Hiện nay, phát triển kinh tế hộ gia đình ở Việt Nam là một trong những yếu tố bảo đảm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương. Với nền kinh tế nông nghiệp đang phát triển ở hầu hết tỉnh, thành trong cả nước, việc tìm ra hướng đi thích hợp cho phát triển kinh tế hộ gia đình là tiên quyết, để bảo đảm sự thành công của nhiệm vụ này.
Giá trị dược liệu từ củ mài
Cây hoài sơn (củ mài) đã được sử dụng rất nhiều trong chế biến thực phẩm, trong nhiều bài thuốc y học cổ truyền. Tinh bột hoài sơn có tác dụng kháng lại sự thủy phân của enzyme amylase - enzyme tham gia vào việc phân hủy tinh bột thành đường glucose trong hệ tiêu hóa. Việc ức chế enzyme này sẽ giúp làm chậm hấp thu đường sau ăn, làm tăng cường sản sinh yếu tố GLP-1 (hormone có tác dụng kích thích tuyến tụy sản xuất insulin).
Nhờ những tác dụng hữu ích này mà hoài sơn có khả năng làm giảm chỉ số HBAP1c; đồng thời giảm thiểu nguy cơ xuất hiện biến chứng tiểu đường do ổn định đường huyết tự nhiên và bền vững. Dịch chiết hoài sơn còn ức chế loãng xương, bổ tỳ, dưỡng vị, sinh tân, ích phế, bổ thận, chữa ăn uống kém tiêu, viêm ruột kinh niên, tiêu chảy lâu ngày không khỏi, phế hư ho hen, bệnh tiểu đường, di tinh, di niệu, bạch đới.
Nguồn dược liệu cây hoài sơn hiện nay trên thị trường phần lớn nhập từ Trung Quốc với chất lượng không ổn định, nguồn gốc không rõ ràng. Phần còn lại được thu hái trong tự nhiên. Tuy nhiên, do tác động của việc khai thác quá mức và bị tàn phá bởi nhiều nguyên nhân khác đã làm cho nguồn cây thuốc này trong tự nhiên bị giảm sút nghiêm trọng. Do đó, mô hình trồng hoài sơn là cách phát triển kinh tế, vừa bảo đảm nguồn cung cho nhu cầu sử dụng là thực phẩm và dược liệu đang ngày càng tăng cao hiện nay.
Mô hình trồng hoài sơn Ảnh: Quốc Thanh
Người trồng có thể thu tiền tỉ
Nhiều hộ gia đình vẫn trung thành với những thế mạnh của địa phương như trồng cây công nghiệp (một số tỉnh Tây Nguyên), trồng cây ăn trái (các tỉnh Đông Nam Bộ)… nhưng bài toán về giải quyết việc tiêu thụ sản phẩm vẫn hay gặp trở ngại do lượng tiêu thụ trong nước thấp và không xuất được đi nước ngoài. Một nghịch lý nữa là có những sản phẩm nông sản, nhu cầu trong nước rất lớn nhưng lượng cung lại thiếu dẫn đến phải nhập khẩu những sản phẩm không đủ chất lượng, giá thành cao; đặc biệt là các sản phẩm dược liệu tự nhiên. Do đó, việc phát triển những cây dược liệu để cung cấp cho thị trường trong nước và có thể xuất khẩu ra nước ngoài là hướng đi mới đang được mong đợi có thể giải quyết một phần trong bài toán phát triển kinh tế hộ gia đình.
Giá thu mua hoài sơn hiện nay ngoài thị trường dao động khoảng 80.000 - 120.000 đồng/kg củ tươi. Như vậy, với mô hình trồng dược liệu hoài sơn, người trồng có thể thu được từ hơn 900 triệu đồng đến gần 1,5 tỉ đồng/ha. Hoài sơn ít bị bệnh và không đòi hỏi công chăm sóc nhiều nên chi phí đầu tư cũng thấp. Vì vậy, mô hình này rất thực tế, là hướng đi cho các nhà nông, hộ gia đình tham khảo để đầu tư và phát triển kinh tế.
Cây dễ trồng
Hoài sơn là cây thân leo, nhẵn, hơi có góc cạnh, màu đỏ hồng, thường mang những củ nhỏ (dái mài) ở nách lá. Rễ củ đơn độc hoặc từng đôi, vỏ ngoài màu nâu xám. Hoài sơn có thể trồng ở vùng núi, trung du và đồng bằng. Đất trồng cần màu mỡ, đất nhiều mùn, tầng canh tác dày 20 - 30 cm trở lên, không nên trồng ở đất thịt nặng, úng nước. Nhiệt độ thích hợp 20 - 35 độ C, độ ẩm 80% - 95%. Đất được cày bừa, lên luống cao 30 - 35 cm, mặt luống rộng 50 - 60 cm. Bổ hốc 2 hàng so le và bón lót phân theo hốc. Khoảng cách trồng 30 x 30 cm. Mật độ 110.000 cây/ha. Cây giống đủ tiêu chuẩn trồng ra ruộng; tưới và giữ đủ ẩm cho đến khi xanh. Sau khi trồng 15 - 20 ngày, làm giàn cho cây. Giàn leo có thể làm kiểu mái nhà hoặc giàn thẳng. Vun xới làm cỏ đợt 2 sau khi trồng cây 1 tháng; ruộng luôn bảo đảm sạch cỏ dại; khi mưa xuống tháo nước kịp thời không để ngập úng; làm cỏ kết hợp bón phân. Hoài sơn thu hoạch vào tháng 11 - 12 trong năm, khi cây tàn lụi, tiến hành thu hoạch, cắt bỏ phần thân lá và đào lấy rễ củ, năng suất trung bình đạt 12 - 20 tấn củ tươi/ha.
Bình luận (0)