xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Kỳ vọng Đại hội XIII của Đảng (*): Bệ phóng phát triển kinh tế

TS NGUYỄN ĐÌNH CUNG - thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ (Phương Nhung ghi)

Chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tôn trọng tín hiệu thị trường sẽ tạo sức bật cho nền kinh tế giai đoạn tới

Dự thảo Báo cáo tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011-2020, xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 nhận định: "Cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng còn chậm. Phương thức tăng trưởng thay đổi chưa rõ rệt, vẫn còn dựa vào gia tăng số lượng vốn đầu tư, lao động và các nguồn lực đầu vào khác; chất lượng tăng trưởng có mặt chậm được cải thiện, chưa phát huy hết tiềm năng".

Thay đổi tư duy tái cơ cấu

Nguyên nhân tái cơ cấu chưa đạt là bởi không gắn liền với chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Một thời gian dài, tái cơ cấu bị "phân mảnh", bị "hành chính hóa" theo kiểu áp cứng mục tiêu tăng - giảm tỉ trọng từng ngành công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp trong tổng thể quy mô nền kinh tế. Trong khi đó, hiệu quả, giá trị gia tăng mỗi ngành tạo ra cho nền kinh tế là bao nhiêu thì chưa được quan tâm. Nói cách khác, kế hoạch tái cơ cấu chưa xác định rõ trọng tâm cho phù hợp với trình độ phát triển của các địa phương nên chưa khai thác được thế mạnh và chưa tạo được đột phá trong kết quả chung. Chẳng hạn, nông nghiệp là thế mạnh của Việt Nam thì tại sao phải ép xuống bằng việc đặt ra tỉ trọng ngày càng giảm mà không áp dụng số hóa, công nghệ mới để nâng cao hiệu quả của ngành này?

Kỳ vọng Đại hội XIII của Đảng (*): Bệ phóng phát triển kinh tế - Ảnh 1.

Nhà máy Sản xuất ôtô VinFast của Tập đoàn Vingroup đặt tại huyện Cát Hải, TP Hải Phòng.Ảnh: CHI BẢO

Ở góc độ vĩ mô, phải nhận diện được điểm yếu nhất của nền kinh tế Việt Nam là gì thì mới có hướng xây dựng chiến lược tái cơ cấu hợp lý. Có 3 giai đoạn của quá trình phát triển kinh tế là: tăng trưởng theo chiều rộng dựa vào lợi thế tài nguyên thiên nhiên và huy động vốn; dựa vào nâng cao hiệu quả nền kinh tế, trước hết là hiệu quả sử dụng nguồn lực và cuối cùng là dựa vào đổi mới sáng tạo. Việt Nam đang ở điểm cuối của giai đoạn 1 với một trong những điểm yếu cốt tử là nền kinh tế kém hiệu quả, năng lực cạnh tranh yếu do sử dụng nguồn lực đạt hiệu quả thấp khi nhà nước dẫn dắt phân bổ mà không dựa trên nguyên tắc thị trường phân bổ. Bởi vậy mà tăng trưởng chỉ đạt 5,9% trong giai đoạn 2011-2020, thấp hơn mức 7,26% trong 10 năm trước đó.

Như vậy, việc tái cơ cấu gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng trước hết phải thay đổi thể chế phân bổ nguồn lực theo hướng tạo động lực đến đúng nơi cần thay vì cào bằng. Phải làm sao để những vùng động lực lẽ ra phải tăng trưởng ngày càng cao như TP HCM, Hà Nội không bị rơi vào tình trạng ngày càng kém đi như hiện nay. Chính sách nền tảng là hoàn thiện và phát triển đồng bộ thị trường các nhân tố sản xuất, nhắm vào thị trường để phân bổ nguồn lực, chấm dứt phân tán nguồn lực.

Xây dựng nền kinh tế thị trường hiện đại

Trước hết, cần nhận diện những đặc trưng của kinh tế thị trường hiện đại để thấy được nền kinh tế thị trường của chúng ta còn cách "hiện đại" bao xa. Một số đặc trưng tiêu biểu là các chủ thể thị trường độc lập về mặt pháp lý, được tự do quyết định sản xuất, thỏa thuận hợp đồng, quyết định giá và trao đổi theo cung cầu. Thị trường chi phối phân bổ nguồn lực trong nền kinh tế, quyết định người thắng cuộc và đào thải người không đủ năng lực. Còn nhà nước chỉ hỗ trợ người thắng cuộc trên cơ sở cạnh tranh để họ bứt phá, vươn lên, trở thành động lực dẫn dắt nền kinh tế; đồng thời thực hiện tốt chức năng xã hội của mình.

