Sa sâm (còn gọi là cây sâm biển) đang được trồng thử nghiệm và phát triển tươi tốt trên vùng cát ở xã Đồng Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Đây là loài cây quý vốn mọc hoang trên các đồi cát ở các tỉnh phía Nam; nay được thuần hóa, nhân rộng trở thành cây dược liệu, nông sản chất lượng cao đem lại giá trị kinh tế bất ngờ.
Bén duyên với cây sâm biển
Gia đình ông Dương Văn Sánh (70 tuổi) có một hợp tác xã (HTX) rau sạch có tên là Dũng Na ở vùng cát xã Đồng Trạch. Ông Sánh cùng con trai là anh Dương Quốc Phong - kỹ sư nông nghiệp, đang công tác tại Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công Nông nghiệp Quảng Bình - đã xây dựng thành công HTX chuyên sản xuất rau sạch trên bãi cát hoang hóa của quê hương mình, từ nhiều năm trước. Tận dụng vùng cát hoang ven biển, để tìm hướng đi mới cho HTX, cha con ông Sánh thử nghiệm trồng cây sa sâm. Để trồng được giống cây này, anh Dương Quốc Phong đã dành nhiều năm nghiên cứu, tìm hiểu kỹ thuật và học hỏi kinh nghiệm trồng từ sách báo và thực tế ở các trang trại khác.
Tháng 5-2020, cha con ông Sánh đã bỏ tiền đầu tư hơn 16.000 cây giống sa sâm, trồng thử nghiệm trên diện tích hơn 1.000 m2. Đây là mô hình trồng cây sâm biển đầu tiên tại Quảng Bình, cũng là một trong những mô hình tiên phong của miền Trung.
"Cây sâm biển thực chất là một loại rau, mọc ở ven đồi cát ở Bến Tre. Cây rau này nhiều năm nay bà con trong đó thường hái nấu canh, nấu nước uống; còn củ sâm thì để ngâm rượu chứ không khai thác với mục đích kinh tế; thậm chí có nhiều người xem đây là loại cây dại nên đào bỏ. Nhưng khoảng 2 năm nay, nhiều nhà khoa học bất ngờ phát hiện giá trị dinh dưỡng cao trong loài cây này, khẳng định đây là giống cây dược liệu quý nên cha con tôi quyết chí trồng thử ở vùng cát Quảng Bình" - ông Sánh bày tỏ.
Theo ông Sánh, giống sa sâm này có giá tương đối cao, với giá 2.000 đồng/cây giống; chỉ ở Bến Tre mới có. Kỹ thuật trồng cũng khá đơn giản, chỉ cần làm đất, xử lý đất bằng vôi bột, chuẩn bị đầy đủ phân bón và thiết bị canh tác rồi trồng như các loại rau bình thường khác.
Tại HTX Dũng Na, ông Sánh giới thiệu với khách những cây sa sâm biểu hiện đang phát triển tươi tốt, thích nghi với khí hậu, thổ nhưỡng của vùng cát cháy nơi đây. Sau hơn một năm kinh nghiệm canh tác giống cây này, ông Sánh cho hay sa sâm rất kỵ nước nên không phát triển được vào mùa mưa (thường xảy ra ngập úng). Còn đến mùa nắng, cây này lại xanh tươi.
Nhiều cây sa sâm trong vườn ông Sánh phát triển tốt, có chiều cao trung bình khoảng 15-25 cm, mọc thẳng đứng và có màu xanh, màu vàng nhạt. Thân cây mọc bò, mỗi rễ có khoảng từ 2-3 thân, lá rất nhiều, kiểu hình thù xẻ lông chim... Ông Sánh cho biết đặc biệt là giống cây này tương tự như cây rau càng cua, hiếm khi có sâu bệnh, đỡ tốn công chăm sóc hơn các loài cây trồng khác.
