Hôm sáng 15-9, TP HCM mưa tầm tã. Mở mạng vào Facebook thấy ngập thông tin con em miền Trung hỏi nhau về diễn biến cơn bão số 10.
Ở trong nhà mà như giữa trời
Chưa kịp nghe hết chương trình dự báo thời tiết, cháu tôi gọi điện từ quê vào, giọng thảng thốt: "Cậu ơi! Bão thật chưa mà khiếp rứa, không dám mở cửa ra ngoài nữa rồi. Mưa không to nhưng gió kinh lắm". Ấy là khi đài truyền hình vẫn nói tâm bão cách đất liền cả trăm ki-lô-mét.
Thoát thân trong bão dữ Ảnh: TRUNG SƠN
Nhưng không phải đợi lâu mới biết "đòn gánh" miền Trung của cả nước sẽ hứng chịu những gì giữa tâm bão. Lát sau, cháu tôi gọi điện báo tin vợ cùng 2 cô giáo nữa rạng sáng lo quá nên rủ nhau vượt đường rừng từ một trường học ở cuối huyện về nhà chống bão. Phóng xe suôn sẻ mấy chục km, còn chút xíu nữa là đến nhà nhưng xui xẻo gặp cây đổ bất ngờ ngang đường. Các cô quăng xe đâm nháo nhào vào nhau. Khi người nhà biết tin đến đưa đi bệnh viện thì bệnh viện cũng đang lúc bấn loạn, điện cúp. Hoảng quá, định đưa thẳng vào TP Đồng Hới cho chắc ăn nhưng cây đổ tứ tung, tôn từ các mái nhà bay vèo vèo xuống đường, không xe nào dám chạy. Đường tắc. Cháu tôi nói sau khi đưa vợ vào một cơ sở y tế gần nhất, giao cho con trông nom để quay về nhà xem tình hình thế nào. Vừa vào nhà thì mái ngói giật bần bật như động kinh rồi gió rút từng viên ném vèo vèo. Phút chốc, ở trong nhà mà như giữa trời, tìm không ra chỗ núp.
"Chừ được chăng hay chớ cậu ơi. Ra cũng chết, ở trong nhà cũng chết. Đến mô thì đến cho rồi" - đứa cháu nói như khóc. Mạng viễn thông mất, từ đó không liên lạc được nữa cho đến khi bão tan.
Gọi điện cho em tôi là Lương Thanh Tấn, bí thư Đảng ủy một xã, giọng hắn khô khản: "Anh em đang trực chiến hết ở trụ sở mà giờ như ngồi giữa mưa chứ cái mái to rứa mà bị bão quăng xuống sân rồi. Chừ trời thương được mấy thì nhờ mấy thôi". Cái trụ sở xã 2 tầng lầu này là công trình quy mô mới nhất trong chương trình nông thôn mới của xã, cũng vừa bàn giao sử dụng đâu chừng hơn năm. Xây dựng quy mô thế mà bão tốc mái được thì nhà cấp 4 trong các cụm dân cư sao chịu nổi.
Phía trước trụ sở xã này là nhà cô giáo Trần Thị Thủy. Nhớ năm 2013, cũng vào tháng 9 nhưng ngày 30, cũng một cơn bão số 10 đổ vào miền Trung, gió giật đến độ được xem là mạnh nhất trong 28 năm (kể từ 1985) bê nguyên mái của dãy 6 phòng học từ trường THCS cách đó cả trăm mét úp lên nhà cô Thủy. Dạo đó, chồng cô vừa mất vì bệnh, một nách 2 con thơ bỗng thêm cảnh tay trắng.
Phía trong trụ sở xã là Lèn Choi, mộ bác cả nhà tôi nằm đó. Bác mất khi tôi còn rất nhỏ. Ba tôi kể dịp bác mất cũng là bão chồng lũ. Nước ngập hết bàn thờ ngày này sang ngày khác không chịu rút. Xóm làng biết nhưng ít người dám liều lĩnh bơi đến giúp đỡ, thành thử anh em trong nhà "liệu cơm gắp mắm". Chờ quá lâu thấy không ổn, gia đình quyết định neo đá tảng vào áo quan để dìm xuống, đợi khi nước rút mới đào huyệt chôn cất.
Vẫn yêu đời
Thuở nhỏ, hễ thả trâu bò vào chân núi xong là đám trẻ chúng tôi xúm quanh ông Cu Nậy, nghe hát "Quảng Bình quê ta ơi" theo kiểu của ông. Bắt đầu vẫn phải là "nếu ai hỏi vì sao, quê hương chúng ta nhiều ngói mới". Đến đó, ông dừng hát, cởi nón cời khua một vòng điệu nghệ như các chị múa quạt. Rồi ông quay đầu gậy dộng xuống đường làm nhạc đệm, lại gào lên: "Bớ anh nhạc sĩ Hoàng Vân ơi! Không phải giàu có chi mô mà bão lụt phá hết rồi, phải mua ngói mới lợp lên ở chứ chịu mưa chịu nắng răng nổi rứa hè".