Soi vào những đặc trưng trên để thấy sau 35 năm đổi mới, chúng ta mới chỉ có một nền kinh tế thị trường chuyển đổi chứ chưa có nền kinh tế thị trường. Tính theo Bộ Chỉ số về tự do kinh tế (IEF) do Quỹ Di sản thực hiện (đánh giá các chỉ số về thị trường) và Chỉ số quản trị nhà nước của Ngân hàng Thế giới (đo lường hiệu lực quản lý của nhà nước), Việt Nam chỉ đạt lần lượt khoảng 50/100 điểm và 200/600 điểm, tức là đều chưa đạt.

Để cải thiện, cần cải cách từ phía nhà nước bởi những khó khăn trong chuyển đổi sang kinh tế thị trường của Việt Nam nằm ở chính nhà nước. Hướng cải cách, theo tôi, trước hết là phải xác định thị trường vẫn là thể chế hiệu quả nhất để vận hành nền kinh tế, từ đó thiết kế thể chế thị trường điều tiết nền kinh tế bằng cách hình thành hệ thống sở hữu tư nhân chi phối. Nhà nước không sở hữu cũng như không có lợi ích riêng hoặc đầu tư - kinh doanh đơn thuần tìm kiếm lợi nhuận.

Tư duy về kinh tế thị trường hiện đại phải được đặt ở trạng thái cân bằng nhất, "không quá nhiều nhà nước, không quá nhiều thị trường". Nhưng yếu tố nhà nước vẫn là tối quan trọng với vai trò ổn định kinh tế vĩ mô, thiết lập khung pháp luật và bộ máy thực thi để thị trường hoạt động tốt. Đây nên là một điểm đột phá quyết định Việt Nam có thực sự chuyển sang kinh tế thị trường hay vẫn ở trạng thái chuyển đổi dở dang. 

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 21-1

Kỳ tới: Chỉnh đốn Ðảng, củng cố niềm tin

Đột phá thể chế

3-Chan-dung-box-binh-luan-bai-T3

Trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng, đã có nhiều nghị quyết được ban hành để khơi thông nguồn lực trong xã hội, đặc biệt là nguồn lực tư nhân. Trong đó, Nghị quyết 10 về phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN đã thừa nhận và đánh giá cao khu vực kinh tế tư nhân. Đây là nền móng cho sự ra đời của nhiều chính sách, đạo luật về kinh tế tư nhân của Chính phủ.

Nhiệm kỳ sắp tới, theo tôi, vẫn nên nối tiếp và phát triển thêm định hướng khơi dòng nguồn lực của khối tư nhân, bao gồm cả người dân, doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, hợp tác công - tư...

Giải pháp dài hạn là tiếp tục tháo gỡ các rào cản, điểm nghẽn, làm thông thoáng điều kiện kinh doanh, giảm bớt chi phí gia nhập thị trường. Đồng thời, nâng cao chất lượng doanh nghiệp tư nhân bằng các giải pháp thúc đẩy đào tạo, hướng dẫn doanh nghiệp ứng dụng công nghệ thân thiện với môi trường. Từ đó, ban hành dần dần các chuẩn mực cao nhất cho doanh nghiệp cũng như toàn bộ nền kinh tế để hướng tới thời kỳ phát triển bền vững, hướng vào chiều sâu.

Tư duy ban hành chính sách cũng phải mới mẻ hơn, khôn ngoan hơn, nhằm đáp ứng được đòi hỏi thay đổi công nghệ rất nhanh hiện nay. Những điểm nghẽn, những ngòi nổ của các xung đột xã hội tiềm ẩn như câu chuyện liên quan về Luật Đất đai cũng cần quyết liệt tháo gỡ nhằm ổn định kinh tế - xã hội.

Nói rộng hơn, một trong những trọng tâm được các tầng lớp nhân dân kỳ vọng vào Đại hội lần thứ XIII của Đảng là cải cách hơn nữa về mặt thể chế kinh tế. Cụ thể, thiết lập, bổ sung và thay đổi hệ thống các quy tắc, luật lệ, trước hết là quy tắc, luật lệ liên quan đến kinh tế, nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi kinh tế nước ta sang kinh tế thị trường đầy đủ và hiện đại.

Cũng cần hiểu rằng đổi mới thể chế hoàn toàn không phải là con đường dễ đi. Hơn nữa, đột phá thể chế phải là những thay đổi đủ lớn, đủ nhanh, đủ mạnh để tháo bỏ hoàn toàn những nút thắt cũ, tạo bước tiến nhảy vọt cho quá trình chuyển đổi sang kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại. Những đột phá này phải làm sao đúng nghĩa "đột phá", khác với một số cải cách thể chế chưa đủ tầm đột phá như thời gian qua.

Đậu Anh Tuấn

(Trưởng Ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI)

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo