Dư luận càng xót thương hơn khi gia cảnh của người nữ CNVS này nghèo khó, vợ chồng ly thân, chị đưa con trai lớn (15 tuổi) cùng về sống với mẹ ruột trong căn nhà xập xệ ở quận Đống Đa. Sáng chị chạy xe ôm, chiều tối làm CNVS để kiếm tiền nuôi con ăn học. Trong ngày 24-4, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Bùi Văn Cường đã đến nhà tặng gia đình chị Hà 500 triệu đồng từ sự ủng hộ của các nhà hảo tâm; Báo Người Lao Động cũng gửi tặng gia đình chị 10 triệu đồng và vận động mạnh thường quân, bạn đọc hỗ trợ gia đình chị.
Lâu nay, CNVS là đội ngũ được nhà nước dành nhiều sự quan tâm bằng các chế độ, chính sách ưu đãi và các doanh nghiệp (DN) công ích làm dịch vụ vệ sinh môi trường cũng có những đãi ngộ thêm cho người lao động tại đơn vị. Ở TP HCM, nhiều CNVS ở các DN công íchđược cấp nhà ở, hỗ trợ mua nhà trả góp, mua xe, cho con đi học, tiếp nhận con CNVS làm việc trong các đơn vị của công ty... Nhiều thế hệ CNVS trong một gia đình gắn bó với đơn vị, với nghề nghiệp, không chút mặc cảm mà trái lại, tự hào là CNVS.
Tuy nhiên, những CNVS ở các đường dây rác dân lập lại đa số là người làm thuê, lao động tự do, ít học, thu nhập thấp, làm việc với phương tiện thô sơ, điều kiện lao động không an toàn. Ở các DN công ích, CNVS được trang bị đủ trang phục, dụng cụ bảo hộ lao động. Ra hiện trường, CNVS mặc áo phản quang, đặt biển báo để người điều khiển các phương tiện giao thông nhận biết, sát bên là xe của CNVS cũng có tác dụng che chắn một phần cho họ khi làm việc.
Thế nhưng, với các "đệ tử Lưu Linh" hoặc những người sử dụng ma túy thì lúc say xỉn, ngáo đá đã không làm chủ bản thân nên gây ra hậu quả cực kỳ nghiêm trọng khi xe lao vào dòng người trên đường phố, trong đó có những CNVS cặm cụi làm việc trên đường. Trong vụ đụng chết nữ CNVS ở Hà Nội tối 22-4, người gây ra tai nạn là Đỗ Xuân Tuyên (SN 1970), khai tại cơ quan công an rằng đã uống từ 5-7 cốc bia loại lớn. Kết quả đo nồng độ cồn trong hơi thở của người này sau tai nạn vượt quy định cho phép nhiều lần. Đến 9 giờ ngày 23-4, tức sau khi gây tai nạn gần 10 giờ, Đỗ Xuân Tuyên vẫn còn say, chưa tỉnh...
Thông tin do Bộ Y tế công bố ngày 22-4 cho thấy bình quân mỗi người Việt Nam tiêu thụ khoảng 6,6 lít cồn/năm, hơn 1/2 nam giới uống nhiều bia rượu ở mức nguy hại (trung bình 6 cốc bia hơi cho một lần uống)... Người ngáo đá không đủ lý trí để điều khiển hành vi là một lẽ, người uống rượu bia lại không chấp hành khẩu hiệu "Đã uống rượu bia thì không lái xe" nên xảy ra tai nạn đáng tiếc. Cứ như thế, tai bay vạ gió chực chờ ập đến với người vô tội. Không làm chủ bản thân thì dẫu có xót xa, hối hận khi nhận thấy thảm họa mình gây ra cũng đã muộn màng. Luật pháp sẽ phải dành cho họ những bản án tương xứng để đủ sức răn đe người khác, để đem lại bình an cho xã hội, cho mỗi gia đình.
Bình luận (0)