Những kiểu bạo lực này sẽ là nỗi ám ảnh lâu dài với nạn nhân.
"Chuyện gì đang xảy ra?", "Nếu là con mình thì sao?", "Chừng ấy tuổi sao có lời nói và hành vi khủng khiếp vậy?"... Những bình luận không thể kìm nén được của những bậc phụ huynh trước sự việc, phần nào cho thấy mức độ bất an.
Nhiều người cho rằng bạo lực học đường luôn xảy ra nhưng với công nghệ tiện dụng và mạng internet phổ biến như hiện nay nên chúng ta thấy ngày càng nhiều. Thế nhưng, cũng không ít bậc phụ huynh nhìn nhận mức độ đã tăng, sự kiểm soát chưa hiệu quả và có vẻ như nhiều nơi không muốn phân định giữa mâu thuẫn ở trường học và bạo lực thực sự trong môi trường này. Dù là ở góc độ nào thì thực trạng trên đã đáng báo động và cần giải pháp cấp bách.
Bạo lực học đường không đơn giản chỉ là giữa học sinh và học sinh mà còn thể hiện ở những khía cạnh ghê gớm khác. Cách đây chưa đến 2 tuần, một cậu học sinh lớp 1 ở tỉnh Hòa Bình bị phụ huynh của bạn đánh phải nhập viện chỉ vì chơi đùa giật chiếc mũ của bạn. Những hành vi côn đồ này chắc chắn sẽ ám ảnh toàn bộ học sinh của trường và cả giáo viên chứ không chỉ dừng lại một sự việc cụ thể, cho dù người đàn ông nói trên đã bị khởi tố.
Bạo lực có khi lại đến từ chính người dạy dỗ học sinh. Cách đây chưa lâu, một giáo viên ở TP HCM phạt học trò nói chuyện trong giờ học bằng cách buộc các em phải tự tát mình trước lớp.
Đó là sơ lược các kiểu bạo lực về thể chất, còn bạo lực về tinh thần thì cũng vô vàn cách: bêu riếu học sinh trước lớp vì mắc lỗi, gửi hình ảnh học sinh kém bị phạt về gia đình, ép buộc con cái phải học ngày đêm để giỏi hơn các bạn, đe dọa bạn học mỗi ngày đến lớp... Kiểu bạo lực nào cũng để lại những di chứng nặng nề. Các nhà tâm lý học đã có kết luận rằng bạo lực không trực tiếp dẫn đến nạn tự tử, buông xuôi nhưng cưỡng bức tâm lý dẫn đến trầm cảm và từ đây khó lường được hành vi của trẻ. Đối với đối tượng gây ra bạo lực cũng bị tác hại rất lớn, bởi thói quen này dễ hình thành tính cách khi trưởng thành.
Không còn cách nào khác, ngăn chặn bạo lực học đường là việc tất yếu phải làm vì bất cứ đứa trẻ nào cũng có thể trở thành nạn nhân của nó ở mọi lứa tuổi, mọi cấp học. Một số quốc gia rất mạnh tay trong vấn đề này, như ở Mỹ có đến 49/51 bang có những điều khoản hay chính sách nhằm giải quyết thực trạng; 12 bang trong số này có cả mức phạt hình sự, thậm chí là bắt giam tùy mức độ. Nhiều nơi rất nghiêm khắc không chỉ với học sinh mà cả với phụ huynh khi để con mình gây bạo lực trong trường học.
Hành vi sai trái từ một người chưa trưởng thành không bao giờ là hậu quả của cá nhân. Nó là tổng hợp những bất cập từ gia đình, nhà trường và cả xã hội trong quá trình đứa trẻ nhận thức về cuộc sống. Trong ý nghĩa này, những đứa trẻ bạo lực vừa là thủ phạm nhưng cũng vừa là nạn nhân.
Bình luận (0)