Ngày 26-7, Bộ Y tế công bố trong 2 ngày 25 và 26-7, Việt Nam phát hiện 4 ca mắc Covid-19 mới trong cộng đồng. Với công bố này, sau 100 ngày không ghi nhận ca lây nhiễm trong cộng đồng, Việt Nam lại đứng trước nguy cơ xuất hiện những ổ dịch Covid-19 mới.
Chưa xác định nguồn lây
Cụ thể, ca bệnh 418 là nam, 61 tuổi, ngụ phường Thanh Bình, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng; từng chăm bố bị bệnh, điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực chống độc Bệnh viện Đà Nẵng. Đến ngày 11-7, bệnh nhân 418 sốt và tự đi khám tư, sau đó nhập Bệnh viện Đà Nẵng ngày 18-7; đến ngày 24-7 thì có kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Tại Bệnh viện Đà Nẵng, bệnh nhân 418 từng vào khoa cấp cứu, sau đó đến Khoa Nội hô hấp và khi diễn tiến nặng được đưa vào Khoa Hồi sức tích cực.
Ca bệnh 416 là người đàn ông 57 tuổi (ngụ quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng), cũng từng chăm mẹ ốm tại Trung tâm Tim mạch - Bệnh viện Đà Nẵng, trong khoảng thời gian từ ngày 7 đến 17-7. Ngày 20-7, bệnh nhân bắt đầu sốt, sau đó đi khám ở Bệnh viện C Đà Nẵng, xác định dương tính với SARS-CoV-2 vào ngày 25-7. Bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Đà Nẵng.
Ca bệnh 419 là nam thiếu niên 17 tuổi ở Quảng Ngãi từng đến chăm anh trai nằm điều trị tại Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP Đà Nẵng từ ngày 14-7. Đến ngày 17-7, bệnh nhân 419 đón xe về Quảng Ngãi, trên xe có một số người trở về nhà từ Bệnh viện C Đà Nẵng.
Ca bệnh 420 là bệnh nhân nữ, 71 tuổi, ở phường Hòa Cường Nam, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng. Ngày 12-7, bệnh nhân có biểu hiện sốt, đau ngực, đến ngày 22-7 nhập viện tại Bệnh viện C Đà Nẵng. Ngày 25-7, Bệnh viện C Đà Nẵng lấy mẫu gửi Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Đà Nẵng xét nghiệm, kết quả xét nghiệm ngày 26-7 dương tính với SARS-CoV-2. Bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện C Đà Nẵng.
Như vậy, sau 100 ngày không có ca lây nhiễm trong cộng đồng, Việt Nam đã xuất hiện liên tục 4 ca lây nhiễm cộng đồng. Điểm chung ban đầu được xác nhận là cả 3 bệnh viện nói trên đều nằm liền kề nhau ở khu vực đường Hải Phòng và đường Quang Trung thuộc quận Hải Châu. Đặc biệt, các bệnh nhân đều đã từng chăm người nhà tại Bệnh viện Đà Nẵng trong vòng 14 ngày trước khi khởi phát bệnh. Mối quân tâm là đến thời điểm này vẫn chưa xác định được nguồn lây bệnh, cũng như chưa xác định được các bệnh nhân có lây chéo hay không.
Trước tình hình diễn biến phức tạp, trong ngày 26-7, ngay sau khi có thêm ca mắc mới (bệnh nhân 420), TP Đà Nẵng đã huy động toàn lực để thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid-19. Cùng ngày, Bệnh viện Đà Nẵng thực hiện phong tỏa, cách ly hơn 2.000 cán bộ, nhân viên và toàn bộ bệnh nhân, người nhà.
Nỗ lực điều tra F1
Theo Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP Đà Nẵng, do bệnh nhân 418 đang thở máy, thông tin do người nhà cung cấp chưa đầy đủ nên ngay trong ngày 26-7, Sở Y tế TP Đà Nẵng tiếp tục phối hợp với Công an TP, chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan điều tra thêm yếu tố dịch tễ, quá trình di chuyển, tiếp xúc của bệnh nhân, điều tra tất cả trường hợp đã tiếp xúc gần với bệnh nhân, các trường hợp có tiếp xúc với các trường hợp tiếp xúc gần để xử lý khử khuẩn môi trường; áp dụng các biện pháp cách ly, giám sát, theo dõi chặt chẽ theo đúng quy định đối với các trường hợp có liên quan. Ngành y tế tiếp tục xử lý hóa chất Chloramin B khử khuẩn môi trường tại các địa điểm liên quan đến bệnh nhân; lập danh sách tất cả trường hợp đang ở trong Bệnh viện Đà Nẵng và toàn bộ những trường hợp tiếp xúc gần, có liên quan đến bệnh nhân để có biện pháp cách ly, lấy mẫu xét nghiệm diện rộng và can thiệp y tế phù hợp.
Đối với ca bệnh 416, Sở Y tế TP Đà Nẵng thông tin: Hiện đã xác định 1.079 người tiếp xúc với bệnh nhân này, trong đó có 288 người tiếp xúc gần và đưa đi cách ly. Sở cũng thông báo người dân đã từng tiếp xúc với bệnh nhân trong vòng 14 ngày để chủ động theo dõi sức khỏe, báo cáo tình trạng sức khỏe, đến cơ sở y tế tư vấn xét nghiệm và áp dụng các biện pháp can thiệp y tế kịp thời. Bệnh nhân 416 đang được sử dụng ECMO và dùng thuốc an thần. Bệnh nhân 418 cũng có diễn tiến nặng và đang được thở máy qua nội khí quản.
