Là người gắn bó với cả hai miền Nam-Bắc bán đảo Triều Tiên, nguyên thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Phú Bình chia sẻ với Báo Người Lao Động những kỷ niệm của ông về thời thanh niên ở CHDCND Triều Tiên và thời gian công tác tại Hàn Quốc, tình cảm cũng như nhận định về người dân nơi đây:
Nơi in dấu thời thanh xuân
Tôi đã sống ở cả hai miền Nam-Bắc bán đảo Triều Tiên. Là 1 trong 200 lưu học sinh Việt Nam tại Triều Tiên trong những năm 1965-1970, chúng tôi đã ăn ở và sinh sống trong một môi trường thân tình. Sau đó 35 năm, vào năm 2005, tôi được thăm lại Triều Tiên trên cương vị thứ trưởng Bộ Ngoại giao với mục đích tham khảo chính trị. Dù sau này chưa có dịp quay trở lại, nhưng tôi vẫn giữ quan hệ tốt với Đại sứ quán Triều Tiên tại Việt Nam.
Đại sứ Nguyễn Phú Bình nói một thời thanh xuân của ông gắn bó với đất Triều Tiên
Thời thanh xuân của chúng tôi gắn bó với đất Triều Tiên, tôi thấy đó là một mảnh đất rất thân thiết với mình. Những năm 1950-1953, chúng ta có chủ trương học tập một số kinh nghiệm của Triều Tiên. Sau đó, ngay trong lúc chiến tranh, họ đã nhận và nuôi nấng hàng trăm sinh viên Việt Nam.
Giữa hai nước có nhiều cơ sở hữu nghị. Ngày trước Việt Nam có hợp tác xã Việt-Triều Xuân La, còn Triều Tiên có một nông trang tập thể Triều-Việt. Nhà máy dệt Nam Định cũng kết nghĩa với nhà máy dệt Bình Nhưỡng. Một dấu ấn nữa ở khu nghĩa trang liệt sĩ tại Bắc Giang. Triều Tiên có đội ngũ chiến sĩ phòng không - không quân sang giúp đỡ Việt Nam chiến đấu và một số đã hy sinh. Hài cốt của họ giờ đã được chuyển về Triều Tiên nhưng bia dựng biểu tượng vẫn còn và được người dân Việt Nam chăm sóc chu đáo. Hiện nay tại Trung Tự (Hà Nội) vẫn có cơ sở mẫu giáo Việt-Triều. Thời gian cán bộ Triều Tiên sang giúp ta xây cơ sở mẫu giáo này, tôi mới kết thúc nhiệm kỳ công tác ở Triều Tiên năm 1977, tôi có cơ hội hỗ trợ công tác phiên dịch cho các chuyên gia xây dựng ngôi trường.
Khi còn ở Triều Tiên, chúng tôi hay đi dự mít tinh ủng hộ Việt Nam. Có rất nhiều cuộc mít tinh, những khi xảy ra một cuộc tàn sát ở miền Nam Việt Nam, hay tội ác không quân Mỹ tại miền Bắc Việt Nam, các cơ sở lại tổ chức và mời lưu học sinh Việt Nam đến dự. Không khí xúc động trong những cuộc mít tinh đó đến giờ tôi vẫn nhớ như in.
Một vinh dự của chúng tôi là chỉ 4 tháng sau khi sang Triều Tiên, chúng tôi được đón Chủ tịch Kim Nhật Thành đến thăm ký túc xá Trường Đại học Tổng hợp Kim Nhật Thành ở Bình Nhưỡng vào tháng 12-1965. Trường này trước kia đã có ký túc xá cho lưu học sinh quốc tế ở bên đường đối diện, nhưng lưu học sinh Việt Nam được nhận một lúc tới 200 người nên đã xây thêm một tòa nhà mới cho lưu học sinh Việt Nam tại Bình Nhưỡng.