Lại cộc cộc cộc. Lại tiếp: "Quảng Bình khoai khoai toàn khoai". Cộc cộc cộc. "Lụt trôi hết rồi, có khoai mà ăn là may lắm ông Hoàng Vân ơi", lại cộc cộc cộc. Cả đám trẻ vây quanh ông, loi choi nhảy rồi gào theo "khoai khoai toàn khoai" phụ họa như một dàn hợp xướng hoang dã. Cái giọng khàn đục thuốc rê của ông lúc gằn lên như bão rít, lúc thẳm sâu ma quái như sóng lừng, nghe khó mà quên.
Các lực lương quân dội, công an giúp dân khắc phục hậu quả bão lũ
Ông Cu Nậy nghèo xác xơ nhưng cái món hát hò, làm thơ thì như nước lụt. Lụt bão xong, có đận đói rã mà ông vẫn nằm vắt tréo chân lên chõng tre (ông gọi văn hoa là giường Việt), ngâm nga: "Đeo kính Liên Xô, áo Thái Lan. Cháo Hoa, giường Việt sướng nhứt đời". Nói kính nhưng chỉ là kính không tròng nhặt được đâu đó mà bẻ gọng gập đôi vẫn không gãy, tốt thế thì ông bảo chỉ có Liên Xô mới làm được. Cái áo bà con bên Thái Lan dịp về cứu trợ cho ông chẳng biết xuất xứ từ đâu. Gạo ít không dám nấu cơm chỉ đem nấu cháo loãng lõm bõm theo kiểu cháo trắng của người Trung Quốc thì ông gọi là cháo Hoa. Vì bài thơ này mà ông còn có biệt danh là "ông Liên Hiệp Quốc".
Gần nhà ông Cu Nậy còn có ông Mẹt Hịm cũng hài hước không kém. Dạo những năm 1980, cũng một lần siêu bão, khi xóm làng kéo nhau đi tìm chỗ ẩn núp thì ông Mẹt Hịm ra giữa sân, tuột quần chổng mông lên trời mà hét: "Bớ Thiên Lôi, ông ác chi mà ác hung ác tợn. Có giỏi thì quạt hết gió coi đủ mát cái lỗ quan Mẹt Hịm không tề". Bão tan, lạ là xóm làng xơ xác, chỉ mỗi nhà ông là nguyên vẹn. Bà con chạy sang hỏi "răng tài rứa"? Ông nói "Thiên Lôi sợ tui thách đấu mà". Nói rồi ông xoay mông chỉ: "Nhưng mà trước khi bỏ chạy, Thiên Lôi cũng kịp ném chùy vào mông tui nè". Hóa ra là mông ông hứng trọn cả một quả mít!
Nhớ năm nào tôi về ghé thăm, ông khoe cái thư thằng con đi xuất khẩu lao động gửi về: "Thằng ni lạ thiệt, viết thư cho bọ lúc mô cũng hỏi rứa dạo ni có chi vui không? Cái thằng thiệt tình, tui trả lời cả năm ni không lụt không bão lấy chi mà vui con ơi?". Thấy tôi không hiểu, ông tiếp: "Bão lụt đến rồi đi, đau thiệt, xót thiệt nhưng bộ đội, học sinh, sinh viên về làng đông lắm. Họ giúp dân thông đường, lợp lại nhà rồi còn tổ chức văn nghệ vui lắm chứ bình thường ai đến cái nơi heo hút này". Ra thế. Ấy là ông còn chưa khoe hễ có đoàn nào về giúp dân là ông với ông Cu Nậy lại được dịp trổ tài phục vụ miễn phí thơ ca để đáp lễ.
Giờ thì ông Cu Nậy và Mẹt Hịm đã mất nhưng hậu sinh tếu táo như các ông thì quê tôi nhiều lắm. Bão lụt suốt nên đói nghèo đeo đẳng nhưng vẫn cứ yêu đời.
Mà không tếu táo thế chắc gì bám trụ nổi.
Chuyện bão lụt thành nỗi kinh hoàng ám ảnh suốt đời tôi. Có người tếu táo gọi là đặc sản - thứ đặc sản nghĩ đến là khiếp đảm nhưng như một tâm thức níu kéo khiến ai xa quê cũng thổn thức.
Bình luận (0)