Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa ban hành các nghị quyết về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã thuộc TP Hà Nội; các tỉnh Thái Bình, Lào Cai, Cao Bằng…
Tinh gọn bộ máy
Theo đó, từ ngày 1-3, Hà Nội có 30 đơn vị hành chính cấp huyện gồm: 12 quận, 17 huyện và 1 thị xã; giảm từ 584 đơn vị hành chính cấp xã xuống còn 579 đơn vị (gồm 383 xã, 175 phường và 21 thị trấn).
Nghị quyết sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã thuộc quận Hai Bà Trưng gồm: Nhập toàn bộ 0,14 km2 diện tích tự nhiên, 4.489 người của phường Bùi Thị Xuân và 0,01 km2 diện tích tự nhiên, 642 người của phường Ngô Thì Nhậm vào phường Nguyễn Du; nhập toàn bộ 0,18 km2 diện tích tự nhiên, 5.526 người của phường Ngô Thì Nhậm vào phường Phạm Đình Hổ. Sau sắp xếp, quận Hai Bà Trưng có 18 phường. Nghị quyết cũng sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã thuộc huyện Phúc Thọ và thành lập xã Nam Tiến (huyện Phú Xuyên)…
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết việc sắp xếp đơn vị hành chính thể hiện sự nghiêm túc, ý thức trách nhiệm cao trong thực hiện nghị quyết của Đảng và nhà nước, góp phần tiếp tục làm tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước cũng như hiệu quả hoạt động của các tổ chức trong hệ thống chính trị.
Theo ông Lê Hồng Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, việc sáp nhập các xã nhằm tinh giản bộ máy là rất cần thiết. Hà Nội đã bàn thảo thận trọng để việc sáp nhập bảo đảm truyền thống lịch sử, văn hóa, nét tương đồng trong phong tục tập quán của các địa phương... Việc cán bộ và nhân dân các xã mới sáp nhập đồng thuận cao sẽ giúp bộ máy mạnh hơn, tinh gọn hơn, hiệu quả hơn. Các phường, xã mới sau sáp nhập tiếp tục phát huy thành quả đã đạt được cùng tiềm năng, thế mạnh để xây dựng địa phương ngày càng phát triển.
Người dân làm thủ tục hành chính ở TP Hà Nội
Giảm hàng chục ngàn cán bộ
Bên cạnh những điểm tích cực, việc sáp nhập các đơn vị hành chính cũng đặt ra nhiều khó khăn, thử thách.
Theo lãnh đạo một xã ở quận Hai Bà Trưng mới được sắp xếp, nhiều vấn đề được đặt ra như: Giải quyết thủ tục hành chính đối với các tổ chức, nhân dân, thủ tục phát sinh do điều chỉnh địa giới hành chính; thực hiện nghiêm túc công tác quản lý, bàn giao tài sản, không để xảy ra thất thoát, tiêu cực, lãng phí; việc phân công, điều chuyển cán bộ…
Ông Nguyễn Văn Lương, tổ trưởng một tổ dân phố ở quận Hai Bà Trưng, cho biết việc sắp xếp các đơn vị hành chính thời gian đầu phần nào ảnh hưởng đến các thủ tục hành chính của người dân như việc đổi hộ khẩu, đổi chứng minh nhân dân, số nhà… Tuy nhiên, bộ máy làm việc của chính quyền mới chuyên nghiệp nên những khó khăn này chỉ một thời gian sẽ đi vào nền nếp, chuyên nghiệp hơn.
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa cho rằng hiện nay, nghị quyết về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã đã được Quốc hội ban hành, việc sáp nhập các đơn vị hành chính không đủ điều kiện là hợp lý, mang lại hiệu quả như: nâng cao trình độ về con người, tinh giản biên chế, giảm ngân sách, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân… Tuy nhiên, ngoài những điểm tích cực thì việc sắp xếp này cũng có khó khăn, thách thức nhất định. Đầu tiên là về tâm lý con người, khi sắp xếp lại các đơn vị hành chính có người lên chức, có người xuống chức, có người mất việc nên phần nào sẽ ảnh hưởng. Khó khăn nữa là quản lý địa bàn, khi sắp xếp lại thì diện tích địa bàn sẽ lớn hơn, đòi hỏi lãnh đạo phải sát dân hơn… Vấn đề văn hóa, lịch sử, thói quen của người dân cũng là những thách thức đòi hỏi chính quyền quan tâm nhiều hơn.
Một lãnh đạo Bộ Nội vụ cho biết theo đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của 21/45 địa phương, dự kiến sau khi sắp xếp giảm được 6 đơn vị hành chính cấp huyện, 560 đơn vị hành chính cấp xã.
Trong giai đoạn 2019-2021, tỉnh Hòa Bình giảm 1 huyện, Quảng Ninh giảm 1 huyện, Cao Bằng giảm 2 huyện, Quảng Ngãi giảm 2 huyện. Sau khi hoàn thành kế hoạch sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã sẽ giảm được khoảng 10.000 cán bộ, công chức và khoảng 10.000 người hoạt động không chuyên trách trong bộ máy cấp huyện, xã.
"Quá trình sáp nhập đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã chỉ giữ lại những công chức đủ năng lực, có tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả của chính quyền. Số lượng bí thư, chủ tịch xã và các cấp phó thừa ra sẽ lựa chọn những cán bộ đủ điều kiện để bố trí các chức danh cán bộ, công chức cấp xã cho tới khi đủ. Số bí thư, chủ tịch xã dôi dư sẽ xử lý theo tình huống cụ thể thông qua chính sách tinh giản biên chế, thôi việc, chuyển sang xã khác hoặc đưa lên các phòng của cấp huyện" - lãnh đạo Bộ Nội vụ thông tin.
Gần 1 triệu cán bộ không chuyên trách
Trước thời điểm sắp xếp lại, tổng số người hưởng lương ở đơn vị hành chính cấp xã, phường của cả nước khoảng 1,2 triệu người. Trong đó, số cán bộ công chức cấp xã, phường khoảng 250.000 người; còn lại là hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, phường, tổ dân phố.
Sau khi sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã: tỉnh Thái Bình có 8 đơn vị hành chính cấp huyện (gồm 7 huyện và 1 TP), 260 đơn vị cấp xã (gồm 241 xã, 10 phường và 9 thị trấn); tỉnh Lào Cai có 9 đơn vị cấp huyện (gồm 7 huyện, 1 thị xã và 1 TP), 152 đơn vị cấp xã (gồm 127 xã, 16 phường và 9 thị trấn); tỉnh Cao Bằng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết nghị sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và đổi tên đơn vị hành chính cấp xã, đồng thời thành lập, giải thể TAND, VKSND cấp huyện. Sau khi sắp xếp, tỉnh Cao Bằng có 10 đơn vị hành chính cấp huyện (gồm 9 huyện và 1 TP), 161 đơn vị hành chính cấp xã (gồm 139 xã, 8 phường và 14 thị trấn).
Bình luận (0)