Trước việc xuất hiện 2 ca mắc Covid-19 cùng có tiền sử chăm người bệnh, sau đó nhập viện tại Bệnh viện Đà Nẵng, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP Đà Nẵng đã có công văn khẩn yêu cầu thực hiện cách ly y tế Bệnh viện Đà Nẵng. Ngay trong ngày, Bệnh viện Đà Nẵng thực hiện phong tỏa, cách ly 14 ngày theo quy định đối với hơn 2.000 cán bộ, nhân viên và toàn bộ bệnh nhân, người nhà. Các cơ quan chức năng cũng đang tính tới việc áp dụng biện pháp này đối với Bệnh viện C Đà Nẵng.
Lực lượng chức năng điều tra dịch tễ liên quan bệnh nhân 418. Ảnh: BÍCH VÂN
Các địa phương vào cuộc
Trước việc xuất hiện 4 ca mắc mới ở TP Đà Nẵng và tỉnh Quảng Ngãi, nhiều tỉnh - thành đã triển khai các biện pháp phòng chống.
Trong chiều 26-7, UBND tỉnh Quảng Ngãi tổ chức cuộc họp khẩn triển khai các biện pháp phòng chống dịch Covid-19. Tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Tăng Bính chỉ đạo tạm dừng các nhóm trẻ tại gia đình, các trường mầm non, cơ sở dạy thêm, học thêm; phong tỏa toàn bộ khu phố nơi bệnh nhân 419 sinh sống; đưa những người thân, người tiếp xúc gần với bệnh nhân 419 đi cách ly.
Tính đến trưa 26-7, tỉnh Quảng Nam đã cách ly 106 người liên quan đến 2 ca bệnh Covid-19 thứ 416, 418. Cụ thể, tại khu cách ly tập trung huyện Đại Lộc có 86 người; tại khu cách ly tập trung thị xã Điện Bàn: 6 người; khu cách ly Hội An: 11 người; khu cách ly Thăng Bình: 2 người; Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam: 1 người. Ông Nguyễn Văn Hai, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam, thông tin ngành y tế tỉnh đã lấy mẫu các trường hợp trên gửi đi xét nghiệm và giám sát tại nhà người tiếp xúc gần với các trường hợp trên.
Tại tỉnh Thừa Thiên - Huế, ông Nguyễn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, dẫn đầu đoàn công tác của tỉnh này đi kiểm tra các địa điểm dự kiến bố trí chốt kiểm soát dịch bệnh. UBND tỉnh yêu cầu kịp thời kích hoạt 23 đội phản ứng nhanh, tăng cường các chốt kiểm soát dịch bệnh, các khu cách ly, rà soát hệ thống khai báo y tế; khai báo người địa phương khác đến Huế, đặc biệt là đến từ TP Đà Nẵng. Khi phát hiện các trường hợp F1 phải nghiêm túc đưa vào các cơ sở cách ly, triển khai xét nghiệm các trường hợp nghi nhiễm, sẵn sàng các kịch bản có thể xảy ra.
Chiều 26-7, UBND TP HCM cũng đã có công văn gửi các đơn vị về tăng cường công tác phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP. Theo đó, UBND TP giao Sở Y tế phối hợp UBND quận, huyện và Công an TP tổ chức rà soát, kiểm tra trong cộng đồng dân cư, đồng thời truyền thông vận động người dân tự giác thông báo kịp thời cho chính quyền và y tế địa phương về những người từng đến Đà Nẵng từ ngày 1-7-2020, đang có mặt trên địa bàn TP để áp dụng biện pháp giám sát y tế. Sở Du lịch phối hợp Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị lữ hành, các cơ sở lưu trú trên địa bàn TP rà soát danh sách khách du lịch đang lưu trú, cung cấp thông tin người từng đến Đà Nẵng từ ngày 1-7-2020 cho chính quyền và y tế địa phương để thực hiện các biện pháp đã nêu trên. Đồng thời, giao Công an TP quản lý chặt công tác tạm trú, tạm vắng và cư trú trên địa bàn; xử lý nghiêm các đối tượng đưa người nhập cảnh trái phép vào TP (nếu có); xử lý nghiêm các trường hợp đưa thông tin không đúng, sai sự thật về dịch Covid-19 gây hoang mang trong dư luận.
Hỗ trợ Đà Nẵng truy vết diện rộng
Chiều 26-7, Văn phòng Chính phủ ban hành văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Khoa học và Công nghệ chỉ đạo, hỗ trợ TP Đà Nẵng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để truy vết trên diện rộng tại TP Đà Nẵng, nhất là các trường hợp có nguy cơ lây nhiễm, kể cả khách du lịch. Bộ Y tế chỉ đạo hỗ trợ TP Đà Nẵng tăng cường năng lực xét nghiệm, điều trị; điều tra, giám sát dịch, nhất là các đối tượng, các khu vực có nguy cơ cao.
Cùng ngày, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 đề nghị Thủ tướng chỉ đạo triển khai thực hiện giãn cách xã hội toàn TP Đà Nẵng theo Chỉ thị số 16 trong vòng 15 ngày, kể từ 0 giờ ngày 27-7.
Bình luận (0)