Cơ sở hạ tầng của Triều Tiên rất tốt. Năm 1965, khi tôi mới sang học, cạnh trường có những đoàn xe ngày đêm lấy đất đá từ lòng núi chở đi xây dựng. Trong giai đoạn tôi làm việc tại đại sứ quán năm 1973-1977, Triều Tiên khánh thành rất nhiều đoạn điện ngầm. Tàu điện ngầm họ làm phục vụ cho cả trong chiến tranh, sau này khi sang Nga tôi thấy tàu điện ngầm của Triều Tiên không kém gì, và họ cũng đưa các tác phẩm nghệ thuật vào hệ thống, mang hơi hướng cách mạng.
Với cơ sở hạ tầng như vậy, khi tiếp tục mở cửa, Triều Tiên sẽ phát triển rất mạnh. Hòa bình là yếu tố đem lại thịnh vượng nên chắc chắn hai bên rất ủng hộ.
Nỗi niềm đau đáu
Sau này, khi tôi đã trở thành Đại sứ Việt Nam tại Hàn Quốc từ năm 1992, tôi nhận thấy người dân hai miền, dù ý thức hệ khác nhau, nhưng họ đều giống nhau là mong muốn thống nhất. Thấy Việt Nam thống nhất đất nước, họ rất ngưỡng mộ và mong muốn một lúc nào đó cũng được như Việt Nam.
Kinh tế Hàn Quốc phát triển đi trước Việt Nam nhưng vấn đề thống nhất họ còn rất đau đáu và khổ tâm. Một dân tộc mà bị chia cắt, không đến được với nhau.
Tôi gặp nhiều người từ miền Bắc di cư xuống miền Nam Triều Tiên khi chiến tranh kết thúc. Họ nhớ miền Bắc, coi đó là ruột thịt. Anh em trong nhà có lúc không ưa nhau nhưng vẫn là ruột thịt, họ nói vậy. Một điểm chung là họ đều rất ý chí, mạnh mẽ và bộc trực.
Đại sứ khẳng định khi tiếp tục mở cửa, Triều Tiên sẽ phát triển rất mạnh
Với hội nghị thượng đỉnh lần này, rõ ràng người dân hai miền mừng lắm. Sự kiện này cho họ thêm hy vọng tăng cường hợp tác, mở cửa. Kinh tế miền Bắc khó khăn, nhất là sau khi bị cấm vận, mọi thứ suy giảm. Rõ ràng từ người dân đến lãnh đạo mong muốn sang một giai đoạn mới để yên tâm tập trung phát triển. Mấy chục năm qua, vì căng thẳng họ vẫn phải tập trung phát triển quân sự. Cho tới nay Triều Tiên muốn tập trung phát triển kinh tế, mở rộng quan hệ và giao thương với các nước.
Còn đặc biệt ở miền Nam, người dân đã quen sống hòa bình, thịnh vượng trong bao năm nay, và không mong muốn lại cuốn vào một cuộc chạy đua vũ trang. Trước đây, tôi làm Đại sứ Việt Nam tại Hàn Quốc, thời điểm Triều Tiên rút khỏi Hiệp định về phi hạt nhân, nhiều Việt kiều rất lo lắng, thường xuyên liên hệ với Đại sứ quán bởi lo ngại nguy cơ chiến tranh.
Đó là về tâm tư, còn trong trường hợp hai miền tăng cường cởi mở và hợp tác với nhau sẽ đem lại hiệu quả lớn. Tài nguyên của bán đảo Triều Tiên tập trung ở phía Bắc, trong khi đó, nhân lực Hàn Quốc vẫn còn thiếu thốn, có thể bổ sung cho nhau cùng phát triển. Đặc biệt, hai miền đều cùng 1 dân tộc, sẽ dễ hiểu nhau hơn. Nhất là nếu Khu Công nghiệp Kaesong mở rộng ở nhiều nơi thì hai miền sẽ cùng phát triển phồn vinh. Hòa bình là yếu tố đem lại hòa bình cho hai bên nên chắc chắn hai bên rất ủng hộ.
Khi mới sang Hàn Quốc, tôi đã thấy được ý chí của họ, đó là mong muốn thống nhất với miền Bắc. Hiện nay theo tôi vẫn vậy, dù vấn đề thống nhất chưa được đặt lên mà bước đầu là xây dựng hòa bình, ổn định trên bán đảo Triều Tiên. Bởi vì, để thống nhất cần thời gian.
Bình luận (0)