Trước nguy cơ quan liêu, xa rời quần chúng, nguy cơ một bộ phận đảng viên có chức, có quyền, dễ rơi vào lộng quyền, lạm quyền, tha hóa quyền lực… nếu không được khắc phục sẽ ảnh hưởng lớn đến vị thế, vai trò cầm quyền của Đảng, đến sự tồn vong của chế độ, sự phát triển của đất nước.
"Xây" và "chống"
Qua hơn 30 năm đổi mới, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng luôn được quan tâm, thể hiện trong Cương lĩnh Chính trị, Văn kiện Đảng, các chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Từ Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI đến nay, không nhiệm kỳ nào Đảng không ban hành nghị quyết chuyên đề về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Nhờ đó, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã đạt nhiều thành tựu quan trọng.
Với quan điểm "nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, đánh giá đúng sự thật; kết hợp giữa "xây" và "chống"; "xây" là nhiệm vụ cơ bản, chiến lược, lâu dài; "chống" là nhiệm vụ quan trọng cấp bách". Sau hơn 10 năm đưa 2 nghị quyết Trung ương 4 vào cuộc sống, Đảng ta, vẫn với tinh thần đấu tranh không khoan nhượng, cuộc chiến "chống giặc nội xâm" đã đạt được kết quả quan trọng.
Tính từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII đến Hội nghị lần thứ 11, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, ủy ban kiểm tra các cấp đã kiểm tra, giám sát, phát hiện và thi hành kỷ luật 1.111 tổ chức Đảng, 18.265 cấp ủy viên các cấp và 54.573 đảng viên; trong đó, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư thi hành kỷ luật 8 tổ chức Đảng, 45 đảng viên; Ủy ban Kiểm tra Trung ương thi hành kỷ luật 111 đảng viên, trong đó có 100 cán bộ thuộc diện trung ương quản lý. Cùng với đó là những kết quả to lớn trong phòng chống tham nhũng: Tính từ năm 2016 đến giữa năm 2020, các cơ quan tiến hành tố tụng đã khởi tố 8.883 vụ/14.984 bị can, truy tố 7.346 vụ/14.247 bị can, xét xử sơ thẩm 6.937 vụ/13.287 bị cáo về các tội tham nhũng. Nhờ đó, tham nhũng từng bước được kiềm chế, ngăn chặn.
Có thể khẳng định công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã tạo được những chuyển biến tích cực trong Đảng và trong hệ thống chính trị. Công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng "không có vùng cấm", "không có ngoại lệ" được nhân dân đồng tình ủng hộ, niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng ngày càng được củng cố vững chắc.
Nguyên Phó Bí thư Thành ủy TP HCM Võ Thị Dung và Chủ tịch LĐLĐ TP HCM Trần Thị Diệu Thúy (thứ hai và thứ tư từ trái sang) trao bằng khen và biểu trưng cho đảng viên tiêu biểu tại lễ tuyên dương “Gương sáng đảng viên” năm 2020 do LĐLĐ TP HCM tổ chức Ảnh: Hoàng Triều
Vẫn là nhiệm vụ cấp bách
Dù vậy, vẫn còn nhiều nơi công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng còn bị xem nhẹ, chất lượng, hiệu quả còn hạn chế; tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên không những chưa bị đẩy lùi mà vẫn còn diễn biến phức tạp. Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII đã đánh giá "tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn còn nghiêm trọng, tập trung vào số đảng viên có chức vụ trong bộ máy nhà nước". Việc thực hiện các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, có lúc, có nơi hình thức, chưa đáp ứng yêu cầu... Vì vậy, hơn lúc nào hết, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng vẫn là nhiệm vụ rất quan trọng, cấp bách của cả hệ thống chính trị.
Vậy biện pháp nào để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng?
Vấn đề quan trọng đặt ra trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay là phải tiếp tục và tăng cường thực hiện nghị quyết chuyên đề về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Các cấp ủy tăng cường và quyết liệt hơn nữa trong lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện tốt công tác này, tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ.
Đổi mới mạnh mẽ nội dung, hình thức, biện pháp, cách làm cụ thể, thiết thực; đấu tranh không khoan nhượng với các biểu hiện suy thoái, tiêu cực, tham nhũng trong nội bộ. Qua quá trình thực hiện, cần đánh giá một cách khách quan, trung thực hiệu quả tổ chức thực hiện Nghị quyết về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, tránh qua loa, hình thức.