Ông Dương Văn Sánh bên mô hình trồng cây sa sâm của gia đình tại vùng cát Quảng Bình
Ngoài trồng cây sa sâm, ông Sánh còn là chủ vườn rau sạch lớn ở xã Đồng Trạch
Sẽ nhân rộng mô hình
Khi chọn trồng cây sa sâm, cha con ông Sánh ấp ủ kỳ vọng đưa thương hiệu cây giống dược liệu quý hiếm này trở thành sản phẩm mới, đặc thù; giúp người dân vùng cát trắng ven biển Quảng Bình phát triển kinh tế gia đình.
Ông Sánh nói loài cây này phải trồng trên 2 năm mới khai thác; dù chỉ mới trồng thử nghiệm, chưa chính thức khai thác nhưng nhiều người biết đến đã "đặt hàng" rau sâm biển này của HTX. Qua tìm hiểu, ông được biết mỗi ký rau sâm được bán trên thị thường với giá từ 30.000-40.000 đồng; còn củ làm dược liệu nên sẽ có giá bán cao hơn.
"Nếu lứa đầu tiên đưa vào khai thác mà thu lợi nhuận cao thì sắp tới ngoài việc trồng rau sạch gia đình sẽ mở rộng, đầu tư thêm diện tích để trồng cây sa sâm. Tôi đặt kỳ vọng từ giống cây này, nếu nó hiệu quả sẽ chỉ dẫn cho bà con xung quanh cùng trồng, giúp bà con phát triển kinh tế" - ông Sánh tâm nguyện.
Ông Nguyễn Chí Thắng, Giám đốc Sở Khoa học - Công nghệ tỉnh Quảng Bình, cho biết mới đây sở đã có chuyến thực địa, kiểm tra tiến độ thực hiện "trồng thử nghiệm sa sâm trên vùng đất cát ven biển Quảng Bình" tại HTX Dũng Na. Sở đánh giá tất cả các hạng mục thực hiện được trong thời gian qua đều bảo đảm số lượng, chất lượng. Theo ông Thắng, đây là mô hình tiên phong của tỉnh Quảng Bình về việc trồng cây sa sâm nên đơn vị rất quan tâm và liên tục theo dõi quá trình sinh trưởng và phát triển của cây để sớm hoàn thành nghiệm thu.
"Hiện nay, nhu cầu của thị trường về sản phẩm sa sâm là rất lớn và trong lúc nguồn cung còn rất thấp, chủ yếu là khai thác từ tự nhiên ở các tỉnh phía Nam nên việc trồng thử nghiệm của HTX Dũng Na nếu thành công, tỉnh sẽ nhân rộng mô hình để phát triển loài cây này tại vùng cát Quảng Bình" - ông Thắng định hướng.
Thuộc loại cây dược liệu quý
Tại hội thảo báo cáo nghiên cứu khoa học, với chủ đề "Cây sa sâm Việt - Dược liệu quý Việt Nam" do Hội Giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam và Viện Nghiên cứu phát triển ứng dụng tài nguyên dược liệu Việt Nam (iRDA-VMR) tổ chức tại Hà Nội vào năm 2020, ông Ngô Quốc Luật - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển ứng dụng tài nguyên dược liệu Việt Nam - công bố kết quả phân tích và định lượng hàm lượng đạt được của từng hoạt chất trong cây dược liệu sa sâm. Cụ thể: polyphenol (290,9 mg GAE/g cao chiết), flavonoid (85,47 mg QE/g cao chiết); saponin (10,8 - 12,4%) và tổng các loại muối khoáng 135,9 mg/g.
Theo đánh giá của các nhà khoa học, cây sa sâm là thảo dược quý, được sử dụng để chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe. Dược liệu này có vị đắng, ngọt, tính mát, tác dụng thanh nhiệt, nhuận phế và ích vị sinh tân. Sa sâm thường được dùng để chữa viêm phế quản, ho khan, sốt, sản phụ ít sữa...
Bình luận (0)