu. Nếu tài xế nghe thấy, phát hiện có kẻ trốn trong xe để nhập cư bất hợp pháp, mọi người sẽ bị đuổi xuống xe và phải tìm cách trở lại bãi tập kết để tìm chuyến xe mới.
Trở về từ cõi chết
Suốt nửa tháng, tôi phải trở đi trở lại bãi tập kết sau 12 chuyến xe thất bại. Có chuyến nằm dưới gầm xe, tôi bí thở quá muốn mở thùng chui ra nhưng nếu mở ra mà lúc xe đang chạy thì sẽ bị bánh xe cán chết. Nhiều chuyến tôi tưởng như sẽ chết trong bóng tối đặc quánh suốt nhiều giờ.
Ai đen đủi thì bị bọn mafia xếp trên xe mang biển số Anh nhưng chuyến hàng đó không phải sang Anh mà sang một quốc gia khác. Tại bãi container, tôi nghe những câu chuyện rùng rợn về cái chết như cơm bữa của nhiều phụ nữ.
Trước khi đi lao động, bọn buôn người hứa hẹn sẽ cho bay thẳng đến Anh xin tị nạn nhưng thực chất họ đưa đến nhiều quốc gia Đông Âu như CH Czech, Bulgaria, Hungary... và được nhóm buôn người đưa sang Đức, rồi Pháp trên chuyến xe container cuối cùng để sang Anh. Lao động Việt qua đó phải trốn trong chiếc container, có người không chịu nổi đã phải bỏ mạng. Có những phụ nữ bị hãm hiếp, đánh đập thô bạo khi chưa kịp sang Anh.
Trên chuyến cuối cùng sang Anh, tôi và một người khác may mắn sống sót vì trú ngụ trên thùng container bằng bạt. Khi bí thở, chúng tôi rạch bạt, cho đến khi tới trạm cảnh sát thì ngồi lại vào túi ni-lông bịt chặt để tránh máy dò nhiệt, chó nghiệp vụ phát hiện. Nhưng không phải ai cũng may mắn như chúng tôi.
Đến Anh trót lọt, không phải như lời hứa hẹn của những kẻ buôn người, tôi bị ép phải làm các việc bất hợp pháp tại nước Anh như trồng cây cần sa. Một năm sau, tôi bị cảnh sát Anh bắt vào tù, cho đến ngày trục xuất về nước.
Những ngày này, đọc báo thấy thông tin 39 người tử vong nghi có người Việt bị nhốt trong thùng xe đông lạnh container, tôi lại nhớ về những chuyến đi chết chóc đã ám ảnh tôi hơn 10 năm nay. Thùng xe container sang Anh thường chở rất nhiều hàng hóa. Một chiếc thùng chật hẹp như vậy mà nhồi nhét đến 39 người, ngay cả thùng bạt cũng khó để thở được, huống gì thùng đông lạnh. Nếu đi như thế này, tỉ lệ sống sót sẽ rất thấp.
10 năm trở về quê hương, cuộc sống của tôi đã bớt khó khăn, tôi cất được căn nhà khang trang và sống vui vầy bên người thân, hàng xóm. Với những người ấp ủ hy vọng "đổi đời" khi sang Anh bằng các đường dây bất hợp pháp, tôi mong rằng đừng nên tin vào những kẻ "mồi chài" bởi sẽ có thể trả cái giá rất đắt, đánh đổi bằng cả mạng sống của mình.
Ông Phan Ngọc Quyết, Chủ tịch UBND thị trấn Hoàn Lão, xác nhận từ năm 2008-2010, ông Trần Thanh Văn cũng như nhiều trường hợp khác tại địa phương từng làm hộ chiếu sang các nước châu Âu để XLKĐ với mong muốn làm giàu nhưng phương thức đi thì địa phương không nắm được.
Còn ông Nguyễn Ngọc Phương, Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Bố Trạch, cho biết tại địa bàn hiện không có đường dây, chi nhánh nào được cấp phép tuyển dụng XKLĐ sang Anh mà chủ yếu là các nước Đông Á. Nếu họ muốn đi Anh họ sẽ thông qua các đường dây môi giới có thể ở Hà Nội hay Trung Quốc rồi đi "chui". "Nhiều trường hợp đánh liều, vay rất nhiều tiền để đi "chui" sang Anh với mục đích làm việc, người may mắn thì có chút vốn liếng, có nhiều trường hợp khi vừa sang đã bị phát hiện phải quay về nước, để lại cho gia đình khoản nợ khổng lồ" - ông Phương nói.
Bình luận (0)