Ngày đó, tôi mới 20 tuổi thôi và ở một vùng quê hẻo lánh của tỉnh Đồng Tháp. Nơi đó có con sông Nha Mân hiền hòa với dòng nước nhẹ trôi êm. Nha Mân của tôi nổi tiếng có nhiều cô gái đẹp, bao người ở xa đến và khát khao một điều thần kỳ gì đó từ nơi ấy. Chắc có lẽ ở nơi nổi danh có nhiều gái đẹp nên bọn con trai chúng tôi mong mỏi sao cho có thật nhiều tài để tạo ra một sự nổi bật nào đó. Chúng tôi cố quyết tâm đeo đuổi một tài năng, có điều biết vậy nhưng mọi việc diễn ra đều do cơ duyên nào đó.
Đạo diễn mà cũng ăn cơm độn
Bỗng nhiên có đoàn làm phim từ TP HCM về, người đạo diễn dẫn dắt dàn diễn viên nổi tiếng gạo cội: Trần Quang, Lê Cung Bắc, Thùy Liên, Bích Liên... Người đạo diễn đó chính là Lê Văn Duy, đang làm phim "Khoảng vượt" và thực hiện cảnh quay cả tháng trời ở quê tôi. Ta nói, thằng nào thằng nấy đều nghĩ mình có thể trở thành diễn viên cả. Mấy tay thanh niên chúng tôi cứ lượn lờ trước mặt đạo diễn, mong dáng đi đứng oai hùng không thua gì Trần Quang hay Lê Cung Bắc. Nghe đâu chỉ cần hên thôi, đạo diễn gật đầu là xong, là "cuộc đời mày nổi tiếng từ đây...".
Có lẽ vì quá khát khao được nổi danh, thằng nào cũng làm quá, đi đứng riết nhìn như… "bóng". Thằng nào chen lấn vào coi đóng phim sớm muộn gì cũng ẻo lả. Không biết làm vậy được cái gì, trong đó cũng có tôi, cố chen vào giữa đám đông lớn tiếng, ỏm tỏi. Chỉ đến khi diễn viên Trần Quang quá bực mình nhìn thẳng ra ngoài… và một sự im lặng ngoài mong đợi. Trong khi đó, đạo diễn Lê Văn Duy cứ thúc giục: "Nhào vô đi! Vòng vòng hoài vậy... Làm lại đi...".
Lúc đó khoảng năm 1985, đạo diễn uy nghiêm đó, nhưng lúc ăn cơm thì thấy độn với khoai lang y chang như người dân. Không biết là do không có gì để ăn hay để yên cho đạo diễn suy nghĩ mà không thấy diễn viên nào ngồi ăn chung. Đạo diễn Lê Văn Duy ngồi chỉ một mình, mắt thì nhìn lên trời cao mỗi lần nuốt cơm. Cho nên, việc tôi canh giờ cơm để lượn lờ mong được chú ý hơn, coi như công cốc. Đạo diễn ăn cơm mà gạo như có màu sẫm, người ta gọi là gạo nhà nước nghe đâu do Philippines viện trợ. Họ để trong kho quá lâu rồi mới đem sang Việt Nam, lại độn khoai lang nên trông quá đạm bạc.
Lần đầu tiên trong đời mới thấy được đạo diễn làm phim mà ăn cơm quá khổ, tôi về năn nỉ má cho đoàn làm phim một số gạo nhà. Má tôi hứa là để má cho, không biết bà có cho không, tình huống này thì tôi không nhớ lắm.
Gặp họa sau phút lên tiên
Khoảng đâu mấy ngày sau thì có cảnh diễn viên Bích Liên bơi thùng phuy và dân chúng tiếp tục chen lấn coi đông ghê gớm. Sau này, không biết lý do gì không thấy cảnh này trong phim. Nhưng lúc quay phim thì cũng mất cả chục lần làm tới làm lui hoài. Bích Liên bơi ra rồi nhờ một người bơi ra kéo vô. Cứ như vậy riết đến nỗi người chài lưới giúp đoàn làm phim rên: "Bích Liên đẹp mà bơi sao dở ẹc!", rồi anh ta bị sẩy chân. Tôi đứng dưới bờ sông liền xin xỏ, cho bơi ra kéo vào được không? Anh kia lo rửa tay "ừ" một cái, tôi bơi ra kéo thùng phuy đang trôi vào. Bích Liên đang khó khăn trên 2 cái thùng phuy, vịn tay chắc vào sợi dây sắt siết quanh 2 cái thùng. Tôi kéo 2 thùng phuy cùng Bích Liên vào bờ, nghe sướng như gặp tiên. Mặc dù sau đó anh chài lưới giành lại công việc của đoàn làm phim thuê anh ta nhưng tôi như bay bổng giống như danh tiếng mình sắp vang lừng.
Ngất ngây sao đó, về bến cầu ở nhà, tôi lấy đà lộn một vòng chúi cắm đầu như người cá. Năm đó phim "Người cá" nổi tiếng cả nước, điệu bộ anh ta lao đầu xuống nước xếp hai tay vào nách như nhà binh, tôi làm không sai sót một chút nào. Cảm giác như chỗ quay phim, đạo diễn sẽ nhìn thấy động tác đó là một tài năng, trong lòng tôi rất rạo rực. Tuy nhiên, đầu vừa chạm xuống nước thì cắm phập vào cây đinh. Thuở đó mấy nhà lợp tranh lá, mỗi lần phá bỏ họ hay liệng kèo cột tre xuống sông. Nó bị ngấm nước, trôi lập lờ dưới mặt nước khó phát hiện.
