Kinh doanh thì phải có lãi, điều này không ai thắc mắc cho dù là đầy tai tiếng như BOT. Nhưng tiền lãi này đã được tính toán trong các phương án kinh doanh mà các cơ quan chức năng phê duyệt từ khi lập dự án chứ không thể bất chấp quy định của pháp luật, "kê" chi phí đầu tư để kéo dài thời gian thu tiền. Nếu những sai phạm trên không được phanh phui, người dân và doanh nghiệp phải oan ức đóng một khoản tiền phí khổng lồ vào túi các ông chủ BOT qua hơn 56 năm. Lỗ hổng quản lý thật lớn nhưng dễ dàng được thông qua ở hàng loạt dự án!
Mặt trái của BOT thiên hình vạn trạng, bất chấp sức chịu đựng về tài chính của người dân. Trước hết là ồ ạt lập dự án vây chặt các vùng trọng điểm kinh tế như TP HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương... tác động rất lớn đến sự phát triển vùng vốn đang mang trọng trách làm đầu tàu kinh tế của quốc gia. Thử hình dung chỉ vùng này đã có đến vài chục trạm BOT thì doanh nghiệp, người dân phải chịu áp lực như thế nào mỗi khi lưu thông. Thứ đến, chủ đầu tư BOT là doanh nghiệp nên người sử dụng có quyền lựa chọn dùng hay không dùng sản phẩm của họ. Còn nhiều BOT chặn tuyến độc đạo, rải khắp các công lộ thì sao còn gọi là kinh doanh? Một mình một chợ thì phát sinh tiêu cực, gian lận kiếm lợi là khó tránh khỏi.
Phải thừa nhận là các dự án BOT đã mang lại diện mạo mới cho hệ thống giao thông quốc gia nhưng với điều kiện nó phải hỗ trợ cho sự phát triển kinh tế và chấp nhận được với thu nhập của người dân. Chứ còn ồ ạt dựng trạm bất hợp lý, chặn ngang những con đường huyết mạch, gian lận các khoản thu, tăng phí tùy tiện... thì dần dần những trạm BOT trở thành gánh nặng dân sinh, kìm hãm sự phát triển kinh tế và làm nảy sinh mâu thuẫn trong xã hội. BOT và người tiêu dùng là quan hệ hợp tác chứ không thể theo kiểu ngăn đường thu tiền ở một số nơi như hiện nay.
Thực trạng BOT như thế nhưng thật khó hiểu khi mới đây, Bộ Giao thông Vận tải đề xuất Chính phủ hỗ trợ hơn 5.000 tỉ đồng hoặc tăng mức phí cho BOT do giảm doanh thu bởi dịch Covid-19. Phương án này chẳng đoái hoài gì đến tâm trạng của người dân, khi dịch bệnh cũng đang làm hàng triệu người mất việc, giảm thu nhập, hàng vạn doanh nghiệp phải đóng cửa.
Điều cấp bách nhất hiện nay là Bộ Giao thông Vận tải cần chấn chỉnh lại hệ thống BOT; kiểm tra, đề xuất xử lý mạnh tay với những trạm bất hợp lý, gian lận chứ không phải mãi lo lắng cho "sức khỏe" tài chính của các nhà đầu tư qua các thương vụ BOT. Và người dân cần câu trả lời bao giờ triển khai thu phí không dừng theo chỉ đạo của Chính phủ để kiểm soát được nguồn thu từ các trạm BOT. Đây là lời giải ban đầu cho sự thiếu minh bạch của các trạm BOT hiện nay và hãy quên đi việc "cứu" BOT khi mà trong đó còn lắm gian lận.
Bình luận (0)