Bộ Tài chính vừa lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Nghị quyết về biểu thuế bảo vệ môi trường (BVMT) trình Quốc hội thông qua, trong đó có đề xuất điều chỉnh tăng thuế một số mặt hàng, bao gồm các sản phẩm xăng, dầu.
Mỗi lít xăng gánh 1.000 đồng
Đối với mặt hàng xăng, Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế môi trường thêm 1.000 đồng/lít, tức tăng từ 3.000 đồng/lít hiện nay lên 4.000 đồng/lít, thời gian áp dụng từ ngày 1-7. Theo quy định hiện hành, thuế BVMT đối với xăng có khung từ 1.000 -4.000 đồng/lít. Như vậy mức tăng theo đề xuất lên kịch trần.
Đối với mặt hàng dầu diesel, Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế BVMT thêm 500 đồng/lít; thuế môi trường đối với mặt hàng dầu ma-dút, mỡ nhờn cũng bị đề nghị tăng 1.000 đồng/kg.
Theo quan điểm của Bộ Tài chính, những lý do chính dẫn đến đề xuất tăng thuế BVMT đối với xăng dầu trong thời điểm này là để bảo đảm ứng phó kịp thời với diễn biến giá dầu trên thị trường thế giới; bảo đảm lợi ích quốc gia trong điều kiện hội nhập sâu khi thực hiện cắt giảm dần thuế nhập khẩu theo các cam kết quốc tế; động viên hợp lý đóng góp của xã hội vào ngân sách nhà nước (NSNN) để thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội của đất nước, trong đó có nhiệm vụ chi cho BVMT.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cho rằng do xăng dầu là sản phẩm chứa các chất hóa học gây ảnh hưởng xấu đến môi trường trên diện rộng ngay cả khi không sử dụng nên việc điều chỉnh tăng mức thuế BVMT đối với xăng dầu sẽ khuyến khích sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả; chuyển dần sang sản xuất, sử dụng sản phẩm, nhiên liệu thân thiện với môi trường, qua đó giảm bớt các tác động tiêu cực đến môi trường.
Theo đề xuất của Bộ Tài Chính, mặt hàng xăng sẽ gánh thêm thuế bảo vệ môi trường 1.000 đồng/lít Ảnh: Nguyễn Hưởng
Tác động cả nền kinh tế
Trước đề xuất trên của Bộ Tài chính, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng chưa nên tăng thuế xăng dầu kịch khung vào thời điểm này bởi 3 lý do. Thứ nhất, cơ cấu lại ngân sách thì phải cơ cấu cả thu và chi, nếu chỉ tìm cách tăng thu là chưa toàn diện. Trong bối cảnh ngân sách thâm hụt, Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế là cách làm dễ nhất nhưng lại không dễ nhận được sự đồng thuận của xã hội vì sẽ tác động đến cả nền kinh tế.
Thứ hai là đầu năm nay, Thủ tướng đã phát đi thông điệp kiến tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, cố gắng không tăng thuế, phí vì năng lực cạnh tranh của nền kinh tế còn yếu, thu nhập của người dân thấp trong khi xăng dầu là sản phẩm đầu vào chiến lược với sản xuất và an ninh quốc phòng. Thứ ba là chỉ số giá tiêu dùng tháng 1-2018 đã tăng 0,51%, mức cao so với chỉ tiêu kiềm chế lạm phát cả năm khoảng 4%. Do vậy, tăng thuế BVMT xăng sẽ kéo theo tăng giá bán lẻ, ảnh hưởng đến lạm phát.
"Thay vì tăng thuế, Bộ Tài chính cố gắng tái cải cách cơ cấu nguồn thu, mở rộng đối tượng chịu thuế sẽ hợp lý hơn" - ông Ngô Trí Long góp ý.
Một số chuyên gia kinh tế gợi ý mặt hàng xăng dầu hiện đang cõng nhiều loại thuế, phí, trong khi dư địa chính sách vẫn còn nên không nhất thiết bắt mặt hàng thiết yếu này cõng thêm thuế BVMT đến mức kịch trần.
Thay vì chăm chăm vào tăng thuế, cần kiện toàn lại công tác quản lý, điều hành, hạn chế nạn đầu cơ, trục lợi chính sách xăng dầu. Như vừa qua, Kiểm toán Nhà nước chỉ ra có hiện tượng thương nhân đầu mối hưởng lợi hơn 3.300 tỉ đồng năm 2015 và hơn 1.400 tỉ đồng năm 2016 vì bất cập trong công tác quản lý, điều hành giá xăng dầu theo phương pháp tính thuế bình quân gia quyền trong công thức tính giá cơ sở.
Ngân sách tăng thêm trên 15.000 tỉ đồng/năm
Với phương án đề xuất điều chỉnh tăng thuế BVMT đối với một số mặt hàng, bao gồm các sản phẩm xăng, dầu, Bộ Tài chính tính toán tổng số thu thuế BVMT dự kiến đạt 57.312 tỉ đồng/năm, tăng thêm 15.684 tỉ đồng/năm. Trong đó, riêng số thu thuế BVMT đối với xăng, dầu dự kiến 55.591 tỉ đồng/năm, tăng 14.863 tỉ đồng/năm.
Bình luận (0)