Tôi bị cây đinh đâm sâu cả phân trên đỉnh đầu, điếng người tưởng như sắp chết chìm. Nổi lên mặt nước, máu đỏ lòm một vùng, tôi cố bơi vào bờ và che giấu vì ngại đoàn làm phim thấy. Chạy một lèo vào cơ sở y tế gần đó, mấy cô y tá lau chùi vết thương cho tôi mà la làng: "Một tí nữa là phọt óc ra rồi đa!".
Tác giả Nguyễn Công Liệt (trái) và đạo diễn Lê Văn Duy. (Ảnh do tác giả cung cấp)
Họa biến thành tài
Những năm tháng đó tôi vừa thi đại học xong và đang chờ kết quả. Mấy ngày sau, tôi nhận được kết quả mình đậu vào Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật, ngành điện. Lên trường, như mọi người biết, trên đầu tôi vẫn còn vết thương rất sâu, cây đinh như "châm cứu" trúng phải vùng sáng tác hay sao ấy. Cứ nghĩ đến vết thương thì nhớ đoàn làm phim, rồi trước mắt mình nhởn nhơ hình ảnh này hình ảnh nọ rành rành như đang xem phim vậy. Khi đó, ngày nào bạn bè cũng rủ rê tôi xuống Nhà Văn hóa Thủ Đức xem phim. Tôi thấy uổng tiền vé lắm. Ở nhà, chỉ cần tôi đưa mắt nhìn ra khoảng không gian xa xôi là có một phim truyện "để coi" hoặc đụng chạm lên vết thương trên đầu thì lại thấy hiện ra một ký ức nào đó hoàn toàn bằng hình ảnh.
Tự dưng, tôi thấy những cảnh "phim đó" cũng hay, nhiều tình tiết mới lạ, hấp dẫn nữa không chừng. Tôi nghĩ mình nên ghi chú, nếu có dịp gặp lại đạo diễn Lê Văn Duy thì sẽ khoe mình cũng có tư duy điện ảnh lắm, chứ không phải tầm thường đâu! Công việc đó dẫn dắt tôi đến công việc viết văn khi nào không hay, ngày nào tôi cũng ghi lại và tả nó càng lúc càng điêu luyện hơn.
Ba mươi năm sau, việc viết lại "phim" trong đầu đã trở thành một thói quen lớn, gần như không nghỉ ngày nào và tôi xuất bản trên 10 tác phẩm. Thực sự, tôi nhận được cảm hứng và bị ảnh hưởng rất lớn bởi đạo diễn Lê Văn Duy. Thi thoảng tôi vẫn nghĩ "không biết giờ này chú đạo diễn ấy ra sao?". Mãi cho đến khi được kết nạp vào Hội Nhà văn, được hội cho đi tham dự trại sáng tác ở Mã Đà để viết về "Ký ức 50 năm Mậu Thân" thì tôi có dịp tái ngộ ông. Vừa gặp, tôi nhận ra ngay đạo diễn Lê Văn Duy. Tôi nhớ về chuyện làm phim như mới hôm qua, liền kể lại ký ức của mình với đạo diễn và lý giải việc viết văn, rằng nó cũng từ ký ức cộng với vết thương trên đầu mà ra tài năng… Tôi tặng đạo diễn Lê Văn Duy 2 tác phẩm vừa in, chú đọc xong cười lên: "Hình ảnh lắm! Sao mà giống nhau quá ta?".
Chương trình của trại sáng tác đưa các nhà văn tham quan lòng hồ Trị An, hai chú cháu cùng chụp hình kỷ niệm. Đây thực là một khát khao từ 30 năm trước. Giờ được biết đạo diễn là một nhà văn, nhà thơ, nhiếp ảnh gia và được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân càng cho tôi thêm ngây ngất vì hãnh diện.
Một lần về Sa Đéc thăm lại những nơi đoàn làm phim đã ghé qua, đạo diễn Lê Văn Duy nhớ kỷ niệm năm xưa và làm một bài thơ có tựa đề "Cánh đồng Hoa Hồng". Tôi được nhắc đến qua câu thơ: "Có chú bé nhà văn tương lai đóng vai nhỏ xíu, về nhà nói mẹ gởi gạo nuôi đoàn phim nhà nước bao cấp". Thật là, được ai đó nhắc tên mình trong bài thơ xúc động tràn ngập trong tim, làm sao quên ký ức có tính chất bước ngoặt cuộc đời của mình được chứ!
Giữ lạc quan, thành công tới
Tôi nói vui với đạo diễn Lê Văn Duy rằng mình được như ngày nay xem chừng cũng có một công thức để đời: "Ký ức + ký đầu = tài năng". Đạo diễn lắc đầu: "Giờ là người của quần chúng rồi, nói chơi tụi nhỏ hiểu lầm nó ra chuyện lớn đó!". Thế rồi, ông truyền đạt nhiều cách tư duy cho tôi và khẳng định: Miễn sao ta giữ được sự lạc quan thì bất kỳ tác động nào đó cũng là lý do để con người thành công. Đúc kết của ông đơn giản có thế thôi, nhưng ý nghĩa vô cùng!
ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH
Bình luận (0)