Tiếp tục và tập trung thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Các cấp ủy Đảng cần xác định đầy đủ vai trò trách nhiệm của mình trong việc lãnh đạo các đảng viên trong tổ chức Đảng học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác; xây dựng kế hoạch cụ thể, xác định rõ các nội dung học tập, vừa gắn với công tác chuyên môn của cơ quan, đơn vị vừa gắn với các phong trào thi đua của các đoàn thể.
Các cấp ủy, tổ chức Đảng, mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu, cần dũng cảm tự soi xét lại mình, đơn vị mình; không nể nang, né tránh, tìm ra được những ưu điểm để phát huy, đề ra các biện pháp khắc phục, sửa chữa những sai lầm, yếu kém, khuyết điểm một cách thiết thực, khả thi; kết hợp "chống và xây", "xây và chống", nói đi đôi với làm, tập trung khắc phục những hạn chế, yếu kém.
Sự gương mẫu của cán bộ, đảng viên - đặc biệt là cán bộ, đảng viên cấp cao - sẽ tạo ra sự lan tỏa mạnh mẽ, tạo nên phong trào nêu gương sâu rộng và hiệu quả giữa cán bộ lãnh đạo với cán bộ, đảng viên; giữa cán bộ, đảng viên với quần chúng nhân dân. Ý thức, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên sẽ tạo những hành động thiết thực trong công tác và cuộc sống; tạo được sự chuyển biến tích cực về tư tưởng, đạo đức, lối sống, tác phong làm việc, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tham nhũng, tiêu cực, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên.
Lắng nghe dân
Thời gian qua, kỷ luật Đảng đã được thực hiện rất nghiêm minh, thực tế đã có nhiều ủy viên Trung ương, thậm chí cả ủy viên Bộ Chính trị vi phạm đã bị xử lý kỷ luật, nhiều người bị khai trừ Đảng, xử lý hình sự.
Nhân dân đánh giá rất cao công tác phòng chống tham nhũng của Đảng.
Tuy vậy, vẫn còn ý kiến người dân băn khoăn khi cho rằng có chỗ thì chống mạnh, quyết liệt, có chỗ thì nhẹ, có chỗ xử lý cán bộ vi phạm chưa đến nơi đến chốn. Để dập tắt sự băn khoăn này, Đảng phải xử lý công bằng trong nội bộ của mình; và phải công khai, minh bạch, dân chủ. Song song đó, người dân cần được tham gia sâu vào quá trình lựa chọn cán bộ lãnh đạo, có như vậy mới chọn được người tài, đức và loại trừ được những người không xứng đáng.
Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng đến nay, hơn 30 sĩ quan cấp tướng, 27 ủy viên và nguyên ủy viên Trung ương bị xử lý kỷ luật. Sự đau lòng này cho thấy cán bộ ở nhiều cấp, nhiều ngành tha hóa quyền lực quá nhanh. Họ tha hóa bởi yếu kém đạo đức xã hội, không có đạo đức cách mạng. Đạo đức xã hội biết thương yêu nhau đã đành, còn đạo đức cách mạng phải biết hy sinh vì dân, vì nước - điều này là xa xỉ với cán bộ đảng viên biến chất, thoái hóa.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng từng nói rằng cần phải "nhốt quyền lực trong lồng cơ chế" để kiểm soát tham nhũng là vì thế. Bởi nếu không kiểm soát nổi, lẽ ra họ không tha hóa cũng sẽ tha hóa, lạm quyền, lộng quyền, lợi dụng chức quyền.
Phải lắng nghe người dân và lắng nghe nhịp thở của xã hội một cách cầu thị, nghiêm túc, bởi sự giám sát của nhân dân là vô cùng quan trọng. Bên cạnh đó, chúng ta còn có cơ chế giám sát của mặt trận, báo chí; cần phải dựa vào giám sát của các cơ quan dân cử, trong đó đặc biệt là vai trò giám sát của Quốc hội.
Lắng nghe để xem xét, xử lý nghiêm túc những phát hiện, tố giác từ người dân về các sai phạm của cán bộ - dù ở bất cứ đâu, ở giai đoạn nào cũng đều không thừa.
Điều đó là chắc chắn!
Văn Duẩn
Bình luận (0)